Tổng thống Mỹ Donald Trump đang nhắm vào các quy tắc thương mại tự do quốc tế được áp dụng từ những năm 1940.
Khi Tổng thống Trump tuyên bố sẽ áp thuế mới đối với hàng nhập khẩu từ các quốc gia trên thế giới, ông đã phát động một cuộc tấn công trực diện vào hệ thống thương mại tự do toàn cầu được tạo ra sau Thế chiến II.
Trong nhiều thập kỷ qua, Mỹ - quốc gia nhập khẩu lớn nhất thế giới, đã mua nhiều hàng hóa hơn từ phần còn lại của thế giới so với lượng hàng họ bán ra. Ông Trump muốn thay đổi điều đó và đang tính toán rằng các quốc gia khác có thể sẽ thận trọng trong việc trả đũa bằng cách tăng thuế quan của riêng họ.
Nhưng thay vào đó, nhiều chuyên gia thương mại cảnh báo, hành động của ông Trump có thể báo trước sự thay đổi toàn cầu theo hướng tăng thuế quan. Điều này sẽ đặt ra thách thức lớn đối với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
“Điều quan trọng bây giờ là cách phản ứng của các quốc gia thành viên thuộc WTO. Họ có bảo vệ hệ thống không? Hay họ cũng bỏ qua các nguyên tắc, điều khoản và thông lệ chính?”, Deborah Elms, người đứng đầu chính sách thương mại tại Hinrich Foundation cho biết.
Hiệp định chính điều chỉnh thương mại quốc tế là Hiệp định Chung về Thuế quan và Thương mại (GATT). Chỉ có 23 quốc gia ký thỏa thuận này vào năm 1947.
Các bên ký kết hiệp định đồng ý áp dụng mức thuế quan như nhau đối với tất cả các nước thành viên khác, một điều khoản quan trọng mà ông Trump đang thách thức; đồng thời các quốc gia thành viên cũng đã đàm phán trong nhiều năm để giảm các mức thuế này.
Nhưng ngày nay, ông Trump đang lật ngược các quy tắc cơ bản nhất của GATT bằng cách đơn phương thiết lập thuế quan. Mỹ sẽ điều chỉnh mức thuế để phù hợp với các quốc gia khác, sau đó áp thêm thuế để bù đắp cho các khoản trợ cấp và các rào cản thương mại phi thuế quan ở những quốc gia đó.
Ông Trump đặc biệt phàn nàn về thuế giá trị gia tăng ở châu Âu và mức thuế rất cao ở các nước đang phát triển.
Theo ông Keith Bradsher, Trưởng văn phòng Bắc Kinh của The Times, trên thực tế, một số nước đang phát triển đã kiên quyết duy trì mức thuế cao để hạn chế nhập khẩu hàng công nghiệp. Họ cũng yêu cầu được phép trợ cấp cho lĩnh vực nông nghiệp nhằm cố gắng tự chủ lương thực.
Trung Quốc và Ấn Độ, hiện nằm trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng họ vẫn duy trì vị thế là các nước đang phát triển theo các quy tắc của GATT, cho phép họ giữ mức thuế quan cao hơn nhiều so với các nền kinh tế phát triển và trợ cấp mạnh cho nông nghiệp.
Tuy nhiên để đáp lại cuộc chiến thương mại của ông Trump vào năm 2018 và 2019, Trung Quốc bắt đầu giảm thuế quan một cách tự nguyện, trong khi vẫn duy trì mức trợ cấp nông nghiệp lớn nhất thế giới.
Ông Trump đang ra tín hiệu rằng các nước đang phát triển có mức thuế quan cao có thể phải chịu mức thuế quan tương đương của Mỹ. Nhưng các nước, như Trung Quốc và Ấn Độ, lập luận rằng mặc dù lĩnh vực công nghiệp của họ đã phát triển mạnh mẽ, nhưng dân số của họ vẫn chưa giàu có. Họ vẫn có thu nhập bình quân thấp và muốn duy trì sự tự chủ về lương thực.
Thế tiến thoái lưỡng nan hiện nay đối với châu Âu và hầu hết các nước đang phát triển là họ rất cần phải có thặng dư thương mại với Mỹ để trang trải thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc.
Nếu họ trả đũa thuế quan của Tổng thống Trump, họ có thể gây ra một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu và hủy hoại WTO, tổ chức đã giúp họ phát triển nhanh hơn trong thời gian dài.