Nếu Mỹ tiếp tục áp gói thuế mới với Trung Quốc, thì khoảng 3 triệu người Trung Quốc có thể sẽ mất việc. Nhưng điều sâu xa hơn, xung đột giữa 2 nước sẽ còn đi xa hơn nữa.
Trong một tuyên bố, Tổng thống Donald Trump cảnh báo nếu Trung Quốc có hành động đáp trả với nông dân hoặc các ngành công nghiệp Mỹ, thì Mỹ sẽ ngay lập tức đi vào giai đoạn 3, áp thuế bổ sung tương đương 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Cuộc chiến thuế quan, được nhiều chuyên gia đánh giá là một mũi tên trúng nhiều đích của Washington khi Tổng thống Trump vừa có thể nhằm tới cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp đến, vừa có thể định hình lại toàn bộ quan hệ của Mỹ với Trung Quốc cũng như để xử lý quan hệ của Mỹ với Nga và Triều Tiên.
Có thể bạn quan tâm
11:40, 24/09/2018
13:00, 22/09/2018
04:30, 22/09/2018
11:01, 20/09/2018
Nói về khả năng Mỹ sẽ áp thuế vòng 3 với mức độ giá trị lên tới 267 tỷ USD lên hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc, ông Rajiv Biswas - Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á Thái Bình Dương của IHS Markit cho biết, các sản phẩm như điện thoại di động, đồng hồ thông minh và nhiều thiết bị điện tử khác sẽ trở thành nạn nhân của vòng đánh thuế tiếp theo. “Nếu Mỹ đánh thuế thêm 267 tỷ USD hàng hóa, các nhà xuất khẩu Trung Quốc sẽ phải chịu những cú sốc kinh tế khá mạnh", ông Biswas nhấn mạnh.
Đầu tháng 9, Apple đã bày tỏ lo ngại thuế quan sẽ ảnh hưởng đến đồng thời thông minh Apple Watch và tai nghe AirPod cũng như nhiều sản phẩm khác của hãng. Tuy nhiên những sản phẩm này đã "thoát nạn" khi danh sách cuối cùng được công bố.
Ông Biswas cho rằng: "Khi các tập đoàn đa quốc gia điều chỉnh lại chuỗi cung ứng để hoạt động xuất khẩu sang Mỹ không bị ảnh hưởng và chuyển các trung tâm sản xuất ra khỏi Trung Quốc, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc sẽ mất đi một lượng lớn việc làm". Theo chuyên gia này, vòng đánh thuế tiếp theo sẽ ảnh hưởng mạnh đến các công ty đa quốc gia đặt nhà máy sản xuất ở Trung Quốc rồi sau đó xuất khẩu sản phẩm, cũng như các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Trung Quốc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chuyên gia kinh tế cao cấp tại JPMorgan - bà Carol Liao cho rằng, ô tô là một ngành khác có thể bị nhắm đến. Nhận định này hoàn toàn có thể xảy ra khi, bản thân các công ty ô tô cũng đang phải chịu mức thuế 25% mà ông Trump đánh vào các linh kiện ô tô được sản xuất tại Trung Quốc. Đứng trước tình hình này, Ford đã phải huỷ bỏ kế hoạch bán mẫu crossover Focus Active (vốn được sản xuất tại Trung Quốc) tại thị trường Mỹ, trong khi Volvo chuyển hoạt động sản xuất mẫu XC60 sang Thụy Điển. General Motors đang cố gắng xin miễn thuế cho mẫu Buick Envision.
Theo TS. Bùi Ngọc Sơn (Viện Kinh tế Chính trị thế giới): “Nếu xung đột tiếp tục leo thang, Trung Quốc sẽ không thể cấu trúc lại được nền kinh tế, thậm chí có thể phải gánh chịu khủng hoảng tài chính vì tình trạng vỡ nợ trở nên mất kiểm soát. Như vậy, có thể nhận định rằng, Trung Quốc sẽ phải nhượng bộ trước và xung đột sẽ dừng lại ở đó”.
Tuy nhiên, theo TS Bùi Ngọc Sơn, ngay cả trong bối cảnh có chiến tranh thương mại thực sự giữa hai nền kinh tế này thì về cơ bản chỉ là mâu thuẫn và xung đột cục bộ giữa hai nền kinh tế, chủ nghĩa bảo hộ theo đúng nghĩa vẫn không thể trở lại như là một khuynh hướng toàn cầu được. Nền tài chính toàn cầu vẫn an toàn, khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong trung hạn là rất thấp.
Đối với Việt Nam, ông Sơn cho rằng, về thương mại cần ưu tiên các nỗ lực thiết lập các FTA với các thị trường lớn như Nhật Bản, EU, Mỹ nhằm đảm bảo tính ổn định của các thị trường xuất khẩu lớn nhất và quan trọng này (vì nền kinh tế Việt Nam lệ thuộc nhiều vào xuất khẩu), đồng thời tìm cách đa dạng thị trường xuất khẩu bằng các hợp tác thương mại với các nước khác.