Nhiều ý kiến cho rằng, việc đánh thuế bất động sản là cần thiết song cần đảm bảo hài hoà lợi ích giữa các bên.
Trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ về nguyên nhân bất động sản tăng giá mới đây, Bộ Xây dựng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất, tham mưu chính sách thuế với nhà đất thứ hai, đánh thuế đối với nhà đất bỏ hoang, không sử dụng; nghiên cứu có chính sách đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời.
Đề xuất của Bộ Xây dựng đưa ra trong bối cảnh giá bất động sản liên tục leo thang từ đầu năm đến nay. Trong văn bản gửi các địa phương trước đó, Bộ cũng thông tin, một số phiên đấu giá đất huyện ven gần đây có giá trúng cao gấp nhiều lần khởi điểm. Điều này làm ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.
Do đó, việc đánh thuế căn nhà thứ hai được nhiều chuyên gia cho là cần thiết, thậm chí cấp thiết nhằm ngăn chặn nạn đầu cơ, đẩy giá, tạo “sốt ảo” trên thị trường bất động sản. Theo đó, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng đề xuất chính sách thuế bất động sản áp cho hai đối tượng, gồm người mua căn nhà thứ hai trở lên và chủ sở hữu bỏ hoang dự án. Mức thuế sẽ tăng dần với giao dịch mà người bán có thời gian sở hữu ngắn.
Chẳng hạn, mức thuế sẽ tăng dần đối với người bán có thời gian sở hữu ngắn. Mức thuế có thể nâng cao dần với giao dịch bất động sản mà người bán có thời gian nắm giữ ngắn. Tại Singapore, bán ngay trong năm đầu sẽ phải đóng thuế 6% giá trị bất động sản, bán vào năm thứ 2 đóng thuế 8%, năm thứ 3 là 4% và sau năm thứ tư không bị áp thuế, phí này.
Theo ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc ban hành chính sách về thuế tài sản, thuế bất động sản là công việc cấp bách, chứ không chỉ là cần thiết, bởi không thể dùng mệnh lệnh hành chính để can thiệp vào thị trường.
Ông Hiếu đề xuất Chính phủ cần sớm khởi động lại dự án Luật Thuế bất động sản để điều tiết thị trường này bằng công cụ thị trường. Khi có cơ chế này, giá đất sẽ tăng giảm theo đúng quy luật thị trường.
Dù được kỳ vọng sẽ hạn chế tình trạng đầu cơ gây lãng phí, các chuyên gia cho rằng, việc đánh thuế cần được tính toán kỹ lưỡng và hài hoà lợi ích của các bên. Bởi nếu không kiểm soát, việc siết thuế này sẽ dễ gây khó dễ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển của nền kinh tế.
Trước đó, ý tưởng áp dụng quy định này đã được cân nhắc tại TP HCM nhưng “vấp” phải những ý kiến phản đối. Nhiều quan ngại đã được đưa ra, như áp dụng chưa đúng thời điểm, xác định đối tượng bị đánh thuế chưa phù hợp, mức thuế cào bằng mà không dựa trên giá trị, quy mô…
VARS kiến nghị để điều tiết thị trường phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh, bền vững, bao gồm việc giá đất tuân theo quy luật thị trường, việc ban hành chính sách thuế bất động sản là công việc cấp bách, không thể thấy khó mà bỏ qua.
Ngoài ra, VARS đề xuất chính sách thuế bất động sản áp cho 2 đối tượng gồm người mua căn nhà thứ hai trở lên và chủ sở hữu bỏ hoang dự án. Chẳng hạn, mức thuế sẽ tăng dần đối với người bán có thời gian sở hữu ngắn.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS nhận định, với các doanh nghiệp phát triển dự án, hành lang pháp lý mới đã có cơ chế, quy định xử phạt đối với các mảnh đất bỏ hoàng, “găm" giữ chờ bán dự án. Chính sách thuế này sẽ khiến người dân hạn chế hoặc không còn nhiều động lực đầu cơ, kiềm chế đà tăng giá nhà đất, bởi rủi ro đã cao hơn.
Theo ông Đính, áp dụng thuế khuyến khích các chủ sở hữu đưa bất động sản "bỏ hoang" cho thuê hoặc bán đi, thông qua đó tăng khả năng tiếp cận nhà ở cho người dân có nhu cầu ở thực. Còn trường hợp nếu đánh thuế rồi mà người dân vẫn có nhu cầu đầu cơ, thì ngân sách sẽ thu được thuế, phục vụ cho đầu tư công, xây dựng trường học, bệnh viện, đường sá...