Chỉ số BCI quý 2/2025 của EuroCham có thể giảm nhẹ, nhưng điều đó không làm suy giảm niềm tin của doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam.
Báo cáo Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) quý 2/2025 do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố ngày 30/6 cho thấy niềm tin vào Việt Nam vẫn được duy trì, bất chấp những đợt "gió ngược" từ môi trường thương mại toàn cầu.
Với mức 61,1 điểm, BCI quý 2/2025 ghi nhận sự sụt giảm nhẹ so với quý trước. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng đây vẫn là một con số tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới đang chịu ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại, chuỗi cung ứng gián đoạn và chính sách tiền tệ thắt chặt tại nhiều nền kinh tế lớn.
Điều đáng ghi nhận hơn cả là Chủ tịch EuroCham, ông Bruno Jaspaert cho biết “gần 3/4 lãnh đạo doanh nghiệp được hỏi (72%) cho biết, họ sẵn sàng giới thiệu Việt Nam là điểm đến đầu tư”. Con số này cho thấy mức độ tin tưởng của khối doanh nghiệp châu Âu, đồng thời phản ánh rõ nét sức hút dài hạn của thị trường Việt Nam, một nền kinh tế đang tăng trưởng ổn định, sở hữu lực lượng lao động trẻ, cùng môi trường chính trị - xã hội tương đối ổn định.
Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra một số lo ngại nổi bật, đặc biệt liên quan đến quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Việc vòng đàm phán thương mại thứ ba giữa hai nước trong tháng 6 chưa đạt được kết quả cụ thể đang tạo ra tâm lý chờ đợi, thận trọng trong một bộ phận doanh nghiệp, nhất là những đơn vị có chuỗi cung ứng gắn kết chặt chẽ với thị trường Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, theo EuroCham, chỉ khoảng 15% doanh nghiệp được khảo sát cho biết đã chịu tác động tài chính tiêu cực, bao gồm phạt hợp đồng, đơn hàng chậm hoặc bị hủy, và tái đàm phán giá. Trong khi đó, 70% doanh nghiệp không ghi nhận ảnh hưởng tài chính đáng kể nào. Điều này cho thấy các doanh nghiệp châu Âu đang có sự chuẩn bị nhất định, với năng lực thích ứng tốt trong điều kiện môi trường kinh doanh thay đổi liên tục.
Một trong những điểm thú vị trong báo cáo là việc 39% doanh nghiệp giữ thái độ trung lập, không quá lạc quan nhưng cũng không bi quan. Điều này phản ánh sự dịch chuyển từ trạng thái mở rộng sang "tạm dừng chiến lược", một bước đi thận trọng và phù hợp với thực tiễn.
Bản thân tỷ lệ 43% doanh nghiệp đánh giá triển vọng kinh doanh trong ngắn hạn là “tốt” hoặc “xuất sắc” vẫn là con số khả quan, cho thấy doanh nghiệp đang nhìn nhận rõ tiềm năng và cơ hội tại thị trường Việt Nam. Đây không phải là một phản ứng “phòng thủ”, mà là bước chuẩn bị cần thiết cho giai đoạn tiếp theo, nơi những thay đổi về chính sách và thị trường có thể tạo ra đột phá.
Việt Nam đang nắm trong tay những yếu tố “nội lực” đáng kể: tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm cao trong khu vực, chính sách ổn định, cải cách môi trường đầu tư - kinh doanh được đẩy mạnh, cùng sự hội nhập sâu rộng thông qua hơn 15 hiệp định thương mại tự do, bao gồm EVFTA và CPTPP. Đây chính là những trụ cột giúp Việt Nam duy trì vị thế hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư châu Âu, kể cả trong thời điểm khó khăn.
Không thể không nhắc tới yếu tố con người, một lực lượng lao động trẻ, có khả năng tiếp cận nhanh công nghệ mới, và đang ngày càng được đào tạo bài bản. Đây là nền tảng để các doanh nghiệp châu Âu không chỉ mở rộng đầu tư mà còn chuyển giao công nghệ, phát triển chuỗi giá trị cao tại Việt Nam.
Một tín hiệu đáng lưu ý khác là sự thay đổi trong cách doanh nghiệp châu Âu nhìn nhận Việt Nam không chỉ như một "công xưởng" gia công giá rẻ, mà ngày càng là một thị trường tiêu dùng tiềm năng và điểm đến cho đổi mới sáng tạo. Những lĩnh vực như công nghệ xanh, chuyển đổi số, logistics thông minh… đang thu hút sự quan tâm đặc biệt từ các nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn.
Trong xu thế đó, chính sách ổn định và minh bạch từ phía Nhà nước, cải cách hành chính mạnh mẽ, và đẩy nhanh chuyển đổi số trong quản lý công là những “điểm cộng” giúp Việt Nam tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Chỉ số BCI quý 2/2025 của EuroCham có thể giảm nhẹ, nhưng điều đó không làm suy giảm niềm tin của doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam. Trái lại, nó phản ánh sự điều chỉnh chiến lược đầy lý trí trong bối cảnh thị trường đang chuyển động mạnh mẽ. Bằng sự ổn định kinh tế vĩ mô, chủ trương hội nhập nhất quán, và khát vọng đổi mới mạnh mẽ, Việt Nam đang từng bước khẳng định vai trò là điểm đến đầu tư có tầm chiến lược tại châu Á - Thái Bình Dương.
Nếu tiếp tục kiên định với mục tiêu cải cách thể chế, đầu tư cho chất lượng hạ tầng, nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo, Việt Nam hoàn toàn có thể chuyển hóa sự tin tưởng của nhà đầu tư thành dòng vốn thực tế, chất lượng và bền vững hơn trong những năm tới.