"Tôi hy vọng rằng thỏa thuận hợp tác mà hai hiệp hội đã ký sẽ đặt nền móng cho sự hợp tác sắp tới, tạo ra các lợi ích thiết thực cho hội viên và thúc đẩy gắn kết cộng đồng logistics".
>>Logistics Hải Phòng: Vẫn là “lấy công làm lãi”
Đó là khẳng định của Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội Trần Đức Nghĩa tại hội thảo “Logistics với bối cảnh 2023 - Vấn đề & Giải pháp” vừa diễn ra. Thông qua ý kiến luận bàn của các diễn giả, các chuyên gia đã giúp doanh nghiệp hiểu thêm về bối cảnh kinh tế năm 2023 và các thách thức trong lĩnh vực logistics cũng như đưa ra giải pháp hữu ích để cùng nhau “vượt sóng”.
Bức tranh ảm đạm sau 3 năm đại dịch Covid-19
Theo Hiệp hội Logistics Hà Nội, từ quý 4/2022, những dấu hiệu giảm tốc của nền kinh tế đã xuất hiện, gây ra sự lo lắng của các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân. Nguyên nhân đến từ việc tăng chi tiêu chính phủ trên toàn thế giới để phục hồi và kích thích phát triển kinh tế sau 2 năm dịch Covid-19 đã gây ra lạm phát diện rộng. Chiến tranh Nga-Ukraine khiến tâm lý người tiêu dùng e ngại, thắt chặt chi tiêu càng làm xấu đi tình hình kinh tế toàn cầu.
Với nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam đã bị tác động lớn bởi những thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu. Kim ngạch xuất nhập khẩu đều suy giảm, doanh nghiệp xuất khẩu thiếu đơn hàng, lưu lượng hàng hóa giảm sâu đã gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp logistics nói riêng.
Ông Đinh Xuân Hưng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải biển Vinafco chia sẻ khó khăn: Công ty có 3 tàu biển vận chuyển container chạy nội địa. Trong năm 2021-2022, mảng đường biển nói chung và vận tải container rất tích cực. Hiện nay lượng tàu đóng mới trên toàn thế giới quý I/2023 đã tăng 2,2 triệu TEUs tương đương 8,2 % trên toàn cầu. Quý I, ước tính lượng tàu nội địa trong nước tăng 40%, từ 19,400 TEUs lên đến 27,000 TEUs. Đây là thách thức tăng nguồn cung của lượng tàu. Thách thức thứ hai là nhu cầu sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là ngành hàng nguyên liệu, vật liệu xây dựng, vật liệu, ô tô, xe máy. Quý I đầu năm 2023, vận tải biển giảm từ 26-44%/năm. Hiện nay đối với vận tải trong nước, cước chỉ đủ để vận hành, chưa tính có khấu hao lãi vay và quản lý vận hành doanh nghiệp.
Cùng nỗi lo chung, ông Phan Văn Quân, Phó TGĐ Công ty TNHH Tiếp vận Thăng Long chia sẻ thêm: Khó khăn đại dịch Covid-19, cuộc chiến Nga- Ukraina, thách thức chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, trí tuệ nhân tạo sẽ ảnh hưởng đến nhân loại trong thời gian tới. “Tuy nhiên, chúng tôi sẽ nỗ lực vượt qua được khó khăn, cố gắng giữ được khách hàng hiện tại đang có và cung cấp thêm dịch vụ theo nhu cầu".
>>>Hiệp hội Logistics Hải Phòng trao tặng 500 triệu đồng cho tuyển nữ Việt Nam
Giải pháp đưa doanh nghiệp vượt khó
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục Trưởng Cục XNK Bộ Công Thương chia sẻ: Các hãng tàu lớn đã xuất hiện xu hướng bước chân sang các lĩnh vực vận tải khác như vận tải hàng không. Xu hướng của các tàu to đưa vào khai thác sẽ làm giá cước tàu tiếp tục giảm. Hải Phòng chưa có khả năng đón tiếp những con tàu như thế này nhưng Cái Mép thì có thể. Tại Singapore, các bến cảng vận hành tự động, không có người lái, được điều khiển, lập trình. Xu hướng tự động hóa đã phát triển mạnh, trở thành phổ biến. Tại Việt Nam, hiện nay có xu hướng cạnh tranh giữa các cảng biển, đặc biệt là khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Ông Hải cũng đưa ra một số xu hướng logistics trong thời gian tới: Xu hướng hiện nay là giảm phát thải, đưa năng lượng tái tạo vào các phương tiện vận tải đường bộ. Bất kỳ doanh nghiệp lớn nào cũng đều thể hiện trách nhiệm của mình trong việc phát thải, hướng đến trung hòa phát thải. Khi đất đai trở nên khan hiếm và AI trở nên phổ biến, cần xây kho đa tầng để tiết kiệm chi phí mặt bằng, nâng cao hiệu suất sử dụng. Tự động hóa tối đa để nhận dạng, kiểm kê; vận chuyển trong nội bộ kho…
Xu hướng đầu tư logistics Park giống như một khu công nghiệp, trong đó có nhiều logistics center. Doanh nghiệp thứ cấp vào đầu tư trung tâm logistics sẽ dễ dàng. Điều này sẽ có lợi thế về mặt bằng tập trung, hỗ trợ nhau, tăng sự thu hút với nhà đầu tư.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, chuyên gia phát triển khu vực tư nhân, giám đốc văn phòng Ban IV đưa ra một số kiến nghị cho doanh nghiệp: Ngành Logistic như hàn thử biểu của nền kinh tế: Các chỉ số tương đồng với tổng thể các chỉ số của nền kinh tế. Khó khăn lớn nhất về “Đơn hàng” là khó khăn chung trong bối cảnh suy thoái, không thể sớm chấm dứt trong 2023-2024. Doanh nghiệp cần xác định để có sự chuẩn bị tối ưu về nhân sự, tài chính, vận hành, thị trường. Nâng cao vai trò của Hiệp hội (kết nối, cung cấp thông tin) để vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt và nỗ lực tối ưu dịch vụ logistics theo từng ngành hàng. Tận dụng thời gian để đồng thời phát triển các bài toán chiến lược: chuyển đổi xanh, chuyển đổi số trong doanh nghiệp, tìm kiếm thị trường mới, tìm kiếm đối tác mới, đánh giá các chuỗi logistics tiềm năng.
Còn đối với Công ty Cổ phần Vận tải biển Vinafco, doanh nghiệp luôn có những giải pháp ngắn hạn để tối ưu chi phí: Tối ưu trực tiếp các chi phí như xếp dỡ, tracking, quản lý... Phải phối hợp hợp tác với các bên như bên cảng, bên vận tải đường bộ để tối ưu bằng năng suất chạy điều rỗng hoặc ở cảng xếp dỡ cần phải phối hợp để tăng chuyến tàu, giảm chi phí. Thứ hai để tiết giảm chi phí này, phải tối ưu được các nguồn hàng, phối hợp với chuỗi logistics của khách hàng, tiết giảm được một chiều rỗng. Giải pháp tiếp theo là đào tạo nguồn nhân lực.
Ông Lê Hồng Cẩm, Giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ Cảng Hải Phòng chia sẻ kinh nghiệm tìm ra thị trường ngách: Khu công nghiệp Nam Đình Vũ đã tìm ra thị trường ngách để giải quyết câu chuyện khó khăn, tiết giảm chi phí tối ưu, đưa ra thị trường mới.
“Chúng tôi chậm lại một chút để tư duy các bước tiếp theo, đưa ra lựa chọn, tìm kiếm các cơ hội đến đó là những dịch vụ về ô tô và dịch vụ siêu trường siêu trọng. Vị trí của người đứng đầu rất quan trọng, định hướng và dẫn dắt. Chúng ta cần phải liên kết với nhau, cần phải ưu tiên các doanh nghiệp Việt Nam trong câu chuyện hợp tác phát triển. Chúng ta cần phải rõ ràng ngay từ đầu với các doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp có thể cạnh tranh nhưng cạnh tranh để phát triển”, ông Cẩm nhấn mạnh.
>>>Cần cơ chế ưu tiên doanh nghiệp phát triển E-logistics
Tạo động lực cho doanh nghiệp logistics trở lại “đường đua”
Hội thảo cũng diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa hai Hiệp hội là Hiệp hội Logistics Hải Phòng và Hiệp hội Logistics Hà Nội nhằm tăng cường tính kết nối, đặt nền móng cho các hợp tác tiếp theo trong thời gian tới.
Ông Trần Đức Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội bày tỏ: “Tôi hy vọng rằng thỏa thuận hợp tác mà hai hiệp hội đã ký ngày hôm nay sẽ đặt nền móng cho sự hợp tác của hai hiệp hội sắp tới, nhằm tạo ra các lợi ích thiết thực cho hội viên hai bên và thúc đẩy sự gắn kết trong cộng đồng logistics".
Ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng mong muốn sẽ có nhiều hơn nữa hoạt động hợp tác giữa hai Hiệp hội để tăng cường liên kết, cùng phát triển ngành logistics Việt Nam vươn tầm quốc tế.
Có thể bạn quan tâm