Chuyển đổi số không chỉ giúp doanh nghiệp logistics nâng cao giá trị cạnh tranh, tìm kiếm đơn hàng mà còn giúp ngành dịch vụ vận tải tận dụng được lợi thế từ các FTA.
Chưa tận dụng được lợi thế
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), hiện, chưa có nhiều doanh nghiệp trong ngành logistics ứng dụng các giải pháp có tính tích hợp cao, mà đa phần chỉ áp dụng các giải pháp đơn lẻ. Ứng dụng công nghệ đang được sử dụng tại các doanh nghiệp logistics là các ứng dụng cơ bản như quản lý giao nhận quốc tế, quản lý kho hàng, vận tải, trao đổi dữ liệu điện tử và khai báo hải quan...
Hầu hết các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics (LSP) đều gặp khó khăn về vốn đầu tư vì hơn 80% hội viên VLA là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên nếu tiếp cận tình hình chuyển đổi số sẽ khiến nhiều doanh nghiệp ngần ngại.
Trong đó kinh phí để triển khai các giải pháp số hóa trong lĩnh vực logistics cần từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng, tiếp đó là khó khăn về nhân sự, các khó khăn chung về vốn và nguồn lao động kỹ thuật cao.
Bên cạnh đó việc tiếp cận công nghệ còn hạn hẹp, các phần mềm tiêu chuẩn quốc tế chưa ứng dụng được nhiều tại Việt Nam, nên doanh nghiệp cũng gặp khó trong việc lựa chọn công nghệ. Đây là lý do, khiến nhiều doanh nghiệp còn đắn đo chưa thực sự tin tưởng về khả năng ưu việt khi áp dụng các công cụ chuyển đổi số.
Trên thực tế, không có nhiều doanh nghiệp áp dụng công cụ số như Giao hàng nhanh, vì cho rằng chưa cần thay đổi vẫn “sống” được, hoặc do thiếu vốn, hoặc lo ngại các giao dịch điện tử, hợp đồng điện tử không bảo mật, dễ gặp rủi ro pháp lý.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tương, Phó tổng thư ký VLA cho biết: Hiện nay khoảng 30 doanh nghiệp logistics của các tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam. Họ thuê lại các dịch vụ logistics nội địa như giao nhận vận tải nội địa, kho bãi, xếp dỡ, khai báo hải quan…Với nền tảng tài chính mạnh, họ không ngại dốc tiền đầu tư, sẵn sàng đưa ra mức giá cạnh tranh để đạt mục tiêu giành thị phần.
Các doanh nghiệp vận tải Việt Nam dù chỉ chiếm thị phần nhỏ trong vận tải quốc tế (do năng lực cạnh tranh hạn chế), nhưng đang giữ thị phần lớn trong vận tải nội địa nhờ được lợi thế từ kho bãi, nắm bắt địa hình và phương thức vận tải.
"Do đó để tranh thủ hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại tự do, các lãnh đạo doanh nghiệp buộc phải đầu tư vào công nghệ chuyển đổi số" - ông Tương nhấn mạnh.
Lợi ích công nghệ
Chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng nhưng để thành công phải có sự cam kết, quyết tâm từ lãnh đạo để gây dựng được văn hóa doanh nghiệp tạo nên nhận thức việc chuyển đổi số là tất yếu. Doanh nghiệp logisitcs thì có rất nhiều mảng dịch vụ khác nhau nên có cách tiếp cận khác nhau, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang áp dụng những ứng dụng độc lập, cho từng mảng dịch vụ riêng lẻ.
Theo ông Vũ Hoàng Thao - GĐ Công ty TNHH Đầu tư Hạ tầng ALS cho biết, Chuyển đổi số cần có lộ trình ngay từ đầu và phải thực hiện dài hơi, tầm nhìn dài hạn, lựa chọn quy trình phù hợp, lựa chọn nhà cung cấp phù hợp, tài chính phù hợp để tạo nên một hệ thống liên hoàn với nhau chứ để tích hợp các hệ thống rời rạc lại thì cũng là vấn đề khó khăn.
Nhìn nhận về vấn đề trên, ông Nguyễn Đức Tùng - Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số VIDA cho rằng, chúng ta phải coi chuyển đổi số là vấn đề quan trọng trong chiến lược phát triển doanh nghiệp, xuất phát từ ý thức, tầm nhìn của chủ doanh nghiệp và lan tỏa tới tất cả thành phần, xây dựng văn hóa định hướng sự đổi mới, nhân viên có tư duy về số hóa thì việc ứng dụng chuyển đổi số mới hiệu quả.
Nếu như toàn bộ các công đoạn, từ khâu vận chuyển, lưu kho bãi đến thủ tục xuất nhập khẩu…được số hóa đưa lên “cloud” để người dùng có thể truy xuất toàn bộ quá trình sản xuất, vận chuyển thông qua mã QR, thì điều đó cũng đồng nghĩa với giá trị của dịch vụ logistics được gia tăng, trong khi các chi phí cố định khác như nhân công, khấu hao phương tiện vận tải, nhà kho... không thay đổi.
Các doanh nghiệp phải nhanh chóng tiếp cận với các kênh trực tuyến. Điều này đem lại cả khó khăn và cơ hội cho doanh nghiệp, vì cạnh tranh trong thương mại điện tử ngày càng khốc liệt, khốc liệt hơn so với thương mại truyền thống.
Bên cạnh đó, các Hiệp hội cần ngồi lại với nhau để bàn thảo nhằm xây dựng và phát triển một nền tảng giao tiếp chung giữa doanh nghiệp nông nghiệp với doanh nghiệp logistics, thậm chí là có sự tham gia của cơ quan Nhà nước như kiểm dịch, kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, cấp chứng nhận xuất xứ (C/O)…, trên đó sẽ có E-DO (lệnh giao hàng điện tử), xử lý tải rỗng, xác thực điện tử, hóa đơn điện tử, đăng ký trả kết quả kiểm tra chuyên ngành... tích hợp tất cả trên một platform chính như bộ xương cá, luồng thông tin của một lô hàng được “đắp dần” khi trải qua mỗi chủ thể.
"Tất cả các doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước cùng có chung một nền tảng và hoàn toàn bảo mật. Nền tảng sử dụng blockchain, AI, machine learning... chung lại là từ những thành tựu công nghệ hàng đầu hiện nay, phải là hàng đầu" - ông Tùng khẳng định.
Có thể bạn quan tâm