Dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến sức tiêu dùng giảm, cùng với đó là các biện pháp cách ly, hạn chế ra ngoài nhằm giảm nguy cơ lây lan.
Những ảnh hưởng này khiến cho nhiều doanh nghiệp bị giảm mạnh doanh thu, thậm chí không có nguồn thu như trường hợp các đơn vị chuyên tổ chức sự kiện. Hệ lụy đi kèm là không gánh nổi các chi phí cố định, chi phí lãi vay dẫn đến mất thanh khoản nếu không có nguồn tiền dự trữ.
Theo Tổng cục thống kê, trong tháng 4, cả nước có 7.885 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 93.900 tỷ đồng, giảm 46,9% về số doanh nghiệp và giảm 43,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 22.700 doanh nghiệp, tăng 33,6%.
Ông Lê Anh Tuấn – Phó Tổng Giám đốc đầu tư Dragon Capital tại một sự kiện trực tuyến gần đây chia sẻ, thống kê trên 100 doanh nghiệp niêm yết lớn có lượng tiền dồi dào hơn so với các đợt khủng hoảng trước, đủ năng lực để chống chọi trong 1 hoặc 2 quý tới.
Vấn đề lớn nằm ở doanh nghiệp nhỏ và vừa, 25% nhóm này rơi vào tình trạng rất khó khăn trong vòng 1 hoặc 2 tháng tới. Do vậy, dịch bệnh diễn ra, đối với những doanh nghiệp lớn là cơ hội để chiếm thị phần nhưng với doanh nghiệp nhỏ là thách thức rất lớn.
Cuối tháng 4, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI thông báo tiếp quản chuỗi bán lẻ trang sức Thế Giới Kim Cương. DOJI cho rằng việc thâu tóm công ty thuộc top 3 thị trường bán lẻ trang sức tại Việt Nam nâng tổng số các Trung tâm, cửa hàng tập đoàn lên con số gần 200, giúp cho hệ thống bán lẻ trở nên mạnh mẽ, đa dạng hơn. Mặt khác, trong nhiều năm qua, Thế Giới Kim Cương tập trung vào bán lẻ qua kênh phân phối hiện đại, tức là có cửa hàng tại các trung tâm thương mại và siêu thị thay vì mở các cửa hàng riêng biệt bên ngoài.
Trước đó, lãnh đạo Công ty cổ phần TGKC – đơn vị sở hữu chuỗi bán lẻ Thế Giới Kim Cương đã gửi thông báo đến cán bộ công nhân viên về việc đóng cửa toàn bộ hệ thống, nhà máy từ ngày 15/4 do dịch bệnh ập đến bất chợt ảnh hưởng trầm trọng đến hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, mô hình kinh doanh của TGKC phải thâu hàng (mua lại của khách khi có nhu cầu, với giá chiết khấu) nên càng khó khăn về tài chính dẫn đến âm dòng tiền.
Công ty đã xoay sở và tìm nhiều giải pháp để duy trì hoạt động nhưng không có lối ra. Trong giai đoạn cách ly xã hội, công ty thông báo tạm ngừng kinh doanh từ 27/3, ngay cả hết cách ly (22/4) cũng không mở cửa lại cho đến khi DOJI công bố tiếp quản (30/4).
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp lớn nào cũng mạnh dạn chi tiền thâu tóm để bành trướng. Đối thủ của DOJI, Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) tỏ ra thận trọng hơn khi tập trung vào giảm chi phí, tối ưu hóa mạng lưới cửa hàng, tăng cường tiền mặt để phòng ngừa tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đồng thời, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ chia sẻ muốn tận dụng thời điểm này để nâng cao kỹ thuật, nghiên cứu sản xuất sản phẩm chất lượng cao, giảm lượng hàng nhập khẩu.
Tại thời điểm cuối quý I, PNJ tăng gấp 3 lần lượng tiền và tương đương tiền lên hơn 300 tỷ đồng, giảm đáng kể hàng tồn kho từ 7.030 tỷ về 6.589 tỷ đồng.
Không chỉ PNJ, doanh nghiệp vốn nổi tiếng nhiều tiền như Vinamilk (VNM) cũng theo chiến lược hoãn hoặc giãn một số dự án đầu tư tài sản cố định trong nửa đầu năm 2020 để đảm bảo khả năng thanh toán và an toàn tài chính.
Hết quý I, công ty có 14.370 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng ngắn hạn, tăng thêm gần 2.000 tỷ đồng so với đầu năm; 1.380 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, giảm 1.286 tỷ đồng. Trong khi đó, Vinamilk chỉ vay nợ 6.268 tỷ đồng, chủ yếu vay ngắn hạn 6.150 tỷ đồng.
Trong bối cảnh khủng hoảng, các doanh nghiệp lớn có nguồn tiền vững luôn chiếm ưu thế. DOJI cho biết luôn tìm thấy thời cơ trong khủng hoảng. Đơn vị đã từng mua và chiếm cổ phần chi phối tại Công ty SJC Hà Nội và SJC Đà Nẵng giai đoạn 2006-2007 hay năm 2012 đầu tư vào Ngân hàng Tiên Phong (TPBank).
Ngược lại, PNJ và Vinamilk chọn cách giữ tiền có lẽ bởi đây là cơ hội để nhìn lại, ổn định hoạt động sản xuất, tối ưu hóa bộ máy hơn sau nhiều năm theo đuổi chiến lược mở rộng. PNJ trong vòng 3 năm qua đã nâng số lượng cửa hàng từ 219 lên 350 tính đến cuối tháng 3 và Vinamilk trong năm 2019 vừa hoàn tất thương vụ thâu tóm GTNfoods – đơn vị sở hữu thương hiệu Mộc Châu Milk, trà Vinatea…