Trước hiện trạng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường nhiều hơn số doanh nghiệp thành lập mới, chuyên gia cho rằng, đã đến lúc các cơ quan quản lý cần xem lại việc hoạch định chính sách…
>> Vẫn còn tư duy cũ trong hoạt động hoạch định chính sách
Theo đó, Tổng cục Thống kê vừa công bố về số liệu doanh nghiệp 3 tháng đầu năm 2023. Điều đáng chú ý, lần đầu tiên trong các quý I từ trước tới nay, số doanh nghiệp đóng cửa, rút lui khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường…
Cụ thể, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong quý I/2023 giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2022 (56.946 doanh nghiệp). Trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới trong quý I/2023 là 33.905 doanh nghiệp, giảm 2%, số vốn đăng ký thành lập cũng giảm 34,1% so với cùng kỳ năm 2022. Số doanh nghiệp tái hoạt động trong quý là 23.041 doanh nghiệp, cũng giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022.
Ở chiều ngược lại, trong quý I/2023 có 60.241 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, chiếm 71,7% là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn. Cụ thể, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 42.858 doanh nghiệp, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2022; số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 12.766 doanh nghiệp, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2022; và số doanh nghiệp giải thể là 4.617 doanh nghiệp, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Những số liệu đã nêu cho thấy, đây là hiện tượng đi ngược xu hướng thời gian qua, nhất là khi ở quý I hàng năm số doanh nghiệp thành lập mới và tái hoạt động luôn cao hơn số doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
>> Hoạch định chính sách cần thêm yếu tố “bình tĩnh”
Đánh giá về hiện trạng đã nêu, TS Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) cho rằng, những con số này đang đi ngược với xu hướng thông thường và đáng phải lo ngại.
Theo bà Thảo, thông thường, doanh nghiệp thành lập mới bao giờ cũng nhiều hơn doanh nghiệp tạm dừng đóng cửa khoảng 1,7 – 1,9 lần tùy từng giai đoạn. Tuy nhiên, trong quý I/2023 lại chứng minh điều ngược lại. Đây là điều bất thường, điều này cho thấy rủi ro và thách thức đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp rất lớn.
“Có 2 yếu tố dẫn đến hiện tượng này. Yếu tố thứ nhất là các tác động bên ngoài, như xung đột địa chính trị, lạm phát toàn cầu, hay nhu cầu tiêu cầu tiêu dùng toàn cầu sụt giảm,... Yếu tố thứ hai đến từ nội lực của doanh nghiệp, hay các thể chế chính sách cũng đang có những bất cập dẫn tới sụt giảm niềm tin của doanh nghiệp, tình trạng rất nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động”, bà Thảo phân tích.
Cũng theo bà Thảo, đây là một trong những chỉ dấu có tính cảnh báo giúp cho các cơ quan hoạch định chính sách phải có sự thận trọng hơn trong việc đưa ra chính sách, để chính sách đảm bảo thông thoáng, minh bạch, rõ ràng, củng cố lại niềm tin cho doanh nghiệp.
Đồng thời cho rằng, Việt Nam thường có sự ưu ái hơn trong hành động, mặc dù nền pháp lý của chúng ta không có sự phân biệt nhưng trong hành động luôn có xu hướng quan tâm hơn và mong muốn giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp nước ngoài kịp thời hơn so với các doanh nghiệp trong nước. Khi chúng ta chưa quan tâm đến doanh nghiệp trong nước thì chúng ta không thể củng cố được nội lực.
“Đây chính là một câu chuyện, một bài học để các bộ, ngành địa phương cần phải chú trọng hơn, biết lắng nghe hơn và giải quyết các vấn đề cụ thể của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong nước”, TS Nguyễn Minh Thảo nhấn mạnh.
Còn theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, nhiều cơ quan chức năng dường như không tương tác với doanh nghiệp, khiến cho họ đã khó lại gặp khó. Một trong những vấn đề nan giải đó là cách thực thi chậm, quy trình, thủ tục phức tạp. Có tình huống rất nhiều quy trình thủ tục của doanh nghiệp gửi hồ sơ không biết đang nằm ở đâu, đến khâu nào và đang trong tình trạng đợi.
“Có cảm giác nhiều cơ quan chức năng dường như đang không có sự hoạt động tương tác với doanh nghiệp. Khó khăn này không hề nhỏ vì doanh nghiệp hoạt động phụ thuộc khá nhiều vào khung pháp lý và sự tương tác với các cơ quan chức năng”, bà Thủy nhấn mạnh.
Bà Thủy cho rằng, sau đại dịch COVID-19, có những xu hướng mới đang bộc lộ trong diễn biến và phát triển kinh tế. Doanh nghiệp Việt Nam đang khá lúng túng để đối mặt với yêu cầu mới của thị trường.
“Doanh nghiệp đang thiếu hụt về mặt thông tin với thị trường bên ngoài. Kể cả khi biết trước được thông tin nhưng thực thi hạn chế vì vẫn còn thiếu hụt hướng dẫn về biện pháp kỹ thuật ở trong nước cũng như những trợ lực để doanh nghiệp có thể đi theo được những xu hướng mới này”, bà Thủy cho hay.
Thực tế, chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần thứ 2 mới đây, một số ý kiến cũng cho rằng, một trong những vướng mắc lớn của các doanh nghiệp hiện nay là phải chịu rất nhiều áp lực bởi các quy định thiếu đồng bộ, thống nhất. Các quy định thay đổi thường xuyên và chồng chéo khiến doanh nghiệp muốn hoạt động ổn định cũng rất khó. Chẳng hạn, chỉ một quy định kiểm soát chặt về vấn đề phòng cháy, chữa cháy nhưng khiến cho hàng loạt doanh nghiệp nhiều lĩnh vực điêu đứng, thậm chí ngừng hoạt động thời gian qua. Nếu thực trạng này vẫn tiếp diễn, doanh nghiệp sẽ đối diện với nguy cơ ngày càng “teo tóp”.
Có thể bạn quan tâm
Cần hoàn thiện chính sách để phát triển thị trường carbon
04:50, 14/03/2023
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Rà soát hoàn thiện chính sách đối với hoạt động chữ thập đỏ
21:43, 09/03/2023
NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO: Hoàn thiện chính sách để phát triển bền vững
14:22, 06/01/2023
Hoàn thiện chính sách phát triển KCN sinh thái
07:22, 25/08/2022
“Nền tảng” quan trọng hoàn thiện chính sách đất đai
00:25, 24/07/2022