Điều trần của Zuckerberg chưa thuyết phục các Thượng nghị sĩ Mỹ

Cẩm Anh 11/04/2018 12:56

CEO của Facebook Mark Zuckerberg đã trải qua cuộc điều trần trước Quốc hội lần đầu tiên mà không đưa ra bất kỳ lời cam kết nào về việc ủng hộ siết chặt quản lý các mạng xã hội hay thay đổi phương thức kinh doanh của mạng xã hội này.

CEO Facebook điều trần trước Quốc hộ Mỹ. Ảnh: Getty Imagine

CEO Facebook điều trần trước Quốc hộ Mỹ. Ảnh: Getty Imagine

Trong thời gian gần 5 tiếng điều trần trước 44 thượng nghị sĩ Mỹ vào sáng nay theo giờ Việt Nam, ông Zuckerberg nhắc lại lời xin lỗi trước đó của mình vì một loạt các vấn đề liên quan đến Facebook, từ bê bối rò rỉ dữ liệu cho đến việc Nga sử dụng Facebook để gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Tuy nhiên, Zuckerberg đã từ chối đưa ra bất kỳ lời hứa cụ thể nào để ủng hộ việc siết chặt quản lý đối với mạng truyền thông xã hội lớn nhất thế giới và các công ty công nghệ khác của Mỹ.

"Tôi sẽ cử nhóm chuyên gia của Facebook làm việc với các vị để chúng ta có thể có cuộc thảo luận về những quy định tăng cường bảo mật thông tin cá nhân người dùng", Zuckerberg trả lời Ủy ban Thương mại và Tư pháp của Thượng viện Mỹ, khi được hỏi những quy định nào mà ông nghĩ là cần thiết.

Tuy nhiên, một số Thượng nghị sĩ đã không hài lòng về những câu trả lời của Zuckerberg, trong đó có Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bang California Kamala Harris.

"Việc Mark Zuckerberg không trả lời được một số câu hỏi quan trọng trong thời gian ông xuất hiện trước Thượng viện khiến tôi quan ngại rằng Facebook coi trọng sự tự tin và tính minh bạch đến mức nào", bà Harris viết trên Twitter.

Facebook đã tiết lộ rằng, một số người Nga đã sử dụng mạng xã hội này để cố gắng ảnh hưởng đến cử tri Mỹ trong những tháng trước và sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, như viết về các chủ đề gây kích động, thiết lập sự kiện và mua quảng cáo.

“Chúng tôi tin rằng hoàn toàn có thể có sự kết nối ở đây”, Zuckerberg nói khi được hỏi liệu có sự chồng chéo giữa dữ liệu người dùng thu thập được của Cambridge Analytica và những tuyên truyền chính trị của Cơ quan Nghiên cứu Internet có liên hệ với Kremlin trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 hay không.

Uỷ ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đang điều tra liệu những hành động của Facebook trong vụ bê bối Cambridge Analytica có vi phạm thỏa thuận mà công ty đã ký năm 2011 với Ủy ban hay không.

Trong thỏa thuận mà Facebook ký để chấm dứt cuộc điều tra về vi phạm quyền riêng tư, Facebook đã hứa sẽ không trình bày sai sự thật về mức độ bảo mật thông tin cá nhân, và cho biết họ sẽ xin ý kiến chấp thuận của người dùng trước khi chia sẻ thông tin cá nhân với bất kỳ bên thứ ba.

Zuckerberg cũng nói với các Thượng nghị sĩ rằng ông không coi vụ việc Cambridge Analytica là vi phạm thỏa thuận này. Nhưng ông thừa nhận rằng Facebook đã không thông báo cho FTC vào năm 2015 khi Facebook lần đầu tiên biết về việc thu thập dữ liệu của Cambridge Analytica.

Tuy vậy, Zuckerberg cho biết ông ủng hộ dự thảo Luật Quảng cáo trung thực, trong đó yêu cầu các trang web truyền thông xã hội phải tiết lộ danh tính của người mua các quảng cáo chiến dịch chính trị trực tuyến.

Sau buổi điều trần này, ông Zuckerberg sẽ tiếp tục phiên điều trần khác trước Hạ viện Mỹ vào 10h sáng 11-4 (tức 10h tối cùng ngày theo giờ Việt Nam).

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Điều trần của Zuckerberg chưa thuyết phục các Thượng nghị sĩ Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO