Doanh nghiệp dệt may và logistics “bắt tay” vượt khủng hoảng

LAN VŨ 17/12/2021 03:30

Giảm chi phí logistics đóng vai trò quan trọng, giúp tăng khả năng cạnh tranh cho hàng xuất khẩu, đặc biệt là ngành dệt may, da giày.

>>Cần chiến lược tổng thể cho logictics Việt Nam

Doanh nghiệp dệt may gặp khó

Theo TS. Trịnh Thị Thanh Thủy, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, Bộ Công Thương, cũng như ngành khác, ngành dệt may, da giày chịu tác động sớm và kéo dài của đại dịch COVID-19. Mặc dù được xếp ở vị trí top 3 những quốc gia xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới, nhưng giá trị mang lại của ngành dệt may Việt Nam khá thấp. Điều này là do Việt Nam chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, phụ liệu trong nước và phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu nước ngoài.

Sự gián đoạn cả cung (do đứt gãy chuỗi cung ứng) lẫn cầu (do không xuất khẩu được và nhu cầu thị trường suy giảm), tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị tác động tiêu cực, không chỉ sản xuất bị gián đoạn do phụ thuộc đầu vào nguyên, phụ liệu nhập khẩu, mà khâu tiêu thụ, đầu ra tại nhiều thị trường lớn cũng gặp khó khăn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do các nhãn hàng hoãn, hủy đơn, chậm thanh toán.

Nhiều thời điểm Công ty CP May II Hải Dương phải bù lỗ nhưng vẫn tổ chức sản xuất để duy trì việc làm cho người lao động

Nhiều thời điểm Công ty CP May II Hải Dương phải bù lỗ nhưng vẫn tổ chức sản xuất để duy trì việc làm cho người lao động.

Báo cáo đánh giá của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO, 2020) về tác động của đại dịch COVID-19 đối với các chuỗi cung ứng cho thấy, các nhà máy và người lao động tại 10 nước sản xuất hàng dệt may lớn nhất trong khu vực, trong đó bao gồm Việt Nam đều bị ảnh hưởng. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc các khách hàng lớn của các nước xuất khẩu hàng dệt may ở châu Á, trong đó có Việt Nam đã giảm đến 70% trong nửa đầu năm 2020, do nhu cầu của người tiêu dùng giảm mạnh khi mà các biện pháp phong tỏa được Chính phủ các nước áp dụng, từ đó làm gián đoạn chuỗi cung ứng, cung cấp nguyên liệu thô phục vụ sản xuất hàng dệt may. Nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động.

Với doanh nghiệp còn duy trì hoạt động, phải giảm sản lượng do phải giảm số lao động làm việc để thực hiện giãn cách, đồng thời phát sinh nhiều chi phí do đứt gãy chuỗi cung nguyên phụ liệu, chi phí phòng chống COVID-19 (xét nghiệm, tiêm chủng, chi phí ăn, ở thực hiện 3 tại chỗ cho người lao động). Tình trạng thiếu lao động do nhiều lao động phải rời doanh nghiệp về quê tránh lây lan dịch bệnh và khó khăn trong việc đi lại, di chuyển giữa các địa phương do phong tỏa, giản cách xã hội.

Cùng với đó, tình trạng thiếu container rỗng, chi phí logistics và vận chuyển tàu biển quốc tế tăng cao (gấp 5-10 lần) xảy ra từ năm 2020 chưa trở về bình thường, cùng với chi phí nhiên liệu và giá nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng cao đã ảnh hưởng nhiều tới sản xuất, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

>>Chi phí logictics là rào cản lớn nhất đối với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

>>Cần chiến lược tổng thể cho logictics Việt Nam

Sản phẩm của Công ty CP May II Hải Dương hiện chủ yếu xuất khẩu sang thị trường các nước Mỹ, Anh, EU, Hàn Quốc. Năm nay doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn chưa từng có do ảnh hưởng của dịch bệnh. Những tháng đầu năm có thời điểm lượng hàng xuất đi giảm tới 70%, công nhân phải thay nhau nghỉ việc. Từ tháng 7 tới nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh mới trở lại bình thường. Tháng 11 vừa qua, doanh nghiệp xuất khẩu 332.000 sản phẩm các loại với tổng trị giá 1.649.000 USD.

Ông Đoàn Văn Dương - Trưởng Phòng Xuất nhập khẩu công ty May II Hải Dương cho biết, khó khăn lớn nhất trong xuất khẩu giai đoạn dịch bệnh là chi phí xét nghiệm COVID-19 cho những người tham gia các khâu xuất nhập hàng… Hơn nữa, cước vận chuyển quốc tế tăng cao đã làm giảm giá gia công của doanh nghiệp. Nhiều thời điểm doanh nghiệp phải bù lỗ nhưng vẫn phải hoạt động để duy trì việc làm cho người lao động.

Đứt gãy chuỗi cung ứng, sức cầu sụt giảm đang gây tác động cực kỳ nghiêm trọng đến các doanh nghiệp trong ngành may mặc, da giày nhưng họ đã chống đỡ một cách bền bỉ và linh hoạt nhất có thể ở cả ở khâu cung ứng nguyên vật liệu lẫn đầu ra cho sản phẩm. Trong bối cảnh khó khăn chung do dịch COVID-19, ngành dệt may và da giày Việt Nam đã vượt qua những khó khăn và phục hồi mạnh mẽ, khả năng liên kết để hình thành chuỗi cung ứng nội địa tốt hơn, tạo cơ hội cho ngành dệt may, da giày đột phá vào những năm tới – bà Thuỷ nhấn mạnh.

Liên kết để phát triển

Bà Thuỷ cho biết thêm, trong ngành, một xu hướng tích cực là các doanh nghiệp tăng cường liên kết với nhau, như doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp dệt may kết hợp chặt chẽ với nhau để giảm thời gian vận chuyển hàng hoá, giảm thiểu những thủ tục rườm rà trong xuất, nhập khẩu; các doanh nghiệp liên kết để mua bán nguyên liệu trong nước, thay thế nguồn cung nhập khẩu bị gián đoạn hoặc tăng giá; các doanh nghiệp liên kết để chia sẻ đơn hàng; liên kết để học hỏi kinh nghiệm của nhau. Tuy nhiên, các doanh nghiệp còn đang thiếu các kênh thông tin và cơ chế hỗ trợ để liên kết, chưa có một cổng thông tin toàn diện về ngành để doanh nghiệp tìm kiếm đối tác hợp tác hiệu quả.

Bà Thuỷ đề nghị, doanh nghiệp dệt may, da giày cần quan tâm tới đầu tư trang thiết bị hiện đại và nâng cao hiệu quả quản trị thông qua áp dụng các tiêu chuẩn quản lý. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động phát triển, ứng dụng các giải pháp logistics nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp trong tình hình mới, nhằm tối ưu hóa chi phí, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

trong ngành, một xu hướng tích cực là các doanh nghiệp tăng cường liên kết với nhau, như doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp dệt may kết hợp chặt chẽ với nhau

Trong ngành, một xu hướng tích cực là các doanh nghiệp tăng cường liên kết với nhau, như doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp dệt may kết hợp chặt chẽ với nhau.

Ngoài mở rộng quy mô sản xuất trên cơ sở áp dụng công nghệ tiên tiến, các doanh nghiệp dệt may còn quan tâm đến quản lý chi phí logistics vận chuyển thông qua sử dụng dịch vụ logistics trọn gói chủ động trong quản lý cung ứng nguồn nguyên liệu, kiểm soát được thời gian giao-nhận hàng, làm chủ được thị trường và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của chuỗi cung ứng, nhất là giảm bớt chi phí trong hoạt động logistics, trên thực tế, đã có những doanh nghiệp dệt may lớn chủ động tìm giải pháp và đã thành công trong tiết giảm chi phí logistics.

Trong đó, một số doanh nghiệp dệt may đã quay sang hướng “tự thực hiện” bằng cách thành lập bộ phận, công ty con hoạt động logistics để thực hiện các hoạt động vận chuyển, bốc dỡ và làm các thủ tục xuất nhập khẩu cho sản phẩm của doanh nghiệp.

Đại diện Tổng công ty cổ phần May Nhà Bè cho biết, Tổng công ty đã thành lập Công ty NBC Logistics để tự vận chuyển, bốc dỡ và làm các thủ tục xuất nhập khẩu cho sản phẩm của doanh nghiệp. Công ty NBC Logistics đã mang lại hiệu quả lớn, giúp tiến gần hơn mục tiêu phát triển toàn diện của Tổng công ty cổ phần May Nhà Bè. Để thuận tiện cho việc giao dịch các thủ tục, NBC Logistics mở văn phòng đại diện ở Thượng Hải (Trung Quốc), nhiều doanh nghiệp dệt may khác đã tìm đến để thuê làm dịch vụ xuất nhập khẩu. Đến nay, việc tự làm dịch vụ logistics cho khoảng 70% hàng hóa đã giúp Tổng công ty cổ phần May Nhà Bè tiết kiệm được nhiều chi phí. Nếu chi phí cho việc xuất nhập khẩu trước đây công ty mất khoảng 6 tỷ đồng thì nay chỉ mất dưới 4 tỷ đồng mỗi năm

Theo đại diện doanh nghiệp này, nhiều hãng tàu làm dịch vụ thu phụ phí cao. Theo cách của họ thì một lô hàng có thể mất đến 100 USD/khối cho hàng hóa gom về từ Hong Kong, Trung Quốc, Ấn Độ, nhưng sau khi thành lập bộ phận chuyên về logistics, hàng hóa từ các thị trường này được gom lại thành từng container và đưa về. Như vậy, thay vì phải trả 1.000 USD cho 10 lô hàng, hiện Nhà Bè chỉ mất từ 160 - 170 USD cho 10 lô. Sau 5 năm thành lập, bộ phận logistics đã giúp công ty tiết kiệm được từ 12 - 14 tỷ đồng mỗi năm.

Bên cạnh đó, ứng dụng và thực hiện hoạt động logistics ngược nhằm phát triển bền vững trong sản xuất được doanh nghiệp ngành dệt may, da giày thực hiện khá phổ biến để quản lý dòng chảy của hàng hóa từ người tiêu thụ cuối cùng trở về nơi sản xuất. Đó là quá trình các doanh nghiệp thu hồi hàng hóa bị trả lại, tận dụng phế liệu, phế phẩm từ vật liệu đóng gói, vận chuyển, nguyên vật liệu tái chế thu được từ người tiêu thụ cuối cùng. Hoạt động logistics ngược mang đến nhiều lợi ích cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và cũng là trách nhiệm với xã hội của doanh nghiệp. Trong chuỗi hoạt động logistics ngược, có nhiều hoạt động doanh nghiệp chủ động tổ chức và thực hiện thay vì thuê ngoài nhằm tiết kiệm chi phí vật chất và thời gian.

Có thể bạn quan tâm

  • Định nghĩa trách nhiệm của doanh nghiệp logistics mạnh

    Định nghĩa trách nhiệm của doanh nghiệp logistics mạnh

    10:28, 15/12/2021

  • Doanh nghiệp Hiệp hội Logistics Hải Phòng đề xuất xây dựng trung tâm logistics

    Doanh nghiệp Hiệp hội Logistics Hải Phòng đề xuất xây dựng trung tâm logistics

    09:43, 15/12/2021

  • Đề xuất xây dựng trung tâm đào tạo nhân lực logistics trọng điểm

    Đề xuất xây dựng trung tâm đào tạo nhân lực logistics trọng điểm

    17:30, 14/12/2021

  • “Cần tầm nhìn mới về chuyển đổi số trong logistics”

    “Cần tầm nhìn mới về chuyển đổi số trong logistics”

    16:16, 11/12/2021

  • “Cái bắt tay” nghìn tỷ trong ngành logistics

    “Cái bắt tay” nghìn tỷ trong ngành logistics

    01:04, 03/12/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp dệt may và logistics “bắt tay” vượt khủng hoảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO