Sự cạnh tranh gay gắt với nhiều loại hàng hóa kém chất lượng trên thị trường đã mất lòng tin mất với người tiêu dùng. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất minh bạch thông tin sản phẩm là rất quan trọng.
>>>Nam Định: “Festival Phở 2024” – Đẳng cấp được khẳng định
Cần minh bạch thông tin hàng hóa
Thời gian qua, có nhiều sản phẩm hàng hóa kém chất lượng bán lừa người tiêu dùng bằng cách kinh doanh hàng hóa không đúng xuất xứ, thông tin về sản phẩm, thương hiệu; làm tổn hại đến lòng tin và quyền lợi của người tiêu dùng và do đó cũng trực tiếp làm tổn hại đến giá trị của thương hiệu Việt Nam.
Chị Nguyễn Thúy Hường - TP Nam Định cho biết, chị có thói quen đi siêu thị mua các loại thực phẩm về dùng. Chị cho rằng hàng hóa trong siêu thị luôn có nguồn gốc và được kiểm soát chặt chẽ, dù giá cao hơn chợ truyền thống. Chị Hường cho rằng, hàng hóa ngày nay rất phong phú và đa dạng. Tuy nhiên để người tiêu dùng yên tâm, doanh nghiệp phải làm ăn minh bạch, nhất là thông tin về sản phẩm.
Mới đây, với chủ đề “Thông tin minh bạch, tiêu dùng an toàn”, Ngày Quyền của người tiêu dùng (NTD) Việt Nam năm 2024 được Bộ Công Thương nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thông tin đối với sự an toàn của NTD trong quá trình lựa chọn, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng có nhiều hành vi lừa đảo, xâm phạm quyền lợi NTD trong các giao dịch trên môi trường trực tuyến.
Hưởng ứng Ngày Quyền của NTD Việt Nam năm 2024, Sở Công Thương Nam Định đã xây dựng kế hoạch giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp minh bạch thông tin nhằm bảo vệ quyền lợi NTD, đồng thời thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Theo kế hoạch, các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền NTD Việt Nam năm 2024 được bắt đầu từ mùa mua sắm cuối năm 2023 (tháng 11); tập trung tổ chức trong tháng 3-2024 (tháng cao điểm) và kéo dài trong cả năm 2024, nhất là các khoảng thời gian cao điểm về kinh doanh, tiêu dùng như Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, các mùa mua sắm...
Trên cơ sở đó, Sở Công Thương đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD và các điểm mới của Luật, chủ đề nội dung Ngày Quyền của NTD Việt Nam năm 2024. Kết nối một số sàn giao dịch thương mại điện tử, website thương mại điện tử với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số để triển khai chương trình khuyến mại, tri ân NTD và tổ chức các hoạt động thúc đẩy sự tương tác giữa doanh nghiệp và NTD.
Các huyện, thành phố cũng phối hợp với các đơn vị liên quan lập kế hoạch chi tiết, bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của NTD Việt Nam như: treo băng rôn, khẩu hiệu và thực hiện các hoạt động tuyên truyền tại trụ sở cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trên các tuyến phố và các địa điểm công cộng; tổ chức các sự kiện cộng đồng hướng về NTD gắn với tuyên truyền về Ngày Quyền của NTD Việt Nam…
Cùng với công tác tuyên truyền, các ngành chức năng chủ động hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký chất lượng sản phẩm, áp dụng các quy trình, hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến; đưa sản phẩm hàng hóa lên sàn giao dịch thương mại điện tử giúp công khai minh bạch thông tin về doanh nghiệp, sản phẩm và giúp NTD dễ dàng tiếp cận sản phẩm.
Các ngành chức năng cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi gian lận thương mại, vi phạm quy định pháp luật, bảo vệ hàng hóa và quyền lợi NTD trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về đo lường chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm...
Những đầu năm 2024, các lực lượng chức năng đã liên tiếp xử lý nhiều vụ việc gian lận thương mại bảo vệ quyền lợi NTD. Trong đó, lực lượng Quản lý thị trường đã xây dựng chuyên đề chống gian lận trong kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử và phối hợp với Công an tỉnh triệt phá nhiều vụ việc sai phạm, góp phần quan trọng ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi NTD.
Các doanh nghiệp cũng nhận thức rõ việc bảo vệ quyền lợi NTD là bảo vệ chính mình nên đã chú trọng tổ chức sản xuất, kinh doanh lành mạnh, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ; xây dựng hình ảnh doanh nghiệp.
Chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện trách nhiệm bảo vệ quyền lợi NTD, xử lý nhanh những yêu cầu, khiếu nại của NTD về chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng như chính sách chăm sóc khách hàng. Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng quy trình tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của NTD; công khai đường dây nóng, địa chỉ email chăm sóc khách hàng trên website của doanh nghiệp và của chương trình bảo vệ quyền lợi NTD do ngành Công Thương tổ chức.
Khối các doanh nghiệp ngành cơ khí chuyên sản xuất nông cụ cầm tay, máy chế biến thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã minh bạch thông số kỹ thuật sản phẩm, tổ chức tư vấn, hướng dẫn trực tuyến cho khách hàng cách khắc phục lỗi trong quá trình sản xuất, đảm bảo thuận tiện nhất cho NTD, nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc khách hàng.
Hướng tới môi trường kinh doanh liêm chính
Không chỉ minh bạch về quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm mà xã hội ngày càng yêu cầu cộng đồng doanh nghiệp phải đặt tính liêm chính trong kinh doanh lên hàng đầu.
Theo ông Trần Hoàng Hùng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Hùng Hoàng cho biết, trước đây khi đang từng bước xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp thì gặp phải đối thủ cạnh tranh. cạnh tranh không lành mạnh. Họ làm giả nhãn hiệu công ty với chất lượng thấp, bán rẻ cho người tiêu dùng, khi có sự cố thì khách hàng khiếu nại nên doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian để giải quyết, ổn định thị trường khu vực. .
Theo ông Hùng, kinh doanh minh bạch, lành mạnh là yêu cầu cần thiết của mỗi doanh nhân. Chỉ cần một lần lừa dối khách hàng, lừa dối thị trường thì cơ hội sửa sai là rất khó.
Hiện nay, nhiều Doanh nhân trẻ Nam Định tập hợp đông đảo các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề nên luôn mong muốn các doanh nghiệp đặt liêm chính lên hàng đầu trên con đường xây dựng sự nghiệp.
Theo Sở Công thương: Tiếp nối tháng cao điểm, Sở chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan; UBND các huyện, thành phố; Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của NTD khi mua sắm và trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc minh bạch thông tin sản phẩm hướng tới tiêu dùng an toàn.
Nâng cao trách nhiệm trong việc tiếp nhận, giải quyết phản ánh, kiến nghị có liên quan đến sản phẩm hàng hóa; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để NTD và đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ giải quyết tranh chấp.
Đồng thời, tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm về bảo vệ quyền lợi NTD, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh. Bên cạnh đó, NTD cần có ý thức tự bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình; cẩn trọng trong quá trình lựa chọn, thanh toán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ; mạnh dạn lên tiếng kiến nghị, khiếu nại khi quyền lợi bị xâm hại để tham gia góp phần phát hiện, xử lý và xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh.
Có thể bạn quan tâm