Doanh nghiệp FDI “khất lần” chuyển giao công nghệ

Ngọc Hà 28/06/2018 09:30

Trong khi được trải thảm nhiều ưu đãi khu vực FDI vẫn phát triển khá biệt lập, ít đầu tư nghiên cứu sáng chế và đặc biệt không chịu chuyển giao công nghệ và vòng đời thiết bị cho doanh nghiệp Việt.

Nhìn nhận một cách khách quan, việc doanh nghiệp FDI “khất lần” cũng là do bản thân năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam là thấp.

p/Trong suốt 30 năm qua, Việt Nam đã thu hút được 25.949 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 326,3 tỷ USD (Ảnh: Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH KSD ViNa 100% vốn của Hàn Quốc.p/Ảnh: Danh Lam)

Trong suốt 30 năm qua, Việt Nam đã thu hút được 25.949 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 326,3 tỷ USD (Ảnh: Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH KSD ViNa 100% vốn của Hàn Quốc. Ảnh: Danh Lam)

Khuyến khích thôi, chưa đủ

Đặc biệt, nguyên nhân còn là do chính sách của Việt Nam không bắt buộc doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ mà chủ yếu là khuyến khích các DN FDI chuyển giao mà không có ràng buộc pháp lý. Theo Diễn đàn kinh tế thế giới 2016, hiệu quả chuyển giao từ DN FDI của Việt Nam rất thấp và có xu hướng ngày càng bị tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực. Việt Nam đứng vị trí 103, Thái Lan thứ 36, Indonesia thứ 39, Malaysia xếp thứ 13. Khi mở cửa thu hút đầu tư FDI, Việt Nam đã nhận được những tác động tích cực từ dòng vốn này. Đó là góp phần vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hoạt động xuất khẩu, tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động.

Đáng chú ý đó là, việc tạo ra sức ép cạnh tranh từ doanh nghiệp FDI để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm. Trước sức ép này, các doanh nghiệp trong nước đã cố gắng đổi mới công nghệ bằng việc nhập khẩu thiết bị, công nghệ mới để sản xuất ra các sản phẩm với chất lượng cao, không thua kém hàng nhập khẩu và giá cả phải chăng. Theo các chuyên gia, đây chính là một cách chuyển giao công nghệ gián tiếp từ hoạt động đầu tư của doanh nghiệp FDI và nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã thành công khi tiếp cận ở góc độ này.

Quay trở lại kỳ vọng từ thu hút đầu tư để chuyển giao công nghệ, các chính sách của Việt Nam quy định độ trễ của chuyển giao công nghệ là 5 -7 năm, tuy nhiên, 30 năm thu hút FDI, kết quả này của Việt Nam vẫn “nhạt nhoà”.

Phải chăng là kỳ vọng của Việt Nam về chuyển giao công nghệ quá lớn? Để trả lời câu hỏi này, trước tiên cần xét đến kết quả nghiên cứu được Trung tâm thông tin dự báo kinh tế xã hội Quốc gia, Bộ KH - ĐT cho thấy, sự khác biệt về trình độ công nghệ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam là không nhiều. Một kết quả bất ngờ.

Tuy nhiên, mổ xẻ một cách chi tiết các trường hợp về mục tiêu đầu tư của doanh nghiệp FDI khi vào Việt Nam nếu chủ yếu là để tận dụng nguồn lao động giá rẻ, lẽ hiển nhiên, các công nghệ cao mà doanh nghiệp mang đến Việt Nam là không nhiều. Khi đó, cũng không thể kỳ vọng rằng việc chuyển giao công nghệ giữa nhóm doanh nghiệp FDI này với doanh nghiệp trong nước sẽ nhiều. Chưa kể, nếu bản thân các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam cũng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nghĩa là quy mô doanh nghiệp của khối ngoại cũng không khác gì so với 98% doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, việc đòi hỏi chuyển giao những công nghệ dường như... bất hợp lý. Nếu với doanh nghiệp quy mô 2.000 lao động trở lên, bài toán chuyển giao công nghệ dễ có câu trả lời hơn.

Nhìn ở góc độ ngược lại, ông Đỗ Hoài Nam – Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ ra: “Phải thừa nhận rằng, năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam thấp”.

Phải là câu chuyện tự thân doanh nghiệp

Hiện nay, tỷ lệ nới room cải cách để thu hút thêm đầu tư là không nhiều, bởi các chính sách ưu đãi, và nền kinh tế Việt Nam đã có độ mở quá lớn. Câu chuyện đặt ra là, làm thế nào để doanh nghiệp FDI thực sự chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt? Câu trả lời đó chính là tạo ra được kỳ vọng cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp chủ động đầu tư, đổi mới công nghệ mà không cần bất cứ chính sách ưu đãi nào như TS Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm thông tin dự báo kinh tế xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích.

Theo ông Thắng, “kỳ vọng về tăng trưởng tốt nghĩa là doanh nghiệp nhìn thấy rằng, nếu đầu tư, chuyển giao công nghệ và đầu tư R&D sẽ tạo ra lợi nhuận trong thời gian tới, doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư, cho dù không cần bất kỳ một chính sách ưu đãi nào. Ngược lại, nếu kỳ vọng kinh tế không đủ lớn và không thống nhất, đương nhiên, doanh nghiệp sẽ khó có thể đầu tư và chuyển giao công nghệ”.

Ngoài ra, vị này cũng đặc biệt lưu ý đến chỉ báo không thống nhất từ các chính sách của Nhà nước. Phân tích rõ hơn, ông lấy ví dụ, trong khi Việt Nam đang cố gắng tạo ra các ưu đãi thuế đối với nhà đầu tư, một mặt lại cố gắng tận thu các khoản thuế khác. Như vậy có thể thấy, về lâu dài, chuyển giao công nghệ, đầu tư công nghệ mới là câu chuyện của doanh nghiệp chứ không phải là câu chuyện của cơ chế chính sách ưu đãi và vai trò của Nhà nước vẫn là làm sao để tạo ra môi trường kinh doanh tốt nhất.

(Kỳ sau: Giải pháp để... nội địa hóa công nghệ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp FDI “khất lần” chuyển giao công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO