Thu ngân sách 9 tháng đầu năm 2021 Đà Nẵng chỉ đạt 69,1%, lãnh đạo TP đã trực tiếp lắng nghe đề xuất của doanh nghiệp trên địa bàn.
Tại Hội nghị trực tuyến đối thoại doanh nghiệp diễn ra vào sáng 24/9, doanh nghiệp đã đề xuất loạt ý kiến, giải pháp cụ thể với mục tiêu vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Cụ thể, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng (DSA) đề xuất cần thực hiện ngay một số việc như: Ưu tiên tiêm vaccine cho nhân viên các doanh nghiệp phần mềm và sớm có cơ chế thẻ xanh COVID để các doanh nghiệp hoạt động; Xem xét thay thế mô hình sản xuất 3 tại chỗ khi bùng phát dịch bằng các phương án khác hợp lý hơn, nhưng vẫn đảm bảo phòng chống dịch như cho phép nhân viên đã tiêm vaccine được về nhà sau khung giờ nhất định với giấy đi đường “một cung đường, hai điểm đến”.
DSA Đà Nẵng cũng đề xuất cho phép các doanh nghiệp được tự test nhanh COVID-19 sau khi được cơ quan y tế tập huấn, hướng dẫn lấy mẫu theo cơ quan y tế. Đồng thời, hỗ trợ về tài chính cho các doanh nghiệp sản xuất trong vùng dịch thông qua việc cho phép giãn nợ, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ một phần tiền lương cho người lao động bị thất nghiệp hoặc nghỉ luân phiên do ảnh hưởng của dịch bệnh để duy trì nguồn lao động cho doanh nghiệp…
Đồng ý kiến, đại diện Công ty xăng dầu khu vực V cho biết, sức khỏe của doanh nghiệp trên địa bàn hiện đang cạn kiện dần, chi phí xét nghiệm tiến hành lâu dài với thời gian từ 3-5 ngày, do đó nên giao trách nhiệm xét nghiệm cho doanh nghiệp để chủ động và tự chịu trách nhiệm.
Đại diện công ty này cũng kiến nghị nên thành lập đội y tế lưu động của doanh nghiệp theo chuyên môn sơ đẳng của ngành y tế quy định nhằm giảm tải trách nhiệm của ngành y tế. Bên cạnh đó, các giao dịch diễn ra thường xuyên cần áp dụng các mạng xã hội, văn bản… thông qua mạng xã hội tuân thủ theo quy định của pháp luật…
Tại hội nghị, đại diện Tập đoàn Trung Nam nêu ra các ảnh hưởng từ môi trường đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh do đại dịch COVID-19 như chậm tiến độ đầu tư, đơn hàng… Đi vào khó khăn cụ thể, Trung Nam Group nêu rõ: Riêng dự án Golden Hills đã triển khai hơn 10 năm nay nhưng hiện nay vẫn còn 40 hộ chưa giải phóng mặt bằng, dẫn đến chậm tiến độ kỹ thuật toàn dự án.
Về nghĩa vụ tài chính, Trung Nam Group chia sẻ, hiện nay dự án Golden Hills và khu CNTT cần hỗ trợ tháo gỡ kịp thời cho doanh nghiệp. Riêng đối với khu CNTT giai đoạn 1 cần cấp thêm một nguồn điện dự phòng để đảm bảo xúc tiến kêu gọi đầu tư trung tâm dữ liệu; hoàn tất giao đất để đầu tư, hạ tầng kỹ thuật vì giai đoạn 1 không thể vận hàng độc lập khi giai đoạn 2 chậm tiến độ.
Về thủ tục xuất nhập cảnh cho chuyên gia, Trung Nam Group cần sớm có hộ chiếu vaccine để không làm gián đoạn công việc.
Liên quan đến khó khăn vướng mắc của Trung Nam Group, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết: “Những vướng mắc trên thuộc về lịch sử và mang tính pháp lý nên cần ý kiến của cơ quan trung ương nên mong tập đoàn chia sẻ”.
Mới đây, theo số liệu khảo sát nhanh tình hình doanh nghiệp hội viên VCCI trên địa bàn thành phố Đà Nẵng ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, hiện có 41,73% doanh nghiệp hội viên đang phải tạm ngừng hoạt động; 1,44% doanh nghiệp hội viên đã ngừng hoạt động chờ giải thể. Có 56,83% hội viên cho biết đang duy trì hoạt động trong thời gian dịch bệnh trong nhiều lĩnh vực: dịch vụ; công nghiệp chế biến, chế tạo… tuy nhiên, ngành xây dựng, bất động sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
Ngược lại, do tình hình dịch bệnh nên các hội viên sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực thiết bị y tế, công nghệ thông tin, sản xuất giấy… là các ngành doanh nghiệp không bị ảnh hưởng tiêu cực.
Theo đó, VCCI Đà Nẵng đề xuất loạt giải pháp hỗ trợ hội viên nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tập trung nói chung theo cả hai hướng: Một là: Các chiến lược, chính sách ứng phó dịch bệnh của chính quyền nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng doanh sống chung, sản xuất kinh doanh an toàn với dịch bệnh; Hai là: Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiết giảm chi phí đầu vào, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực để doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi.
Trước hết, VCCI Đà Nẵng đề xuất xây dựng ngay đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó, vượt qua khó khăn, phục hồi bởi tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19” do dịch bệnh kéo dài, không thể phục hồi doanh nghiệp trong một sớm, một chiều và để phục hồi doanh nghiệp thì thành phố cần có đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó, vượt qua khó khăn, phục hồi bởi tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19” dài hơi hơn, có thể là từ 2021-2025.
Với đề án trên, VCCI Đà Nẵng hy vọng sẽ tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động vừa ban hành, thực thi các chính sách chính sách hỗ trợ mới, thực thi các chính sách hỗ trợ đã ban hành hiệu quả hơn nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực phát triển, gia tăng cơ hội cho đầu ra sản phẩm, tiếp cận thị trường ngay khi TP Đà Nẵng khống chế được dịch bệnh và chuyển sang trạng thái bình thường mới, phục hồi tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Có thể bạn quan tâm