Cộng đồng doanh nghiệp tại Quảng Nam vẫn chưa thật sự phục hồi và đang phải đối mặt với những áp lực như thiếu hụt đơn hàng, chi phí sản xuất tăng cao,...
>>Quảng Nam trao chứng nhận đầu tư cho 16 dự án gần 20.000 tỉ đồng
Đó là thông tin từ UBND tỉnh Quảng Nam tại họp báo thông báo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2024 và nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024 sáng ngày 02/4. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thật sự phục hồi và đang phải đối mặt với những áp lực như thiếu hụt đơn hàng, chi phí sản xuất tăng cao.
Tuy nhiên qua số liệu, so với cùng kỳ năm 2023, số doanh nghiệp thành lập mới tại Quảng Nam có 301 doanh nghiệp với số vốn đăng ký đạt 1.643 tỷ đồng, tăng 2,3% về số doanh nghiệp và giảm 24,7% về số vốn đăng ký. Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là 516 doanh nghiệp, tăng 5,74%.
Bên cạnh đó, tổng số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể và giải thể là 721, tăng 14,26%. Cụ thể, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động 620 doanh nghiệp, tăng 11,71%, có 49 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 36,11% và 52 doanh nghiệp đã giải thể, tăng 30%.
Ông Nguyễn Hưng – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Quảng Nam cho hay tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Quảng Nam quý I/2024 giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2023, mức tăng trưởng âm này có phần cải thiện hơn so với các quý trước nhưng phục hồi chậm. Theo số liệu, trong mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm (VA) khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,2%, VA khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 8,1%, VA khu vực dịch vụ tăng 3,3% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 7,6%.
Quy mô nền kinh tế Quảng Nam đạt trên 26,2 nghìn tỷ đồng (theo giá hiện hành). So với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, Quảng Nam có mức tăng trưởng thấp thứ 3 và xếp vị thứ 29/63 về quy mô GRDP. So với 5 tỉnh kinh tế trọng điểm miền Trung và 14 tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, Quảng Nam thấp nhất về mức tăng trưởng và xếp vị thứ 4/5 tỉnh và 8/14 tỉnh về quy mô nền kinh tế.
Tín hiệu khả quan nhất được đánh giá nằm ở khu vực dịch vụ, trong quý I ghi nhận mức tăng trưởng khá tích cực với VA tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 3 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 18 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1%. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt gần 13 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7%, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 2,8 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% và doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 103 tỷ đồng, tăng 50,5%.
“Công nghiệp xây dựng vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn mặc dù UBND tỉnh và các ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo thúc đẩy sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phục hồi sản xuất ngay từ đầu năm. VA khu vực công nghiệp - xây dựng trong quý I giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2023, đã làm giảm 2,5 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung toàn nền kinh tế. Trong đó, VA ngành công nghiệp giảm 9,8%, làm giảm 2,6 điểm phần trăm và VA ngành xây dựng tăng 1,9%, đóng góp 0,09 điểm phần trăm”, ông Hưng thông tin.
Với công nghiệp, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 3 giảm gần 11% so với cùng thời điểm năm 2023. Tuy nhiên, so với tháng 2 thì hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 3 đã có tín hiệu phục hồi, IPP tăng gần 36,3% và chủ yếu do tác động của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tăng 40,91%.
Theo đó, Chỉ số sản xuất công nghiệp trong quý I giảm 5,2% so với cùng kỳ. Đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số tiêu thụ toàn đến cuối tháng 03 giảm 17,0% và chỉ số tồn kho tăng 2,9 lần. Tuy nhiên, riêng sản xuất xe có động cơ có chỉ số tiêu thụ tăng 9,7% và chỉ số tồn kho giảm mạnh 53,4%.
Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới, tỉnh Quảng Nam sẽ tích cực nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó, chú trọng xử lý, tháo gỡ các vướng mắc một cách cụ thể, thiết thực, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là những ngành kinh tế chủ lực của tỉnh vượt qua giai đoạn khó khăn, sớm phục hồi sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, Quảng Nam sẽ hướng dẫn, giải quyết kịp thời các thủ tục cho các nhà đầu tư để triển khai dự án, nhất là các dự án được trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/Thỏa thuận nghiên cứu địa điểm đầu tư tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh vào ngày 16/3/2024. Song song với đó là tăng cường xúc tiến, mở rộng tìm kiếm thị trường, thu hút các dự án FDI, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm OCOP.
Có thể bạn quan tâm