Cuộc chiến cắt giảm các điều kiện kinh doanh đang bước vào giai đoạn cuối cùng. Nhưng đáng nói, tính đến thời điểm hiện tại, nhiều bộ ngành vẫn quá chậm trễ trong việc quan trọng này.
Điều này, khiến doanh nghiệp tỏ ra vô cùng lo lắng, liệu lần này những kỳ vọng của doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch có được thực hiện… Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trò chuyện với ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
- Ngày 31/10 đến hạn các Bộ phải hoàn thành việc cắt giảm điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, qua phản ánh cho thấy cắt bỏ được giấy phép con lại lòi “giấy phép cháu”. Vì đâu có tình trạng này, thưa ông?
Kinh nghiệm trong 17-18 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp có thể thấy rằng việc cắt giảm các giấy phép kinh doanh thường rất khó, rất lâu, và cần quyết tâm chính trị rất cao. Trong khi đó, việc đặt ra các giấy phép kinh doanh, các quy định xin cho có một thời gian lại rất dễ dàng. Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp của Thủ tướng Chính phủ đầu những năm 2000 đã miệt mài đề xuất, thảo luận mấy năm trời mới bỏ được mấy trăm giấy phép con, nhưng sau đó lại dễ dàng phát sinh thêm hàng trăm loại giấy phép, quy định xin – cho khác, thậm chí núp dưới những cái tên khác như thông báo, quy hoạch, xác nhận…
Chính vì vậy, những thành quả của cải cách lại nhanh chóng bị xoá bỏ bởi quy trình ban hành văn bản chưa phù hợp. Công tác xây dựng pháp luật thời gian tới cần phải thay đổi nhiều, cần có cơ chế giám sát, gác cổng cho quá trình ban hành văn bản mới, đặc biệt liên quan đến điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính.
- Trong quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh, nhiều chuyên gia lo ngại tình trạng cài cắm chính sách. Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?
Đối với lĩnh vực giấy phép kinh doanh, như hiện nay thì thường các đơn vị có thẩm quyền cấp phép lại chịu trách nhiệm trong đề xuất chính sách, soạn thảo văn bản, và chủ trì cả quá trình ban hành. Nghị định là của Chính phủ, nhưng dấu ấn của từng Bộ, thậm chí từng Cục rất rõ nét. Từ kinh nghiệm của VCCI trong nhiều chương trình cải cách giấy phép kinh doanh, những đơn vị đang có thẩm quyền cấp phép thường không muốn và thường rất trì hoãn trong việc đưa ra phương án cắt giảm và thay đổi hình thức quản lý. Đặc biệt là những thay đổi căn bản, thay đổi hẳn cách thức quản lý vì đơn giản là họ sẽ bị mất quyền. Chính vì vậy, nếu không thay đổi quy trình xây dựng văn bản hiện nay thì quá trình cải cách, cắt giảm của Chính phủ có thể sẽ không bền vững.
Cơ quan xây dựng chính sách phải tách khỏi cơ quan cấp phép, cơ quan thực thi quyền quản lý và minh bạch hoá quá trình thảo luận chính sách chính là vũ khí quan trọng nhất để hạn chế tình trạng cài cắm chính sách.
Cho nên ngay cả trong từng Bộ, từ kinh nghiệm của chúng tôi, nếu đổi đơn vị chủ trì soạn thảo, rà soát cắt giảm điều kiện kinh doanh của Bộ từ cục, vụ chuyên môn sang đơn vị tương đối độc lập như Vụ Pháp chế, Viện của Bộ thì khả năng sẽ có chuyển đổi lớn, có thể sẽ vượt qua được các níu kéo lợi ích cục bộ. Tất nhiên các đơn vị này có thể chưa am hiểu sâu về lĩnh vực như các cục, vụ chuyên môn nhưng họ hoàn toàn có thể tham vấn và huy động các chuyên gia bên ngoài.
Để hạn chế tình trạng cài cắm quyền hành, lợi ích cục bộ thì quá trình xây dựng chính sách, hay cải cách chính sách cần thay đổi. Cần sự độc lập, minh bạch và tham vấn rộng rãi trong quá trình này. Trong quá trình thảo luận về phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh tại VCCI, chính các doanh nghiệp là người chỉ ra các điều kiện kinh doanh vô lý, phiền hà, không có nhiều ý nghĩa trong quản lý nhất. Tiếc là có nhiều cơ quan Bộ, ngành lại né tránh quá trình tham vấn doanh nghiệp khi cắt giảm điều kiện kinh doanh.
Tôi cho rằng cơ quan xây dựng chính sách phải tách khỏi cơ quan cấp phép, cơ quan thực thi quyền quản lý và minh bạch hoá quá trình thảo luận chính sách chính là vũ khí quan trọng nhất để hạn chế tình trạng cài cắm chính sách.
Có thể bạn quan tâm
09:33, 17/10/2018
06:16, 04/10/2018
16:36, 14/08/2018
- Làm thế nào để cắt giảm điều kiện kinh doanh là cải cách toàn diện chứ không phải cải thiện, thưa ông?
Thực ra chương trình cải cách mà Chính phủ đẩy mạnh thời gian qua tương đối ấn tượng. Có yêu cầu rà soát tổng thể, có mục tiêu định lượng cụ thể, có mốc thời gian rõ ràng phải hoàn thành. Chúng ta đã thấy có sự chuyển động của rất nhiều Bộ, ngành. Đây là một điều không hề dễ dàng gì. Đến nay đã hàng loạt Bộ, ngành đã công bố kết quả cắt giảm điều kiện kinh doanh vượt mục tiêu mà Chính phủ đề ra.
Tuy nhiên, điều mà các doanh nghiệp trông chờ là họ sẽ được thụ hưởng thực sự từ quá trình cắt giảm này. Đó là thủ tục phải đơn giản đi, đó là thời gian và chi phí người kinh doanh tiết kiệm được, đó là hàng rào gia nhập thị trường đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa được dỡ bỏ… Chúng tôi cho rằng chính thực tế kinh doanh, cảm nhận trực tiếp của doanh nghiệp mới là thước đo cuối cùng cho thành công của quá trình cải cách này. VCCI hiện nay đang cố gắng đóng góp vào quá trình này qua các cuộc điều tra doanh nghiệp, qua các tổng kết theo dõi quá trình thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ.
- Mục tiêu của chúng ta đặt ra đó là phấn đấu môi trường kinh doanh đạt mức ASEAN4. Theo ông, đến nay chúng ta đã đạt được gì?
Có thể nói Chính phủ đã rất tham vọng trong việc đặt ra mục tiêu so sánh được với các nước đứng đầu khu vực ASEAN. Tôi cho rằng đây là cách tiếp cận tiến bộ. Các chính sách, nghị quyết không còn nêu chung chung nữa mà có mục tiêu, thời hạn cụ thể, có các nhóm nhiệm vụ cho từng Bộ, ngành, địa phương, có sự tham gia của VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp như loạt Nghị quyết 19. Các nước khác làm được, tạo sao chúng ta không làm được? Đây là cách tiếp cận rất khác trước đây, phải nói là điểm được lớn nhất.
Tất nhiên quá trình cải cách này không thể đạt được trong ngày một ngày hai, nó cần quá trình, nó cần chuyển động thực chất. Qua đánh giá của Ngân hàng Thế giới trong chỉ số Doing Business mà Việt Nam tăng 14 bậc, cùng với Indonesia là hai quốc gia có chuyển động tích cực nhất trong mấy năm qua của thước đo này.
Môi trường kinh doanh của Việt Nam có thể xem như một cỗ máy vốn đã ì ạch khá lâu, nay đã có sự khởi động ấn tượng, đã xác định được hướng đi rõ ràng, đã được tiếp đủ nhiên liệu, mong rằng sớm sẽ về được đến đích. Việt Nam có thể đàng hoàng nằm trong top 4, top 3 các nước đứng đầu ASEAN về mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh trong một thời gian ngắn tới.
- Xin cảm ơn ông.