Góp ý Dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Nghị định 58/2016/NĐ-CP quy định chi tiết về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và xuất khẩu, nhập khẩu, VCCI cho rằng, vẫn còn những tồn tại…
>> Cân nhắc giảm bớt điều kiện kinh doanh tại một số lĩnh vực do Bộ Công an quản lý
Theo đó, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 73/BCY-MMDSKĐ ngày 16/3/2023 của Ban Cơ yếu Chính phủ về việc đề nghị góp ý Dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Nghị định 58/2016/NĐ-CP quy định chi tiết về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và xuất khẩu, nhập khẩu (Dự thảo).
Cụ thể, tại văn bản góp ý, VCCI cho rằng, điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, giấy phép xuất nhập khẩu và thủ tục hành chính liên quan đa phần được quy định tại Luật An toàn thông tin mạng. Các quy định này được xem là khá cao với các doanh nghiệp.
Trong khi đó, kinh doanh mật mã dân sự nói riêng và ngành công nghệ thông tin nói riêng là ngành luôn có sự sáng tạo, đổi mới. Cạnh tranh tạo ra sự đổi mới này, và các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ đóng vai trò quan trọng với khả năng làm mới thị trường, thúc đẩy cạnh tranh và sự đổi mới, kể cả với các doanh nghiệp lớn. Để hỗ trợ, thúc đẩy tính cạnh tranh và khả năng phát triển bền vững của ngành, việc quan trọng là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này tham gia thị trường, thông qua điều kiện gia nhập thị trường thấp (còn nên áp dụng kỷ luật thị trường cao để loại trừ các hành vi kinh doanh không lành mạnh).
Không chỉ có vậy, theo VCCI, nhiều quy định điều chỉnh hoạt động kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và xuất khẩu, nhập khẩu còn tương đối chung chung, không rõ ràng, chẳng hạn Điều 31.2 Luật An toàn thông tin mạng quy định điều kiện kinh doanh gồm hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu chuyên môn; phương án kinh doanh phù hợp mà không có quy định chi tiết định lượng xác định thế nào là đáp ứng yêu cầu, phù hợp.
Bên cạnh đó, một số quy định khác lại chưa phù hợp, tạo gánh nặng chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, quy định tại Điều 34 Luật An toàn thông tin mạng về giấy phép xuất nhập khẩu. Điều 30 Luật Quản lý Ngoại thương quy định quy định chỉ áp dụng biện pháp quản lý theo điều kiện trong các trường hợp cần thiết vì lý do trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng, thuần phong mỹ tục, bảo vệ môi trường.
“Không rõ việc xuất nhập khẩu các sản phẩm mật mã dân sự gây ra nguy cơ nào mà cần quản lý theo phương thức này? Hơn nữa, việc yêu cầu các doanh nghiệp phải có giấy phép xuất nhập khẩu là không cần thiết vì các doanh nghiệp này đã được cấp phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự; các sản phẩm này bắt buộc phải làm thủ tục hợp quy”, VCCI đặt vấn đề.
Cũng theo VCCI, Điều 4.3 Nghị định 58/2016/NĐ-CP quy định về một trong các điều kiện cấp phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự là có hệ thống phục vụ khách hàng và bảo đảm kỹ thuật phù hợp với phạm vi, đối tượng cung cấp, quy mô số lượng sản phẩm. Tuy nhiên, quy định này chưa minh bạch vì không rõ tiêu chí nào để đánh giá sự phù hợp này. Việc này có thể gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và cơ quan cấp phép khi thực hiện thủ tục.
Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc tổng kết thi hành các quy định về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, bao gồm cả quy định tại Luật An toàn thông tin mạng và Nghị định 58/2016/NĐ-CP để tiến hành sửa đổi cho phù hợp.
Có thể bạn quan tâm
Cân nhắc giảm bớt điều kiện kinh doanh tại một số lĩnh vực do Bộ Công an quản lý
03:30, 06/05/2023
Cần sớm khắc phục tình trạng điều kiện kinh doanh làm khó doanh nghiệp
04:00, 04/05/2023
IMP nói về việc bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược
16:00, 12/04/2023
TÌM LỐI RA CHO DỆT MAY: (Bài 2) Thích ứng với điều kiện kinh doanh mới
04:00, 19/12/2022
Cân nhắc điều chỉnh các quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán
03:30, 05/12/2022