Trong 5 tháng đầu năm, theo thống kê, số lượng doanh nghiệp giải thể rút khỏi thị trường bất động sản lên đến gần 50%, tương ứng với hơn 550 doanh nghiệp.
>>Giá chung cư không giảm và có xu hướng tăng
Dựa trên báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho thấy, trong 5 tháng đầu năm đã có khoảng 88.040 doanh nghiệp giải thể, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản tăng 47,1%, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 42%, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 32,8% và xây dựng tăng 25,5%.
Thông qua số liệu trên, có thể thấy lĩnh vực kinh doanh bất động sản vẫn đang là lĩnh vực chịu nhiều áp lực và ảnh hưởng nặng nề nhất.
Số lượng giải thể tăng, số vốn đăng ký giảm
Bộ trưởng cho biết: “Số liệu về tình hình đăng ký DN cho thấy, kinh doanh bất động sản tiếp tục là lĩnh vực chịu áp lực và ảnh hưởng nặng nề nhất, khi số DN kinh doanh bất động sản rút lui khỏi thị trường có xu hướng tăng mạnh trong năm 2022 (tăng 42,4% so với năm 2021) và trong 5 tháng đầu năm 2023 (tăng 47,1% so với cùng kỳ năm 2022)”.
Theo đó, lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường có dấu hiệu ngày càng tăng cao so với số lượng số doanh nghiệp thành lập mới, tái gia nhập thị trường. Do vậy, Chính phủ cùng các bộ, ngành đang tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ.
Bên cạnh đó, theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới chỉ đạt 9,2 tỷ đồng tức giảm 24,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có hơn 30 nghìn doanh nghiệp tái gia nhập và giảm 3,7% so với năm 2022, các doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp tái gia nhập khoảng gần 95 nghìn doanh nghiệp nhưng giảm 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lượng doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn khoảng 55,2 nghìn doanh nghiệp và tăng 20,3% so với cùng kỳ năm ngoái; doanh nghiệp dừng hoạt động nhưng chưa hoàn tất thủ tục giải thể tăng 34,1% với 25,5 nghìn doanh nghiệp; doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục giải thế tăng 6,5% khoảng 7,3 nghìn doanh nghiệp. Theo đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường bình quân khoảng 17,6 nghìn doanh nghiệp/tháng.
Mặt khác, Bộ Xây dựng chia sẻ, hiện nay các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản còn đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhiều doanh nghiệp ngừng thực hiện các dự án mới cũng như phát hành cổ phiếu, thậm chí nhiều doanh nghiệp bất động sản còn thu hẹp quy mô đầu tư và cắt giảm đến 50% lực lượng lao động.
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, đây là giai đoạn thử thách giúp các đơn vị môi giới chuyên nghiệp phát triển hơn, cũng là cuộc thanh lọc đối với những đơn vị môi giới năng lực còn yếu kém không đủ sức cạnh tranh. Trong Q1 năm nay, lượng sàn giao dịch dừng hoạt động hoặc tạm thời ngừng giao dịch đã chiếm đến 50%, ảnh hưởng đến nhiều người lao động đã bị mất việc. Cụ thể, môi giới bất động sản hiện chỉ còn khoảng 30 – 40%, giảm nhiều so với giai đoạn đầu năm ngoái.
>>Thách thức của bất động sản Trung Quốc
Giải pháp tháo gỡ khó khăn
Trong bối cảnh các doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường ngày càng tăng mạnh, Bộ trưởng Dũng cho biết, Chính phủ cùng các Bộ, ngành đưa ra giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, tìm kiếm thị trường cũng như hỗ trợ về vốn.
Cụ thể, nhằm giúp đỡ DN phục hồi phát triển sản xuất thông qua việc đẩy mạnh thực hiện các chính sách giảm thuế, gia hạn chính sách cho vay trả lương, hỗ trợ người lao động chi phí thuê nhà, nhằm giảm bớt áp lực về tài chính đối với DN cũng như giữ được người lực lao động.
Đồng thời, Thủ tướng cũng đề nghị phía Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh mức lãi suất huy động và cho vay, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư dự án bất động sản cũng như người mua nhà dễ dàng tiếp cận vốn tín dụng. Ngoài ra, thúc đẩy các tổ chức tín dụng triển khai giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển bền vững.
Nhằm định hướng về một môi trường đầu tư kinh doanh dài hạn, ngoài các nguồn vốn từ ngân hàng thương mại, cần đa dạng hóa cách thức huy động vốn từ Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ phát triển DNNVV… cải thiện khả năng quản lý rủi ro.
Có thể bạn quan tâm