Theo dự thảo khung giá điện mặt trời cho những năm tới, giá điện sẽ giảm đáng kể so với ưu đãi trước đó dẫn tới việc đầu tư vào năng lượng mặt trời có thể sẽ chậm lại.
Đó là nhận định được đưa ra trong báo cáo cập nhật đối với ngành điện vừa phát hành của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC).
Thời gian qua, với nhiều chính sách ưu đãi và tạo mọi thuận lợi cho nhà đầu tư của Chính phủ, Việt Nam đang được xem là thị trường trọng tâm thu hút các doanh nghiệp lớn trong ngành năng lượng mặt trời trên khắp thế giới đầu tư.
Tính đến cuối năm 2018, Việt Nam có một số nhà máy năng lượng mặt trời với công suất chưa tới 100MW. Tuy nhiên bước sang nửa đầu năm 2019, điện mặt trời đã có bước nhảy vọt với tổng công suất lắp máy lên tới 4.464 MW vào cuối tháng 6/2019 và dự kiến sẽ tăng lên 5.100 MW vào cuối năm nay.
Một số dự án lớn thấy rõ như việc Tập đoàn BIM Group đã khánh thành cụm nhà máy điện mặt trời tại Thuận Nam và hòa lưới điện quốc gia với công suất 330 MW sau hơn 9 tháng chính thức thi công. Đây là tổ hợp nhà máy năng lượng điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á đi vào hoạt động và dự kiến sản xuất khoảng 600 triệu kWh/năm.
Tập đoàn Thành Thành Công đã đưa vào hoạt động 2 nhà máy tại Phong Điền, Thừa Thiên Huế (35 MW) và Krong Pa (49 MW).
Trong tháng 6/2019, Công ty Cổ phần TTP Phú Yên cũng đã tổ chức lễ khánh thành, chính thức đưa vào vận hành Nhà máy điện mặt trời Hòa Hội tại xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa (Phú Yên). Đây là dự án năng lượng tái tạo lớn nhất trên địa bàn tỉnh Phú Yên với tổng vốn lên đến 4.985 tỷ đồng.
Rất nhiều địa phương trong cả nước đặc biệt là khu vực miền Nam và miền Trung, như Long An, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Tây nguyên, Tây Ninh đang có nhiều chính sách về quỹ đất, tài chính để tạo động lực cho các nhà đầu tư trong nước....
Bên cạnh sự tham gia lớn mạnh của các doanh nghiệp trong nước còn là sức hút đầu tư của các nhà đầu tư ngoại với nhiều hình thức khác nhau như chính sách đầu tư mua lại cổ phần các dự án điện mặt trời tại Việt Nam; hoặc đầu tư trực tiếp các dự án.
Sự nở rộ này có được là do các nhà máy đều đẩy nhanh tiến độ để kịp hòa lưới trước 30/6/2019, là thời điểm cuối cùng được hưởng cơ chế ưu đãi theo Quyết định 11 của Thủ tướng Chính phủ (ngoại trừ Bình Thuận và Ninh Thuận được kéo dài thêm thời gian ưu đãi đến 30/6/2020).
Tuy nhiên, theo nhóm phân tích của BVSC, hiện tại, Chính phủ đã ban hành dự thảo giá điện mặt trời cho những năm tới, theo đó giá điện mặt trời giảm đáng kể so với ưu đãi trước đó dẫn tới việc đầu tư vào năng lượng mặt trời có thể sẽ chậm lại.
Ngoài mức giá giảm sâu (hơn 32%) thì thời hạn duy trì giá chỉ 2 năm là quá ngắn. Giá đã giảm, mốc thời gian áp dụng ngắn sẽ là sức ép lớn cho nhà đầu tư trong đàm phán với nhà thầu, cung cấp thiết bị.
Việc phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian qua cũng đang đối mặt với một số bất cập và thách thức như chi phí đầu tư còn cao, số giờ vận hành nguồn điện còn thấp, cơ sở hạ tầng lưới diện một số khu vực nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo chưa sẵn sàng để giải phóng công suất, yêu cầu sử dụng đất lớn (nhất là đối với các dự án điện mặt trời), các khó khăn trong điều khiển, điều độ hệ thống điện khi tỉ trọng nguồn điện từ năng lượng tái tạo trong hệ thống tăng lên…
Trong đó, vấn đề đang làm nhiều nhà đầu tư và người dân quan tâm nhất là chi phí lắp đặt hệ thống điện mặt trời ban đầu khá cao. Đây có lẽ là khó khăn đầu tiên khi phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.