Doanh nghiệp P2P oằn mình giải bài toán “bùng nợ"

NGUYỄN LONG - DIỄM NGỌC 24/09/2020 06:00

Trong thời gian qua, thị trường P2P lending đã phát sinh rất nhiều trường hợp cá nhân vay tiền có tư tưởng vay để “bùng nợ".

Mô hình vay ngang hàng (P2P Lending) hiện đang "nở rộ" với nhiều app cho vay và tiếp cận đông đảo lượng người dùng. Tuy nhiên, trên mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều hội nhóm tổ chức, lôi kéo người dân hình thành tư tưởng “bùng” tiền vay trên app, nhằm chiếm đoạt tài sản, gây hậu quả nghiêm trọng cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp P2P cũng như môi trường kinh doanh Fintech. Phóng viên Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi trò chuyện với ông Trần Việt Vĩnh, nhà sáng lập kiêm CEO của Công ty CP Đổi mới Công nghệ Tài chính Fiin xung quanh vấn đề này.

Ông Trần Việt Vĩnh, nhà sáng lập kiêm CEO Fiin

Ông Trần Việt Vĩnh, nhà sáng lập kiêm CEO Fiin

- Xét trên tình hình thực tế, ông nhận thấy vấn nạn “bùng nợ” diễn ra như thế nào trên các app tín dụng hiện nay?

Xét tình hình thực tế thời gian qua, thị trường P2P lending đã phát sinh rất nhiều trường hợp cá nhân vay tiền có tư tưởng vay để “bùng". Theo khảo sát của chúng tôi, nhóm khách hàng này bây giờ không phải cá biệt, số ít, mà đang lan rộng từng ngày, lên đến hàng chục nghìn thành viên trong các hội nhóm trên mạng xã hội. Họ hướng dẫn nhau cách tạo hồ sơ giả như hộ khẩu, chứng minh thư hay hợp đồng lao động giả để vay hết từ app này đến app khác và tìm cách trốn nợ.

Thị trường P2P đã và đang nhanh chóng nở rộ, được cộng đồng tiếp cận, tuy nhiên, quy định pháp lý còn chưa rõ ràng. Các cá nhân, tổ chức quốc tế cũng nhanh chân gia nhập hòng chiếm lĩnh thị trường P2P Việt Nam. Điển hình là các công ty Trung Quốc được mở ra, cung cấp nhiều app cho vay với cách thức vận hành đơn giản, gần như không thẩm định khách hàng trên app, thậm chí không thực hiện đúng phương thức hoạt động là nền tảng trung gian kết nối giữa người vay và người cho vay để hút khách.

Các đối tượng có tư tưởng "bùng nợ" thường khó nhận biết, nhưng đa số là những người lao động tự do, không có công việc ổn định, đang trong độ tuổi chưa chín chắn và thích hưởng thụ hơn làm việc. Một điểm khó nữa là truy xuất dữ liệu nợ xấu của các cá nhân này rất khó vì họ không có khả năng vay nợ ngân hàng để dẫn đến hồ sơ xấu. 

- Về lâu dài, vấn nạn "bùng nợ" tạo ra hệ luỵ gì đối với các doanh nghiệp P2P nói riêng và thị trường Fintech nói chung, thưa ông?

Các tổ chức tín dụng đen ẩn sau là các công ty P2P Trung Quốc đã và đang áp dụng các chính sách cho vay lãi suất “cắt cổ", lên đến vài trăm, thậm chí cả nghìn phần trăm. Mục đích là lấy lãi suất thật cao để bù đắp vào những rủi ro do các con nợ khó đòi gây ra. Trong lúc thị trường chưa ổn định, các app tín dụng đen trá hình cứ hoạt động tràn lan, rầm rộ làm người dùng có tư tưởng dễ dàng bùng tiền và lôi kéo nhau vi phạm.

Sau hàng loạt chiến dịch truy quét của các cơ quan chức năng, nhiều công ty P2P Trung Quốc đã phải đóng cửa về nước, nhiều tổ chức tín dụng cho vay nặng lãi bị phong toả các hoạt động, dẫn đến hàng trăm ngàn khách hàng “bỗng dưng” được xoá nợ. Tất nhiên, nhiều khoản nợ không lớn, bởi lẽ hoạt động vay tín chấp cho các cá nhân thường thấp, nhưng điều này dễ hình thành “lối mòn" trong tư duy của người đi vay rằng, cứ vay tiền, khi các tổ chức này bị khởi tố, người vay sẽ không phải chịu trách nhiệm với các khoản vay. Nếu quá nhiều người mang tư tưởng chiếm đoạt như vậy, thực sự sẽ làm ảnh hưởng đến các công ty Fintech làm ăn chân chính, nghiêm túc.

Ở góc nhìn thực tế từ Fiin, chúng tôi xây dựng doanh nghiệp hướng tới một nền tảng cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện cho cộng đồng, bắt kịp xu thế toàn cầu về tài chính số. Đồng thời, chúng tôi còn mong muốn dịch vụ tài chính ngày càng công khai, minh bạch, tiếp cận đến nhiều người dân hơn, ở cả vùng sâu vùng xa và còn khó khăn về kinh tế cũng như khả năng tiếp cận công nghệ.

Chính những thực trạng như trên đã khiến các doanh nghiệp như Fiin gặp nhiều khó khăn trong khâu thẩm định khách hàng, các tiêu chuẩn đều cần khắt khe hơn, ranh giới giữa an toàn và không an toàn là vô cùng mỏng manh. Do đó, đôi khi chúng tôi phải từ chối nhiều hồ sơ vay vốn để đảm bảo an toàn cho người đầu tư và kiểm soát tốt rủi ro.

Vấn nạn này đẩy thị trường vào nguy cơ cao hơn về nợ xấu, từ vài nghìn người lên cả chục nghìn người với tốc độ lây lan chóng mặt. Các hội nhóm bùng nợ, tạo ra trào lưu bùng nợ, vay không trả dẫn đến các công ty làm về dịch vụ tài chính sẽ vất vả hơn trong việc giải bài toán này.

Đồng thời, việc tiếp cận tài chính lẽ ra có thể dễ dàng hơn lại trở thành rào cản, khó khăn trong việc mở rộng thị trường. Đúng là công nghệ giúp đưa dịch vụ tài chính đến người dùng dễ dàng hơn, nhưng tư tưởng lừa đảo sẽ khiến công nghệ phải phát triển hơn nữa để kiểm soát những trường hợp trên. 

Không dừng lại ở đó, khi các cơ quan quản lý nhà nước nhìn nhận vào mô hình dịch vụ mà quá nhiều tiêu cực, chứa đựng rủi ro thì sẽ không thể thấy được bức tranh tươi sáng khi thị trường ở quy mô lớn. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần tổ chức các buổi tập huấn, mời chuyên gia từ nước ngoài về chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ những nước đã thành công về Fintech. Tuy nhiên, các vụ “bê bối" về tín dụng nổ ra dẫn đến hoạt động này bị kiểm soát chặt hơn, đặc biệt là khó khăn xét duyệt khi đăng ký kinh doanh mới.

- Ngoài vấn đề kiểm soát rủi ro, các công ty cung cấp ứng dụng P2P có biện pháp gì nhằm thu hồi công nợ đối với những khoản nợ xấu, thưa ông?

Việc nợ xấu là điều tất yếu với các tổ chức tín dụng nói chung, ngay từ khi hình thành doanh nghiệp, tổ chức đã phải đưa vấn đề này vào chiến lược quản trị. Tỷ lệ nợ xấu luôn luôn phải nằm ở phạm vi kiểm soát được.

Việc đầu tiên, dữ liệu đầu vào phải tốt, áp dụng công nghệ cao, big data sàng lọc những đối tượng có dấu hiệu lừa đảo, không đáng tin cậy, không có đủ năng lực và khả năng thanh toán để loại bỏ. Sau đó mới xét đến năng lực tài chính của từng đối tượng để tính hạn mức cho vay phù hợp.

Trong trường hợp rủi ro, công ty sẽ làm việc tại nơi cư trú của khách hàng, nếu khó khăn có thể giãn nợ, tạo chu kỳ mới để họ có thể thực hiện nghĩa vụ trả nợ của mình, không tạo ra áp lực mang tính đe dọa và có những hành vi phản cảm tới khách hàng.

Bên cạnh đó, tuyên truyền hiểu biết pháp luật cho người dân là rất cần thiết, bản chất đây là mối quan hệ dân sự giữa người cho vay và người vay. Khi người vay nảy sinh ý đồ muốn chiếm đoạt tài sản vay của người khác thành của mình là đã vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định. 

- Ông có kiến nghị gì về hành lang pháp lý trong vấn đề vay nợ nói riêng và lĩnh vực P2P nói chung ?

Trong 2 năm qua, các doanh nghiệp như chúng tôi đã có nhiều kiến nghị với Chính phủ về việc xây dựng hành lang pháp lý cho lĩnh vực P2P. Ở góc độ xử lý các đối tượng “bùng" nợ, cần xây dựng chế tài đủ mạnh, có tính răn đe để người dân nâng cao ý thức khi sử dụng các dịch vụ tài chính.

Việc ứng dụng công nghệ còn cần có sự đồng bộ hoá về hạ tầng. Nếu chỉ đơn độc các doanh nghiệp phát triển, nâng cấp về công nghệ thì chưa đủ, bởi lẽ, trong thế giới phẳng, sự kết nối rất quan trọng. Chính phủ có thể xây dựng những cổng thông tin dữ liệu quốc gia về điểm tín dụng của các cá nhân, như trong trường hợp xuất hiện nợ xấu thì sẽ bị ảnh hưởng đến việc sử dụng dịch vụ công cộng, giảm quyền lợi trên nhiều lĩnh vực. Những thông tin này được tổng hợp lại và lưu trữ trong hồ sơ quản lý công dân.

Hiện nay, hệ thống theo dõi thông tin nợ xấu CIC của NHNN đang cung cấp thông tin tín dụng của khách hàng cho các ngân hàng, nhưng các công ty Fintech lại chưa được tham gia. Hệ thống giúp tra cứu dữ liệu quản lý công dân từ thuế, quản lý căn cước công dân, quản lý cư trú, quản lý thuế, người lao động, giúp tiết kiệm nguồn lực cho các doanh nghiệp rất nhiều khi triển khai dịch vụ tài chính số.

Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp P2P

    Doanh nghiệp P2P "dài cổ" ngóng cơ chế thử nghiệm

    06:00, 15/09/2020

  • Từ Zalo Bank lại ngóng pháp lý cho P2P

    Từ Zalo Bank lại ngóng pháp lý cho P2P

    06:00, 01/07/2020

  • App tín dụng đen (Kỳ III): Cần cơ chế thử nghiệm P2P hoàn chỉnh hơn

    App tín dụng đen (Kỳ III): Cần cơ chế thử nghiệm P2P hoàn chỉnh hơn

    06:00, 23/06/2020

  • Cơ chế thử nghiệm Fintech sẽ

    Cơ chế thử nghiệm Fintech sẽ "cởi trói" cho doanh nghiệp P2P

    11:30, 04/06/2020

  • Cấp bách khung pháp lý chop/P2P

    Cấp bách khung pháp lý cho P2P

    11:00, 08/11/2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp P2P oằn mình giải bài toán “bùng nợ"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO