Xuất khẩu hàng hóa qua thị trường ngách không chỉ có doanh nghiệp lớn mà doanh nghiệp nhỏ cũng có cơ hội nên vai trò kết nối của các Tham tán thương mại tại nước ngoài là rất cần thiết.
>>Nâng cao năng lực ứng phó với các cú sốc tương lai cho doanh nghiệp
Một Hội thảo mà nói đúng hơn là cuộc trao đổi bàn tròn giữa Bộ Công Thương - UBND tỉnh Quảng Nam cùng các doanh nghiệp xuất khẩu khu vực miền Trung-Tây Nguyên đã có cuộc trao đổi đầy thiện chí cùng nhau “Khai thác các thị trường tiềm năng và thị trường ngách tại EU với lợi thế từ EVFTA - Kết nối nhà nhập khẩu, phân phối quốc tế” được tổ chức vào sáng hôm qua 15/11 tại Tam Kỳ, Quảng Nam.
Ngay tại cuộc "bắt tay" giữa các vị tham tán thương mại Việt Nam tại các địa bàn Bắc Âu, Đông Âu, Nam Âu; hiệp hội ngành hàng; các nhà nhập khẩu EU, Tập đoàn Walmart; các tổ chức tư vấn cùng trên 100 doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu uy tín đã cùng nhau "bàn tính" làm thế nào để hàng xuất khẩu Việt Nam xâm nhập thị trường đầy tiềm năng nhưng khó tính này.
Với 10 tham luận cùng nhiều ý kiến tại cuộc trao đổi, đại diện các doanh nghiệp và Tham tán thương mại Việt Nam tại một số nước châu Âu (EU) như Thụy Điển, Đan Mạch, Ba Lan, Bồ Đào Nha… đã cung cấp thông tin chuyên sâu về từng thị trường tiềm năng, thị trường ngách tại EU như quy mô thị trường, khả năng cung cầu, tình hình cạnh tranh, thị hiếu tiêu dùng, hệ thống phân phối, logistics...để giúp các nhà sản xuất cũng như xuất khẩu tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên hiểu.
Nhiều vị Tham tán Thương mại các nước đã phân tích chính sách, quy định nhập khẩu hàng hóa và cách thức tiếp cận, thâm nhập từng thị trường, khu vực thị trường cụ thể (Bắc Âu, Đông Âu, Nam Âu). Đặc biệt là những thuận lợi, khó khăn và dư địa tiềm năng của các thị trường ngách EU, từ đó có những tư vấn, khuyến nghị cần thiết cho doanh nghiệp sản xuất cũng như xất khẩu tại khu vực.
Trả lời những băn khoăn của các doanh nghiệp, bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó vụ trưởng Vụ thị trường Châu Âu - Châu Mỹ, Bộ Công Thương khẳng định: EU là đối tác thương mại hành đầu của Việt Nam, thị trường xuất khẩu lớn thứ 3. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 7,5%/năm, chiếm tỷ trọng bình quân 13,6%/năm trong tổng xuất khẩu của cả nước. Năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam - EU tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng rất mạnh, kể cả so với thời kỳ trước đại dịch.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan năm 2021, xuất nhập khẩu Việt Nam - EU đạt 57,01 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 40,1 tỷ USD, tăng 14,2%; nhập khẩu đạt 16,9 tỷ USD, tăng15,3%.
Trong 10 tháng năm 2022, xuất nhập khẩu Việt Nam - EU đạt 52,5 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, xuất khẩu đạt 39,7 tỷ USD, tăng 23,5%; nhập khẩu đạt 12,7 tỷ USD.
Thị trường xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang hầu hết các thị trường trong khối EU. Xuất khẩu dần được đẩy mạnh sang các thị trường nhỏ hơn, thị trường ngách như tại Đông Âu, Nam Âu, Bắc Âu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Hồ Quang Bửu khẳng định, những thông tin Bộ Công Thương và các Tham tán thương mại cung cấp sẽ giúp doanh nghiệp Quảng Nam cũng như doanh nghiệp trong khu vực liên kết, xây dựng sản phẩm xuất khẩu hiệu quả. Bởi như ông Bửu cho rằng: Xuất khẩu hàng hóa qua thị trường ngách không chỉ có doanh nghiệp lớn mà doanh nghiệp nhỏ cũng có cơ hội nên vai trò kết nối của các Tham tán thương mại tại nước ngoài là rất cần thiết.
"Ngay thị trường châu Âu được đánh giá có tiềm năng với một số sản phẩm hàng hóa Quảng Nam. Hiện Quảng Nam có khoảng 9.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, hơn 90% trong số này là doanh nghiệp nhỏ. Năm 2023, UBND tỉnh sẽ giao Sở Công Thương phối hợp Bộ Công Thương tổ chức xúc tiến thương mại đến thị trường Âu - Mỹ nhằm kết nối đưa hàng hóa Quảng Nam vào những thị trường này” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu kỳ vọng.
Tại hội thảo, Đại diện nhiều doanh nghiệp đã có cái "bắt tay" với cầu nối giữa Bộ Công Thương-Tham tán thương mại đã đưa ra nhiều ý kiến đề xuất triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và hỗ trợ doạnh nghiệp tận dụng Hiệp định EVFTA thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang EU.
Các Tham tán thương mại cũng đã chỉ ra những vướng mắc mà doanh nghiệp nghiệp Việt Nam thường hay gặp khi xuất khẩu sang EU. Những lưu ý khuyến nghị cần thiết của cầu nối tham tán thương mại là vô cùng cần thiết khi EU tăng cường áp dụng các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật mới giúp doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tìm kiếm cơ hội giao thương với các nước trong cộng đồng Châu Âu nói riêng và Thế giới nói chung.
Có thể bạn quan tâm