Để không rơi vào tình thế bị động khi tuyển dụng nhân sự, nhiều doanh nghiệp đã có những biện pháp để thu hút và giữ chân người lao động.
>>Tín hiệu tích cực từ thị trường lao động
>>Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập
Cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành đơn hàng trong năm đã ký kết, phục vụ những kỳ nghỉ lễ lớn như Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2023 và hoàn thiện các chỉ tiêu đặt ra trong năm. Do đó, nhu cầu tuyển dụng tăng lên nhiều so với những tháng trước đây.
Người lao động tìm việc, doanh nghiệp tìm lao động, để không bị rơi vào vòng luẩn quẩn này, nhiều doanh nghiệp đã có những biện pháp để hấp dẫn, giữ chân người lao động.
Tại công ty cổ phần May Hà Thành (Thái Bình), khi chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2022, ông Trần Đăng Sứ, Giám đốc công ty cho biết, hiện, doanh nghiệp đang trong tình trạng khan hiếm nhân công lao động. Do thiếu nhân công nên đơn hàng chậm trễ, công nhân phải tăng tốc để đạt chỉ tiêu của năm.
Cũng vì lý do đó nên năm nay lượng hàng sản xuất ra sụt giảm hơn so với kế hoạch. Thiếu nhân công, doanh nghiệp cũng đăng tuyển dụng lao động nhưng không dễ dàng. Bởi trước đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều lao động đã nghỉ việc, chuyển công ty, hoặc chuyển sang làm công việc khác.
Theo ông Sứ, năm nào cũng vậy, cứ vào thời điểm cuối năm thì tình trạng thiếu hụt lao động tại nhiều doanh nghiệp lại diễn ra. Do đó, để hạn chế thấp nhất tình trạng này thì nên có những động thái để hấp dẫn, giữ chân người lao động. Cụ thể, cần tạo việc làm ổn định, trả lương thỏa đáng, cùng với đó cần có các chế độ đãi ngộ với người lao động như phụ cấp chuyên cần, đóng bảo hiểm, hỗ trợ nhà ở… Doanh nghiệp Hà Thành đã đảm bảo được những yếu tố này trong nhiều năm và trong tương lai sẽ tiếp tục duy trì để thu hút người lao động.
Ông Sứ cho rằng, doanh nghiệp cần lao động có tay nghề, nhưng những người có kinh nghiệm, việc làm ổn định ở các doanh nghiệp khác thường không muốn nhảy việc vào cuối năm, việc tuyển dụng sẽ khó khăn hơn. Do đó, đời sống của người lao động cần phải được quan tâm sát sao để họ có cuộc sống ổn định, yên tâm làm việc.
Trong bối cảnh một số lĩnh vực sản xuất còn thiếu lao động, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc xí nghiệp May veston Hưng Hà (Tổng Công ty May 10) chia sẻ, năm nay, sản lượng hàng của May 10 Hưng Hà không đạt được như kỳ vọng do các thị trường châu Âu bị ảnh hưởng bởi lạm phát và xung đột vũ trang.
Theo bà Thủy, để hạn chế tình trạng “chảy máu” nguồn nhân lực lao động, công ty đã có một số giải pháp như quan tâm nhiều hơn đến tiền lương của người lao động, khi thu nhập ổn định thì người lao động sẽ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
“Vấn đề tiếp theo mà doanh nghiệp quan tâm đến là thời gian làm việc ổn định, không tăng giờ nhiều. Cùng với đó là quan tâm đến các điều kiện về đời sống, tinh thần của người lao động, như chú trọng cải thiện đời sống của người lao động; các chế độ phúc lợi, khen thưởng, chế độ nghỉ mát… doanh nghiệp duy trì rất tốt. Vì thế, nhiều năm gần đây, số công nhân xin vào làm việc nhiều hơn số nghỉ việc. Nói chung, số lượng nhân công đến thời điểm này vẫn khá ổn định”, bà Thủy cho hay.
>>Những xu hướng đáng chú ý của thị trường lao động
>>Thị trường lao động: Nhiều cơ hội lương, thưởng cạnh tranh
Theo ông Lê Văn Côn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thái Bình, hiện nay, không chỉ ở Thái Bình mà các tỉnh lân cận cũng xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ ở một số lĩnh vực, ngành nghề, phân khúc, trình độ. Do đó, xu hướng tuyển dụng trong các tháng cuối năm sẽ tăng lên và rất đa dạng để phục vụ cho việc hoàn thành đơn hàng trong năm đã ký kết và phục vụ những kỳ nghỉ lễ lớn cuối năm.
Để tạo thêm việc làm cho người lao động, từ nay đến cuối năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Bình sẽ tiếp tục tổ chức nhiều phiên chuyên đề về tuyển dụng để kết nối người lao động với doanh nghiệp. Ngoài tuyển dụng trực tiếp, Trung tâm cũng tổ chức các phiên giao dịch việc làm online, phối hợp với các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc để hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động trong giai đoạn giáp Tết.
Ông Côn cho biết thêm, thông qua việc tiếp nhận đơn tuyển dụng, nhiều doanh nghiệp đã rất tích cực đưa ra những chế độ, quyền lợi cơ bản để thu hút người lao động. Trong bối cảnh hiện tại, việc chú trọng đến đời sống của người lao động như vậy là rất cần thiết.
Tại các phiên giao dịch việc làm gần đây chúng tôi thấy, để thu hút và hấp dẫn người lao động, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng hơn tới các yếu tố lương, thưởng, đãi ngộ. Trong khi phỏng vấn, có những doanh nghiệp đã chấp nhận thỏa thuận lại mức lương cao của người lao động.
Mặc dù vậy, theo ông Côn, vấn đề chính vẫn là làm sao có được nguồn nhân lực chất lượng cao, tay nghề cao. Muốn vậy, cần triển khai gắn kết giữa đào tạo với các cơ sở và doanh nghiệp. Khi được đào tạo gắn trực tiếp với doanh nghiệp, với các vị trí việc làm cụ thể thì người lao động được đào tạo ra sẽ trực tiếp làm việc tại các lĩnh vực đó và tiếp tục phát triển trên các vị trí việc làm với những kỹ năng liên quan. Như vậy, chất lượng lao động, năng suất lao động cũng sẽ cao hơn, hạn chế được tình trạng, doanh nghiệp thiếu phân khúc lao động khác nhau trên các trình độ khác nhau.
Có thể bạn quan tâm
Nam Định: Phát triển phục hồi thị trường lao động sau dịch COVID-19
00:17, 29/09/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Tập trung phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại
20:00, 30/08/2022
Thị trường lao động nhộn nhịp giai đoạn 6 tháng cuối năm
04:50, 21/07/2022
Đà Nẵng: Nghịch lý thị trường lao động
11:49, 20/07/2022
“Hiện đại hoá” thị trường lao động
09:20, 01/05/2022
Đại dịch Covid-19 và áp lực cơ cấu lại thị trường lao động
05:15, 01/05/2022