Sau gần 4 năm nỗ lực đàm phán, trái sầu riêng của Việt Nam chính thức được cấp “visa” xuất khẩu vào Trung Quốc theo con đường chính ngạch…Tuy nhiên, không phải con đường thẳng.
>>>Thông quan hàng hoá cửa khẩu biên giới: Hàng trái cây Việt Nam sẽ được "ưu tiên"
Theo đó, Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với trái sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam ký kết với Tổng cục Hải quan Trung Quốc ngày 11/7/2022 và được kéo dài trong 3 năm. Theo đó, sầu riêng Việt Nam sẽ được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu qua tất cả cửa khẩu của Trung Quốc.
Bày tỏ vui mừng, bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, trước đây, tại Trung Quốc, sầu riêng Thái Lan hiện được bán giá cao hơn sầu riêng Việt Nam gấp 1/3 lần. Nguyên nhân không phải ở độ ngon mà bởi vì sầu riêng của Thái Lan được xuất khẩu chính ngạch, có nhãn mác và có thương hiệu.
“Nay sầu riêng Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, cũng đồng nghĩa với việc giao dịch thông qua hợp đồng và các chứng từ thương mại hóa đơn, vận đơn, kiểm dịch, C/O… Đặc biệt là sầu riêng Việt Nam sẽ không còn bị thương nhân Trung Quốc đóng mác sầu Monthong Thái Lan hoặc Malaysia, chúng ta sẽ đàng hoàng đóng mác Việt Nam để đi vào các siêu thị nước bạn. Những điều này sẽ giúp trái sầu riêng Việt Nam có thể cạnh tranh được với sầu riêng Thái Lan tại Trung Quốc về lâu dài”, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu nhấn mạnh.
Trung Quốc tiêu thụ rất nhiều sầu riêng. Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), từ năm 2010 đến nay, tiêu thụ sầu riêng ở Trung Quốc tăng trưởng trung bình hàng năm hơn 16%.
Số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy, nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc trong năm 2021 đạt 809.000 tấn, trị giá 4,13 tỷ USD, tăng vọt so với mức 2,3 tỷ của năm 2020.
Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan. Trong những năm gần đây, nhu cầu bùng nổ cộng với chi phí vận chuyển tăng cao đã khiến giá sầu riêng tăng. Giá trung bình của sầu riêng tươi ở Trung Quốc đã tăng lên 4,0 USD/kg vào năm 2020 và năm 2021 lên mức cao là 5,11 USD/kg.
Nói vậy để thấy, Trung Quốc luôn là một thị trường tiềm năng của trái sầu riêng và việc Việt Nam đạt được thỏa thuận xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc là một kết quả ngoài mong đợi.
Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết từ đầu năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật khởi động quá trình đàm phán với Trung Quốc.
Sau gần 4 năm chuẩn bị và nỗ lực, ngày 11/7/2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và ông Du Kiến Hoa - Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã ký nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Cũng trong ngày 11/7, phía Việt Nam đã chuyển 3 bản nghị định thư bằng 3 thứ tiếng (Trung, Anh, Việt) cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc, kèm theo đó là danh sách cơ sở mã số vùng trồng, danh sách cơ sở đóng gói để Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét phê duyệt và cập nhật lên website chính thức trước khi lô hàng đầu tiên có thể xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này.
"Đến thời điểm này, nước ta đã có 123 mã số vùng trồng và 57 cơ sở đóng gói sầu riêng đăng ký tham gia chương trình xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc", Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết.
Ông Hoàng Trung cho biết Cục Bảo vệ thực vật cũng sẽ gửi mẫu Giấy chứng nhận Kiểm dịch thực vật xuất khẩu theo yêu cầu của Nghị định thư để Tổng cục Hải quan Trung Quốc đối chiếu khi các lô hàng từ Việt Nam cập cảng biển hoặc thông quan tại cửa khẩu đường bộ.
>>>“Rộng cửa” xuất khẩu nhưng thị phần rau quả lại khiêm tốn
>>>Mục tiêu xuất khẩu 55 tỷ USD ngành nông nghiệp có xa vời?
Mặc dù doanh nghiệp và nông dân kỳ vọng tới đây xuất khẩu chính ngạch, giá cả sầu riêng không còn bấp bênh, thu hút doanh nghiệp liên kết với người dân, hợp tác xã xây dựng mã số vùng trồng nhằm nâng cao chất lượng trái sầu riêng để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, phía bạn đưa ra các tiêu chí để có mã số vùng trồng rất rõ ràng như: phải ghi chép nhật ký gieo trồng, thu hoạch, các biện pháp theo dõi, xử lý các đối tượng sinh vật gây hại mà Trung Quốc quan tâm (gồm 1 loài ruồi, 3 loài rệp và 2 loài nấm).
Về vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ngoài quy định của phía Việt Nam phải thực hiện theo nguyên tắc “4 đúng”, các nhà vườn cũng phải thực hiện các yêu cầu của phía Trung Quốc như: không sử dụng các hoạt chất không được dùng; áp dụng các chương trình giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực đối với cây sầu riêng…
Như vậy, “visa” cho quả sầu riêng vào thị trường Trung Quốc cho thấy, giai đoạn xuất khẩu tiểu ngạch với nông sản Việt Nam đang dần khép lại. Điều quan trọng là phải có một tư duy mới, tầm nhìn mới về việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. Nước này không còn là thị trường dễ tính như người ta quen nghĩ lâu nay.
Trong một cuộc hội thảo cuối năm ngoái, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai nói rằng, trong vài chục năm tới, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn và quan trọng với Việt Nam. Nghĩa là làm sao phải có visa cho hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc trong một tương lai lâu dài, bền vững, không chỉ là với quả sầu riêng.
Do đó, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các địa phương, doanh nghiệp và các chủ sở hữu cơ sở đóng gói, vùng trồng phải tuân thủ theo những nội dung của Nghị định thư.
Đồng thời khuyến nghị các địa phương quan tâm hơn nữa và dành nguồn kinh phí để hỗ trợ cơ quan chuyên môn tiếp tục theo dõi, giám sát và mở rộng hơn nữa diện tích được cấp mã số vùng trồng cũng như cơ sở đủ điều kiện để đóng gói xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc và thị trường khác, đảm bảo tính bền vững, hiệu quả cao.
Ở góc độ doanh nghiệp, đại diện công ty Chánh Thu cho rằng, Việt Nam đi sau Thái Lan, Malaysia rất nhiều năm trong xuất khẩu loại quả này, vì vậy việc xây dựng thương hiệu sẽ mất rất nhiều thời gian, lộ trình không phải là dễ dàng.
Do đó, đi sau mà muốn cạnh tranh được ở thị trường Trung Quốc, chúng ta sẽ phải nỗ lực xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam, một thương hiệu uy tín, chất lượng.
Bà Ngô Tường Vy cũng nhấn mạnh rằng, những thay đổi từ thị trường Trung Quốc hay các thị trường quen thuộc sẽ là thử thách, song cũng là lúc để chúng ta áp dụng những chế tài kiểm soát, đồng nhất về tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm nông sản Việt Nam.
Từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân và những đối tượng tham gia chuỗi liên kết phải cùng vào cuộc để đặt ra tiêu chí, định vị sản phẩm nông sản của chúng ta ở những thị trường nào, tất cả phải cùng vào cuộc.
Có thể bạn quan tâm
13:54, 18/06/2022
03:40, 16/07/2022
13:00, 14/07/2022
04:01, 12/07/2022
10:01, 11/07/2022