Được đánh giá là ngành được hưởng lợi nhất, nhưng doanh nghiệp may mặc Việt Nam còn nhiều gập ghềnh, trên con đường đi tìm lợi ích từ EVFTA.
Hiệp định EVFTA sắp có hiệu lực đã tạo động lực kép cho các doanh nghiệp may mặc Việt Nam. Theo đó, nội dung bản cam kết kèm theo là cơ sở thực hiện các điều khoản mở rộng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU, thị trường lớn thứ 2 đối với các sản phẩm của Việt Nam vào thị trường này.
EVFTA được đánh giá sẽ góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào EU tăng nhanh, lên trên khoảng 60% vào năm 2025 so với thời điểm chưa có FTA.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hậu COVID -19, phục hồi nên kinh tế còn chậm chạp trên toàn cầu. Nó không chỉ dừng lại ở vấn đề nguồn nguyên phụ liệu nhập khó khăn mà vấn đề lớn hơn cả đó là sức mua của các thị trường nhập khẩu giảm rất lớn (có thể giảm đến 50% trong mùa đông xuân 2020 - 2021). Vì thế doanh nghiệp may sẽ đối mặt với vấn đề thiếu đơn hàng trầm trọng dẫn đến thiếu việc làm cho công nhân Việt Nam. Thời gian cảnh báo rơi vào thời điểm từ tháng 10 /2020 đến tháng 4/2021.
Mặc dù đa phần các doanh nghiệp (DN) mong đợi đơn hàng sẽ phục hồi ở gia đoạn nửa cuối năm 2020. Song tất cả đều phải phụ thuộc vào sự hồi phục của thị trường kinh tế thế giới.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Dương - CTHĐQT Tổng Công ty CP May Hưng Yên cho biết: Hiệp định EVFTA tuy có hiệu lực từ tháng 8 /2020 nhưng ngành Dệt may Việt Nam chưa được hưởng lợi ngay từ hiệp định này. Thậm chí có một số dòng sản phẩm còn bị tăng thuế cao hơn mức thuế hiện tại, rồi sau đó mới giảm. Còn hầu hết các dòng sản phẩm đều cần đáp ứng yêu cầu xuất xứ "từ vải" mới được hưởng thuế ưu đãi, trong khi đó nguồn nguyên liệu dùng cho may xuất khẩu chủ yếu nhập từ Trung Quốc.
Vì Trung Quốc đang là thị trường cung cấp nguyên liệu cho ngành may Việt Nam với số lượng, chất lượng, giá cả cạnh tranh nhất. Ngành may Việt Nam muốn được hưởng lợi từ hiệp định này thì Chính phủ phải có kế hoạch đầu tư vào ngành Dệt, nhuộm, hoàn tất để từng bước thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Trong điều khoản về quy tắc xuất xứ, nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Hàn Quốc có thể được chấp nhận. Nhưng không khả thi vì giá vải của Hàn Quôc (hầu hết các mặt hàng) cao hơn Trung Quốc khá nhiều.
Với mức thuế được giảm trong 3 năm đầu (vào EU) không đủ bù cho phần chênh lệch về giá vải giữa 2 thị trường này. Vì thế vấn đề tăng lượng vải nhập khẩu từ Hàn Quốc về Việt Nam để xuất khẩu vào châu Âu là không nhiều. Thậm chí rất hiếm các doanh nghiệp thực hiện.
"Hiện tại Tổng công ty May Hưng Yên đang có tỷ lệ xuất khẩu vào châu Âu khoảng 20 % tổng kim ngạch hàng năm (khoảng 15 triệu USD). Sau hiệp định AVFTA cũng khó có thể tăng được tỷ lệ này và số tuyệt đối và chắc chắn sẽ giảm vì sức mua thị trường này đã được thông báo là giảm khá sâu", ông Dương nói.
Đồng quan điểm, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), dự báo nhu cầu khả năng tổng cầu thế giới 2020 của dệt may vẫn giảm 20-25%. Tiến trình hồi phục chậm chạp tỷ lệ thuận với mức độ việc làm của người Mỹ và EU.
"Hoàn cảnh kinh tế, nhận thức, niềm tin và thái độ sẽ là yếu tố chính có vai trò dẫn dắt quá trình phục hồi nhu cầu của người tiêu dùng ở thị trường này", ông Trường đánh giá.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, việc mở rộng được thị trường xuất khẩu sang châu Âu có ý nghĩa rất lớn để thương mại Việt Nam giảm bớt phụ thuộc vào một thị trường.
Tuy nhiên, để tận dụng cần phải chuẩn bị, lên kế hoạch cụ thể và cần nắm rõ các quy định mà EVFTA yêu cầu như tiêu chuẩn sản phẩm, nhu cầu của người tiêu dùng từng thị trường. Các mặt hàng muốn được ưu đãi thuế quan thì nguyên liệu phải đáp ứng được một tỷ lệ hàm lượng nội khối nhất định (tức là nguyên liệu có xuất xứ tại EU hoặc Việt Nam). Đây là một bài toán với các DN Việt Nam hiện nay.
Đưa ra giải pháp về vấn đề này, ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng nhấn mạnh việc thúc đẩy cơ chế xây dựng các khu công nghiệp dệt may có xử lý nước thải hiện đại, để chu trình dệt - nhuộm - may - hoàn tất được đầu tư phát triển, đóng góp vào nguồn cung toàn cầu và giảm bớt phụ thuộc nhập khẩu. Giải được bài toán nguyên liệu thì DN May Việt Nam mới tận dụng được tối đa ưu đãi từ EVFTA và những Hiệp định Thương mại khác.
Bên cạnh đó, một số đại diện DN dệt may cho biết, nguyên tắc để hàng dệt may Việt Nam được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi theo EVFTA yêu cầu vải phải được dệt tại Việt Nam hoặc EU và cắt may tại Việt Nam. Trong khi đó, các DN sản xuất chưa minh bạch được vấn đề về vùng nguyên liệu.
Cho nên EVFTA không chỉ mang lại lợi ích thuế quan cho DN mà nó còn giúp cho ngành May Việt Nam sớm có động lực và cơ sở thực tiễn để phát triển thành một ngành kinh tế bền vững, tự chủ được quy trình sản xuất khép kín.
Đánh giá về khả năng giai đoạn trước mắt, Ông Dương chia sẻ: Muốn đi xa hơn thì trước tiên phải khoẻ, DN cần có "sức khoẻ" để vực dậy ở thị trường nội địa thì mới có thể vươn ra quốc tế. Thời điểm này để phục hồi kinh tế Sau COVID 19 là rất khó khăn. Nhà nước cần làm gì để hỗ trợ các doanh nghiệp?
"Nói lên tiếng nói của DN, tôi mong muốn Nhà nước thực hiện các giải pháp cấp thiết nhăm hỗ trợ DN vào lúc này như; miễn đóng BHXH và kinh phí công đoàn1 - 2 năm cho DN. Cấp tiền hỗ trợ cho lao động mất việc và hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề. Có cơ chế cho vay lãi suất thấp để doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị. Hoãn lại quyết định tăng lương trong năm 2020 và những năm sau; giảm thuế thu nhập DN, Hoãn mọi loại thuế phí trong năm 2020", ông Dương đề xuất.
Có thể bạn quan tâm
15:08, 15/06/2020
05:40, 14/06/2020
04:00, 09/06/2020
16:38, 26/05/2020
06:00, 20/05/2020