Chúng ta phải xác định thương mại điện tử là một trong những cứu cánh để các hoạt động kinh doanh được phát triển và tăng trưởng trở lại.
Đó là nhận định của ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử về xu hướng chuyển dịch đầu tư cho thương mại điện tử của các doanh nghiệp để vượt "bão" COVID-19.
Ngày nay, thương mại điện tử không chỉ góp phần giúp các doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, mà nó còn có bước phát triển mạnh mẽ, kéo theo sự thay đổi cả về thói quen mua sắm của người tiêu dùng.
-Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về xu hướng chuyển dịch trong mua sắm của người tiêu dùng cũng như trong phương thức kinh doanh của doanh nghiệp trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 hiện nay?
Hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu cũng vậy. Đây là một sự chuyển dịch lớn, như chúng ta đã thấy, các doanh nghiệp hoạt động offline vừa qua đã có sự thay đổi rất đáng kể về nguồn cung ứng cũng như cả hệ sinh thái cho thương mại điện tử.
Khi đại dịch diễn ra, hoạt động kinh doanh truyền thống đã bị ảnh hưởng rất lớn. Vì vậy, các doanh nghiệp của Việt Nam đang chuyển đổi số để làm sao ứng dụng, chuyển đổi và bán hàng ngay trên môi trường trực tuyến.
Đối với những doanh nghiệp trước kia còn đang ưu tư, suy nghĩ thì bây giờ phải thay đổi một cách mạnh mẽ. Chúng ta phải xác định thương mại điện tử là một trong những cứu cánh để làm cho các hoạt động kinh doanh được phát triển trở lại.
-Theo ông, bản thân các doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19 đã bị ảnh hưởng và phải thay đổi như thế nào? đặc biệt trong việc ứng dụng chuyển đổi số áp dụng thương mại điện tử?
Khi đại dịch diễn ra, việc cấm biên cũng như các hoạt động lưu thông hàng hoá bị hạn chế, nhưng chính thương mại điện tử đã giúp cho hàng hoá được lưu thông đến tận tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng và dễ dàng. Không chỉ có hàng hoá mà cả vật liệu, những sản phẩm phục vụ cho sản xuất cũng được giao dịch qua hoạt động thương mại điện tử.
Càng ngày thương mại điện tử càng phát triển phong phú các nền tảng ứng dụng cũng như là các hoạt động mua sắm. Chúng được tương tác thông qua các thiết bị di động, điện thoại thông minh nên việc chuyển đổi hay thích ứng được những nội dung đó chúng ta phải có sự chuyển đổi sang nền kinh tế số.
Chúng ta không chỉ thay đổi mỗi website hay quảng bá sản phẩm mà toàn bộ hệ sinh thái cho thương mại điện tử cũng phải chuyển đổi đồng thời và phát triển lên một tầm cao mới.
Trong đó có các vấn đề về logistic, về xuất nhập khẩu trực tuyến cũng như là việc giao hàng cũng phải hoàn chỉnh để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Với vai trò là Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử ông có dự báo như thế nào về xu hướng của thương mại điện tử ở Việt Nam hiện nay?
Trong báo cáo thương mại điện tử năm 2019 chúng tôi đã tổng kết và đưa ra một số thông số, trong đó thương mại điện tử những năm trước đang phát triển ở mức trên 30%.
Trong năm 2020, tuy diễn ra đại dịch COVID-19 khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp chuyển đổi sang thương mại điện tử.
Bởi hiện nay nhiều các công ty vẫn đang có sự tăng trưởng và một số các sàn thương mại điện tử ngay trong dịch COVID-19 này các hoạt động kinh doanh của họ cũng đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, có doanh nghiệp tăng trưởng trên 200%.
- Để thương mại điện tử phát triển bền vững thì khuôn khổ pháp lý đóng vai trò như thế nào đối với doanh nghiệp, thưa ông?
Tôi nghĩ rằng trong giai đoạn này cơ quan quản lý nhà nước đã có hành lang pháp lý đủ để cho các hoạt động kinh doanh không bị hạn chế mà còn có những động lực để thúc đấy.
Như chúng ta đã biết, vừa qua Thủ tướng Chính phủ cũng đã đưa ra kế hoạch phát triển thương mại điện tử 2021 – 2025. Chúng ta có thể coi đây là một trong những tín hiệu đáng mừng vì Chính phủ đã có sự quan tâm và thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử.
Đây cũng là một cái khung không chỉ cho doanh nghiệp mà tất cả các địa phương có thể đồng hành cùng phát triển. Vừa qua, chúng tôi đã đưa dừa Bến Tre lên sàn thương mại điện tử, sắp tới là Đồng Tháp. Tiến tới thì đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh thành phía bắc cũng sẽ đưa các sản phẩm của mình lên thương mại điện tử để đẩy mạnh kinh doanh, phát triển kinh tế.
Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm