Trung tá Phạm Thy Bình – Phó Đội trưởng phòng cháy Phòng cảnh sát PCCC & CNCH Công an TP.HCM cho biết, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH đã ban hành một số văn bản hướng dẫn các điều kiện an toàn PCCC đối với hệ thống điện mái nhà.
Chiều ngày 16/8, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đạo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Tổng Công ty Điện lực TP.HCM và Viện Nghiên cứu Ứng dụng Năng lượng thông minh (iSEAR) tổ chức Diễn đàn: “Điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp: Giải pháp chuyển dịch và tiết kiệm năng lượng”.
Tham dự Diễn đàn có ông Võ Tân Thành– Phó Chủ tịch VCCI; Ông Tạ Huy Hoàng – Trưởng văn phòng Đại diện Bộ Xây dựng tại phía Nam; Ông Phạm Thanh Trực – Phó Trưởng ban Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (HEPZA); Ông Trần Ngọc Liêm – Giám đốc VCCI HCM; Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam; Ông Trần Thiên Long - Phó Chủ tịch Thường trực Liên Chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam; Trung tá Phạm Thy Bình – Phó Đội trưởng phòng cháy Phòng cảnh sát PCCC & CNCH Công an TP.HCM; Ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) – thuộc trường Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Cao Anh Tuấn – Chuyên gia về Năng lượng tái tạo; Ông Nguyễn Hữu Khoa – Đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam; TS. Trần Huỳnh Ngọc -Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu phát triển - PECC2 (thuộc EVN); Ông Hoàng Đình Lân – Phó Ban Kinh doanh Tổng Công ty Điện lực miền Nam; Ông Lê Hồng Khanh - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bình Dương.
Về phía Ban tổ chức có sự tham dự của Nhà báo Phạm Hùng - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Trưởng văn phòng phía Nam; Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp; Ông Phan Công Tiến – Giám đốc Viện nghiên cứu Ứng dụng năng lượng thông minh.
Chia sẻ tại Diễn đàn, Trung tá Phạm Thy Bình cho biết, năm 2024 đã có sự thay đổi, trường hợp hạng mục điện mặt trời mái nhà lắp đặt trên dự án công trình thuộc phụ lục V, Nghị định 50/2024/NĐ-CP ngày 10/5/2024 của Chính phủ khi xây dựng phải thẩm duyệt PCCC theo quy định. Trường hợp hạng mục hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp trên dự án sẽ không tác dụng và phụ thuộc vào Nghị định 50.
Đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt trên mái nhà các dự án công trình đã được thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC không yêu cầu thực hiện thủ tục thẩm duyệt thiết kế PCCC.
Về các điều kiện an toàn PCCC đối với hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà, Trung tá Phạm Thy Bình cho rằng, hiện nay, tại Việt Nam chưa có các quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể quy định các điều kiện an toàn về PCCC đối với các hệ thống điện mái nhà trên mái. Do đó, để thực hiện công tác quản lý Nhà nước đối với loại hình này, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH đã ban hành một số văn bản hướng dẫn công an các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, cụ thể:
Ngày 08/9/2022, ban hành văn bản số 3288/C07-P4 về việc hướng dẫn công tác thẩm duyệt, thiết kế về PCCC đối với nhà máy điện mặt trời và hệ thống điện mặt trời mái nhà và văn bản số 3289/C07-P4 về việc hướng dẫn công tác thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC.
Và mới đây nhất, ngày 09/8/2024, ban hành văn bản số 207/C07-P4 về việc hướng dẫn thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC, trong đó hướng dẫn các điều kiện an toàn PCCC đối với hệ thống điện mái nhà và thay thế nội dung văn bản 3288/C07-P4 và 3289/C07-P4 nêu trên. Và nội dung này hướng dẫn cụ thể như sau:
Thứ nhất, đối với bậc chịu lửa công trình: Khi lắp đặt tấm pin mặt trời và các thiết bị khác của hệ thống điện mặt trời mái nhà phải tính toán đến tải trọng, ảnh hưởng đến kết cấu mái nhà trong điều kiện thường và điều kiện cháy; Không lắp đặt tấm pin lên các mái nhà làm bằng vật liệu cháy hoặc có vật liệu hoàn thiện là chất cháy. Bên cạnh đó, yêu cầu việc đối chiếu, xem xét giới hạn chịu lửa của cấu kiện mái nhà sau khi bố trí tâm spin trên mái nhà theo quy định của QCVN 06/BXD của Bộ Xây dựng.
Thứ hai, không lắp đặt tấm pin mặt trời phía trên các không gian phòng thuộc hạng nguy hiểm cháy nổ A, B, cũng như các gian phòng khác mà trong quá trình hoạt động có khả năng tích tụ khí, bụi cháy; hạn chế việc bố trí tấm pin trên các gian phòng làm kho hoặc các gian phòng lưu trữ khối lượng lớn chất dễ cháy; Các tấm pin mặt trời lắp đặt trên mái phải được chia thành các nhóm, dãy với kích thước không quá 40m x 40m cho mỗi nhóm, khoảng cách giữa 2 nhóm không được nhỏ hơn 1,5m. Đối với các mái có bố trí lan can xung quanh theo chu vi mái phải bố trí tấm pin cách lan can khoảng 2,5m.
Thứ ba, bố trí công năng trên mái và tầng phía dưới mái: đối chiếu vào việc bố trí tấm pin để không ảnh hưởng đến hoạt động của thiết bị, hệ thống PCCC, hệ thống kỹ thuật khác trên mái (Ví dụ như phòng bơm chữa cháy trên mái, hệ thống quạt tăng áp, hút khói, hệ thống thang máy…).
Thứ tư, giải pháp ngăn cháy: Giải pháp ngăn cháy cho các đường kỹ thuật, đường dây cáp của hệ thống điện mặt trời trên mái khi các đường này đi vào trong nhà, xuyên qua các bộ phận ngăn cháy; giải pháp ngăn cháy cho các gian phòng đặt tủ đóng ngắt, tủ inverter và các thiết bị khác của hệ thống điện mặt trời được đặt trong nhà theo quy định tại QCVN 06/BXD, không bố trí tấm pin trong phạm vi 3m xung quanh lối ra mái qua các buồng thang bộ, thang chữa cháy, các lỗ mở qua cửa sập.
Thứ năm, giải pháp chữa cháy: Giải pháp chữa cháy cho các gian phòng trong nhà có bố trí thiết bị của hệ thống điện mặt trời, lựa chọn chất chữa cháy phù hợp với tính chất, đặc điểm của thiết bị theo quy định TCVN: 3890.
Thứ sáu, bố trí lối tiếp cận cho máu qua buồng thang bộ hoặc qua các thang chữa cháy, bố trí đường giao thông cho các xe chữa cháy và bãi đỗ xe để thuận lợi tiếp cận đến vị trí lắp đặt tấm pin mặt trời theo quy định của QCVN 06/BXD.
Thứ bảy, vận hành và điều khiển hệ thống điện mặt trời phải được trang bị các thiết bị ngắt khẩn cấp; Thiết bị này cần bố trí cả ở vị trí inverter và vị trí tủ đóng, ngắt. Tại các vị trí này phải niêm yết hướng dẫn, quy trình vận hành. Tại khu vực gần lối lên mái phải bố trí các sơ đồ, bố trí tấm pin trên mái và sơ đồ đấu nối hệ thống để phục vụ việc ngắt kết nối các tấm pin khi có sự cố và phục vụ công tác chữa cháy.