Ngày 29/12, VCCI Đà Nẵng phối hợp với VNPT Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Hệ sinh thái số - Doanh nghiệp hồi sinh và phát triển” nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận gần hơn với “cuộc chơi chung”.
>>Chủ tịch nước: Kinh tế Đà Nẵng có phát triển nhưng chưa xứng tầm!
Trong những năm gần đây, Chính phủ, doanh nghiệp các nước trên thế giới – trong đó có Việt Nam phải đối mặt với những thách thức lớn, đòi hỏi những sự thay đổi để phù hợp trước sự tiến bộ của công nghệ, khoa học kỹ thuật. Cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, chuyển đổi số (Digital Transformation) trở nên phổ biến và là xu hướng tất yếu đối với sự tồn tại và phát triển của các tổ chức, doanh nghiệp và mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội.
Xu hướng chung về chuyển đổi số ngày càng trở nên cấp bách hơn khi từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 lan rộng khắp thế giới, giáng đòn nặng nề vào toàn bộ nền kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của toàn xã hội. Do đó, bối cảnh mới đòi hỏi các doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí, điều hành hiệu quả hơn, nâng cao hiệu suất thông qua việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và thực hiện chuyển đổi số, thay đổi và tìm kiếm các mô hình/phương thức kinh doanh mới. Nếu nhìn ở một góc độ tích cực, COVID-19 được đánh giá như một “cú hích” bắt buộc các doanh nghiệp phải đi nhanh hơn trên con đường chuyển đổi số.
Với mục tiêu thúc đẩy tiến trình Chuyển đổi số tại TP Đà Nẵng, hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thực hiện Chuyển đổi số để đổi mới, phát triển, VCCI Đà Nẵng phối hợp VNPT Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Hệ sinh thái số - Doanh nghiệp hồi sinh và phát triển”, để cùng trao đổi, chia sẻ về các Giải pháp Chuyển đổi số thiết thực - hiệu quả. Thông qua đó, đơn vị cùng với địa phương muốn góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn của tình hình dịch bệnh COVID-19 và tiếp tục phát triển ở giai đoạn “bình thường mới”.
Ông Nguyễn Tiến Quang – Giám đốc VCCI Đà Nẵng nhìn nhận vấn đề chuyển đổi số trong doanh nghiệp hiện tại rất cấp thiết. Ông Quang cho rằng, sau những tác động tiêu cực của đại dịch, các doanh nghiệp đang trở lại đà để khôi phục sản xuất. Việc thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp sẽ tạo thêm nhiều công cụ hỗ trợ doanh nghiệp trong mọi mặt giúp doanh nghiệp giảm được thời gian, chi phí,...
“Chuyển đổi số là một “cuộc chơi” quan trọng mà các doanh nghiệp cần phải tham gia, thông qua đó doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây cũng được xem như là một chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp trong thời đại kinh tế số. Trong tương lai, doanh nghiệp cần tích cực tham gia các “sân chơi mới” để hoàn thiện hơn nữa, vượt qua các rào cản về kinh phí cũng như tâm lý để xác định rằng chuyển đổi số là vấn đề ưu tiên hàng đầu cần triển khai. Chuyển đổi số là cấp thiết và doanh nghiệp không nên đứng ngoài “cuộc chơi” này”, ông Nguyễn Tiến Quang chia sẻ.
Trong khi đó, ông Đặng Thanh Hưng – Phó Trưởng Ban phát triển chuyển đổi số Tập đoàn VNPT cho rằng doanh nghiệp hiện nay đang có rất nhiều cơ hội để chuyển đổi số. Vì vậy, ông Hưng kiến nghị cộng đồng doanh nghiệp cần sớm thực hiện để phát triển hơn nữa trong công cuộc kiến thiết kinh tế.
“Việc thực hiện chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp quản lý công việc hiệu quả, giảm chi phí hoạt động cũng như thay đổi các mô hình truyền thống. Từ các chuyển đổi, doanh nghiệp có thể sử dụng các dịch vụ quảng cáo số, dịch vụ marketing, thanh toán điện tử, quản trị khách hàng đa kênh thống nhất,... thay vì làm truyền thống như trước”, ông Đặng Thanh Hưng nói.
Cũng theo ông Hưng, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay các doanh nghiệp đều thực hiện các công việc trên hệ thống trực tuyến và việc đó đã mang lại những hiệu quả tích cực. Ngoài quản lý công việc, các mô hình kinh doanh mới cũng sẽ phát huy hiệu quả trên không gian mạng tạo thêm nhiều kênh mua/bán cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Lê Minh – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Đà Nẵng nhìn nhận quy mô doanh nghiệp ở miền Trung vẫn còn nhỏ hơn so với hai đầu đất nước, năng lực kinh doanh cũng có phần hạn chế nhất định. Do đó, ông Minh cho rằng vấn đề thích ứng với các biến động trong môi trường kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp cũng thiếu nhạy bén hơn.
“Do đó, đứng trước công cuộc chuyển đổi số cộng đồng doanh nghiệp càng xuất hiện thêm nhiều vướng mắc bên cạnh những thuận lợi. Phần lớn doanh nghiệp vẫn còn lúng túng với việc thực hiện chuyển đổi số, không biết sẽ làm như thế nào và bắt đầu từ đâu?”, ông Nguyễn Lê Minh nêu khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp.
Theo ông Minh, các cơ quan chức năng cần có sự hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn nữa trong việc chuyển đổi số. Trong đó, có những phương án giúp doanh nghiệp dễ dàng tiến cận các nguồn vốn vay để thực hiện việc chuyển đối số.
Ở góc độ địa phương, ông Thái Thanh Hải – Trưởng phòng Công nghệ thông tin (Sở Thông tin & Truyền thông Đà Nẵng) cho hay việc Chính phủ ban hành Quyết định 749 về chương trình chuyển đổi số quốc gia trong đó phát triển theo 3 trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Theo ông Hải, để công cuộc chuyển đổi số thành công thì cần phải triển khai đồng bộ các hoạt động trong 3 khối là Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân.
Ông Hải cũng thông tin TP Đà Nẵng cũng đã triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin từ trước và hoạch định rõ ràng các mục tiêu hướng đến năm 2030 hoàn thành cơ bản đề án đô thị thông minh. Trước những khó khăn của doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số, ông Thái Thanh Hải cho rằng hiện nay vẫn còn nhiều bất cập và địa phương cũng đang nỗ lực tháo gỡ để doanh nghiệp có thể triển khai hiệu quả hơn.
“Đà Nẵng là địa phương tiên phong trong việc chuyển đổi số, tuy nhiên phải nhìn nhận lại các cơ quan nhà nước của chúng ta vẫn còn một số bất cập. Khi toàn bộ hoạt động đều được đưa lên chương trình số thì sẽ tương thích, tuy nhiên bây giờ chúng ta đang ở bước đầu của chuyển đổi số và chuyển chuyển đổi có nhiều giai đoạn. Thời gian tới, các cơ quan cần ngồi lại với nhau để triển khai có hiệu quả, những khó khăn trong chuyển đổi số hiện nay không chỉ nằm ở bộ phận doanh nghiệp mà còn nằm cả ở các cơ quan nhà nước”, ông Hải cho biết.
Theo ông Hải, những vấn đề bất cập về tương thích và liên thông đã được Chính phủ nhìn ra và có sự điều chỉnh. Từ đó, Đà Nẵng cũng đưa ra các phương án phù hợp để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận hơn cho sau này.
Có thể bạn quan tâm