Doanh nghiệp

ĐIỆN MẶT TRỜI MÁI NHÀ CHO DOANH NGHIỆP: Nhu cầu cấp thiết đối với các doanh nghiệp

Đình Đại - Minh Quân - Nguyễn Hùng 16/08/2024 20:21

Đó là nhận định chung của các chuyên gia, doanh nghiệp trong phiên thảo luận tại Diễn đàn “Điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp: Giải pháp chuyển dịch và tiết kiệm năng lượng”.

Diễn đàn thu hút đông đảo doanh nghiệp tham dự.
Diễn đàn thu hút đông đảo doanh nghiệp tham dự.

Chiều ngày 16/8, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đạo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Tổng Công ty Điện lực TP.HCM và Viện Nghiên cứu Ứng dụng Năng lượng thông minh (iSEAR) tổ chức Diễn đàn: “Điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp: Giải pháp chuyển dịch và tiết kiệm năng lượng”.

Tham dự Diễn đàn có ông Võ Tân Thành– Phó Chủ tịch VCCI; Ông Tạ Huy Hoàng – Trưởng văn phòng Đại diện Bộ Xây dựng tại phía Nam; Ông Phạm Thanh Trực – Phó Trưởng ban Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (HEPZA); Ông Trần Ngọc Liêm – Giám đốc VCCI HCM; Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam; Ông Trần Thiên Long - Phó Chủ tịch Thường trực Liên Chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam; Trung tá Phạm Thy Bình – Phó Đội trưởng phòng cháy Phòng cảnh sát PCCC & CNCH Công an TP.HCM; Ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) – thuộc trường Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Cao Anh Tuấn – Chuyên gia về Năng lượng tái tạo; Ông Nguyễn Hữu Khoa – Đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam; TS. Trần Huỳnh Ngọc -Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu phát triển - PECC2 (thuộc EVN); Ông Hoàng Đình Lân – Phó Ban Kinh doanh Tổng Công ty Điện lực miền Nam; Ông Lê Hồng Khanh - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bình Dương.

Về phía Ban tổ chức có sự tham dự của Nhà báo Phạm Hùng - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Trưởng văn phòng phía Nam; Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp; Ông Phan Công Tiến – Giám đốc Viện nghiên cứu Ứng dụng năng lượng thông minh.

Mở đầu phần thảo luận, Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng - Phó Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp cho biết, chúng ta vừa nghe 3 bài phát biểu của các hiệp hội và chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau. Theo đó, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, một trong những hiệp hội có lượng hội viên rất lớn, cũng như các điều kiện xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU. Ông Trần Thiên Long - Phó Chủ tịch Thường trực Liên Chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam cũng nói lên nhu cầu rất cao của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và trên cả nước. Và bài trình bày về kinh nghiệm của quốc tế về phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh của ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) – thuộc trường Đại học Quốc gia Hà Nội.

anhdung.jpg
Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp.

Theo nhà báo Nguyễn Tiến Dũng, chúng ta thấy nhu cầu về phát triển điện mặt trời mái nhà là rất cấp thiết. Đây cũng là một vấn đề quan trọng đã được Chính phủ cũng như Bộ Công thương bàn bạc rất nhiều trong thời gian vừa qua. Các doanh nghiệp thì rất sốt ruột, tuy nhiên, theo chúng tôi được biết, Bộ Công thương cũng đã thúc đẩy rất nhiều cuộc họp lấy ý kiến.

“Đặc biệt là vào ngày 13/8 vừa qua, Bộ Công thương đã họp với các cơ quan liên quan để đưa ra Dự thảo Nghị định về việc phát triển điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp. Sau buổi họp này cũng đã đưa ra được rất nhiều vấn đề đang còn thắc mắc từ xã hội cũng như các doanh nghiệp. Đặc biệt, Bộ Công thương đã trình chính phủ cho phép các doanh nghiệp được mua bán điện. Tại Diễn đàn này, chúng tôi mời đến các chuyên gia và các doanh nghiệp và sẽ có những ý kiến đóng góp để VCCI sẽ tập hợp gửi Bộ Công thương trình Chính phủ để sớm ra được một Nghị định nhằm quản lý loại hình điện mặt trời mái nhà này”, nhà báo Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.

Ông Đào Du Dương - Chủ tịch HĐQT Bảo Long Solar Energy Group cho biết, Nghị định 80 đã công nhận đã công nhận tính thiết thực và vị trí, lợi ích của điện mặt trời mái nhà đối với vấn đề năng lượng của cả nước. Đây là vấn đề quan trọng trong việc phát triển điện mặt trời mái nhà trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và với các khách hàng có lượng tiêu thụ điện lớn.

ongduong.jpg
Đào Du Dương - Chủ tịch HĐQT Bảo Long Solar Energy Group.

Trước đây, các hộ dân cũng như các cơ quan hành chính rất hạn chế việc phát triển năng lượng điện, nhưng hiện nay, Nghị định 80 đã mở ra cơ hội cho các khu công nghiệp, các khu chế xuất trong việc phát triển điện năng lượng mặt trời mái nhà. Bên cạnh đó, cũng đã đưa ra được vấn đề hỗ trợ các thủ tục pháp lý theo hướng đơn giản các thủ tục, tạo điều kiện cho các dự án điện. Ngoài ra cũng đặt vấn đề hỗ trợ lãi suất, xét đến việc tài trợ cho người dân, doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời mái nhà…

Về những hạn chế của Nghị định 80, ông Đào Du Dương chỉ ra hàng loạt những hạn chế như: cách giải thích từ ngữ, cụm từ ngữ trong Dự thảo Nghị định mà Bộ Công thương đưa lên, những hướng dẫn đang làm hạn chế tính khả thi của Nghị định 80, vấn đề về lưu trữ, vấn đề khống chế công suất và việc công nhận chứng chỉ xanh…

Từ đó, ông Dương kiến nghị: Thứ nhất, đề nghị hoàn chỉnh các hướng dẫn thi hành Nghị định 80 theo hướng là ai cũng làm được; Thứ hai, cách xác định tương đối về thực tế với khả năng điều tiết của ngành điện lực Việt Nam để cân bằng giữa các nguồn điện; Thứ ba, điện mặt trời mái nhà có tính khả thi cao và phát đúng vào giờ cao điểm mà điện lực Việt Nam đề nghị cắt giảm. Do đó, cần phải làm rõ vấn đề cân bằng lưới điện; Thứ tư, cho phép định nghĩa tự sản tự tiêu là tiêu thụ tại chỗ và một đơn vị tài chính hoặc nhà đầu tư khác hợp tác với các công ty mua bán điện sản xuất thì được gọi là tiêu thụ tại chỗ.

Về các vấn đề vừa đặt ra, Tiến sĩ Trần Huỳnh Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu phát triển PECC2, có quan điểm là một chính sách chỉ phục vụ cho một mục tiêu, không thể phục vụ cho quá nhiều mục tiêu hay quá nhiều đối tượng được.

Ông Đặng Khải Hoàng - Đại diện Công ty Solarvest Việt Nam cho biết, hiện tại thì trụ sở chính của Công ty Solarvest là tại Malaysia. Tuy nhiên, hiện tại Solarvest hiện đang hiện diện ở 7 quốc gia, trong đó có 2 quốc gia rất khuyến khích về điện mặt trời áp mái cho trang trại. Cụ thể là ở Đài Loan thì hiện tại họ đang khuyến khích các mô hình mà trồng nấm kết hợp với điện mặt trời, và họ dùng chính nguồn năng lượng đó để phục vụ cho sản xuất tại chỗ Lý do là bởi ở Đài Loan, họ không có quá nhiều đất để làm các Solar Farm như là Việt Nam.

onghoang.jpg
Ông Đặng Khải Hoàng - Đại diện Công ty Solarvest Việt Nam.

Mô hình thứ nhất ở Đài Loan thì hiện tại Solarvest Đài Loan cũng đang tham gia chương trình lắp điện mặt trời cho các trang trại. Ngoài ra, ở Malaysia thì các trang trại gà hoặc là trang trại heo họ cũng được cấp phép để mà lắp điện mặt trời trên mái. Tuy nhiên, một điều khác cho Việt Nam là ở Việt Nam chúng ta thì chưa có chính sách rõ ràng cho việc đó, nhưng ở nước bạn thì họ rất là rõ ràng.

“Khi Solarvest vào Việt Nam thì đánh giá của Solarvest đối với thị trường này rất là rất tiềm năng. Trong 7 quốc gia ngoài Malaysia thì Solarvest vừa thi công và vừa đầu tư khoảng 500 - 600 Mwp điện mặt trời, thì Đài Loan và Việt Nam là 2 quốc gia Solarvest đang rất kỳ vọng. Tuy nhiên, khi vào đây, cú sốc đầu tiên là quá nhiều thủ tục hành chính và cũng rất khó để có thể biết là cái nào cần và cái nào không nên cần”, ông Hoàng đánh giá.

Cũng theo ông Hoàng, hiện tại Solarvest đầu tư khá nhiều vào các loại hình năng lượng, điện gió cũng có, lưu trữ BESS cũng có,.. Solarvest muốn đầu tư vào BESS tại Việt Nam, nhưng vẫn chưa biết phải làm như thế nào và phải đầu tư ra sao. Nên rất mong qua hội nghị này, sẽ có những đề nghị để làm sao có thể “mở khóa” được vấn đề này.

“Đối với các doanh nghiệp hiện nay, ngoài điện mặt trời mái nhà thì rất khó có thể làm được loại hình năng lượng khác có thể đáp ứng được về nhu cầu xanh hóa để xuất khẩu hàng hóa đi nước ngoài”, ông Đặng Khải Hoàng chia sẻ thêm.

Đóng góp ý kiến về dự thảo điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, ông Đoàn Văn Long – Giám đốc Công ty EPC Solar Việt Nam cho rằng, cần phải làm rõ đơn vị công suất đưa ra trong dự thảo nghị định là công suất AC (W) hay công suất lắp đặt DC (Wp). Ví dụ, các ngưỡng 100KW hay 100KWp? 1.000MW hay 1.000KWp?

onglongdoan.jpg
Ông Đoàn Văn Long – Giám đốc Công ty EPC Solar Việt Nam.

Theo ông Long, nếu 1.000KW được hiểu là công suất AC (tổng công suất định mức lắp đặt inverter) thì có cần quy định công suất tối đa DC là bao nhiêu KWp hay không?, và việc phê duyệt và quản lý công suất lắp đặt là công suất AC hay DC hay cả hai?

Bên cạnh đó, cần làm rõ cách tính toán xác định các ngưỡng 10% hay 20% công suất lắp đặt.

“Nên tính toán ngưỡng này dựa theo số liệu chuẩn hoá sản lượng điện trung bình hàng tháng mà mỗi KWp có thể phát ra tại một khu vực/ địa phương cụ thể”, ông Long đề xuất.

Đồng thời, ông cũng cho rằng, yêu cầu công suất >100KW phải đầu tư hệ thống điều khiển giám sát tại chỗ và kết nối với điều độ địa phương dù hệ solar có bán điện hay không. Kiến nghị nên tăng ngưỡng này lên, ví dụ 500kW vì vấn đề chi phí đầu tư và quản lý khách hàng đối với điều độ.

Ngoài ra, cần làm rõ đối tượng nào được áp dụng cho cơ chế điện mặt trời áp mái, đối tượng nào không áp dụng mà phải áp dụng cơ chế khác như DPPA.

Ông lấy ví dụ, điện mặt trời được lắp trên mặt đất trong một khuôn viên đất trống trong một nhà máy sản xuất để tận dụng lắp điện mặt trời tự sản tự tiêu nhưng không phải là điện mặt trời mái nhà. Vậy loại hình này áp dụng cơ chế nào? Hay như, điện mặt trời mái nhà được một nhà đầu tư lắp trên mái một khách hàng có sản lượng điện tiêu thụ < 200.000kwh thì áp dụng cơ chế nào?

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
ĐIỆN MẶT TRỜI MÁI NHÀ CHO DOANH NGHIỆP: Nhu cầu cấp thiết đối với các doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO