HSBC dự đoán tổng đầu tư từ các doanh nghiệp tại Singapore vào thị trường ASEAN đến năm 2020 được kỳ vọng sẽ tăng, trong đó Việt Nam là một trong những thị trường chính.
Kế hoạch mở rộng thị trường của doanh nghiệp Singapore.
Khảo sát do Liên đoàn Doanh nghiệp Singpore thực hiện theo ủy quyền của HSBC tìm hiểu về nhận định của 1.036 doanh nghiệp tại Singapore về kế hoạch của họ đối với việc mở rộng hoạt động ra nước ngoài. Kết quả khảo sát cho thấy, 86% doanh nghiệp trong diện khảo sát là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) với doanh thu hàng năm ở mức 100 triệu SGD hoặc có ít hơn 200 nhân viên. Các doanh nghiệp này có kỳ vọng mở rộng hoạt động ra thị trường quốc tế, và Việt Nam là điểm đến thu hút đối với các doanh nghiệp này.
Trong số các doanh nghiệp được phỏng vấn, 76% cho biết họ đã hoạt động tại thị trường Việt Nam, và 30% kỳ vọng mở rộng hoạt động hơn nữa tại thị trường này trong hai năm tới.
Hoạt động đầu tư và thương mại tăng cao từ Singapore là tín hiệu tốt đối với Việt Nam do Singapore vốn đã là một trong những thị trường mang lại nguồn vốn đầu tư cao nhất vào thị trường Việt Nam. Vào năm 2016, Singapore mang lại nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cao thứ ba, chiếm 10% tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt mức 2,41 tỷ USD. Năm 2017, theo Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam, Singapore đầu tư hơn 41 tỷ đô la Singapore vào Việt Nam, chỉ đứng sau Hàn Quốc và Nhật Bản.
Có thể bạn quan tâm
04:10, 31/05/2018
09:13, 08/06/2018
06:00, 27/04/2018
11:37, 26/04/2018
Thị trường tiêu dùng đang tăng trưởng và môi trường đầu tư cải thiện của Việt Nam là những yếu tố chính dẫn đến các kế hoạch mở rộng đầu tư này của doanh nghiệp Singapore.
Ông Winfield Wong, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp, HSBC Việt Nam nhận định: “Trong khi các doanh nghiệp Singapore đánh giá cao đà tăng trưởng của thị trường tiêu dùng tại Việt Nam, báo cáo cho thấy nhiều doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội tiếp tục mở rộng hoạt động tại thị trường này trước những tiềm năng kinh tế có được từ sự thay đổi nhân khẩu học”.
Cũng theo ông Wong, ngoài lĩnh vực tiêu dùng, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam – vốn đã có thế mạnh – hiện đang phát triển ở một tầm cao hơn. Do đó, trong khi nhiều công ty đặt trụ sở và khối văn phòng hỗ trợ tại Singapore, nhiều hoạt động tạo ra lợi nhuận hiện đang được vận hành tại Việt Nam. Xu hướng này được kỳ vọng phát triển hơn nữa khi thị trường Việt Nam ngày càng tăng trưởng về chuỗi giá trị và cung ứng.
Một số rào cản khi doanh nghiệp Singapore muốn mở rộng hoạt động ra ASEAN
HSBC cho rằng, ngoài sự quan tâm đối với việc mở rộng thị trường ra khu vực ASEAN, các doanh nghiệp trong diện khảo sát còn thể hiện sự lo ngại đối với một số rào cản họ phải đối mặt khi thâm nhập thị trường trong khu vực, bao gồm các điều kiện kinh tế và chính trị không ổn định trong khu vực ASEAN, thiếu hụt thông tin về cơ hội thị trường cũng như về yêu cầu của khách hàng và khó khăn trong việccó được giấy phép hoạt động.
Mặc dù có sự lạc quan tích cực về Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hội nhập kinh tế khu vực ASEAN và những lợi ích từ các hiệp định tự do thương mại trong ASEAN (FTAs), việc thiếu hụt thông tin về những hiệp định này là một rào cản lớn đối với các doanh nghiệp khi họ muốn tận dụng lợi thế từ các hiệp định.
Hầu hết các DNVVN có trụ sở tại Singapore đang thâm nhập hoặc mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam đều đang hoặc sẽ tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Việt Nam. Khảo sát cho thấy hơn 63% doanh nghiệp được khảo sát có một nhà phân phối hoặc một đối tác liên doanh tại Việt Nam.
“Các DNVVN tại Singapore có thể có những đóng góp đáng kể vào kinh tế Việt Nam, họ đang tìm kiếm cơ hội mở rộng hoạt động ra ngoài phạm vi thị trường trong nước và có thể tận dụng được lợi ích từ các hoạt động giao thương trong khu vực, điều mà trước đây được xem là thế mạnh của các doanh nghiệp lớn”, ông Winfield Wong cho biết thêm.
Tuy nhiên, ông Wong cũng cho rằng, tham gia hay mở rộng hoạt động tại bất kỳ thị trường nào không phải là một quá trình đơn giản với con đường thẳng tắp và khó khăn thử thách có thể xảy ra trong suốt quá trình này là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt đối với các DNVVN.
Bởi lẽ, những DNVVN thường không đủ nguồn lực và sự am hiểu để có thể hoạt động hiệu quả trong một môi trường văn hóa kinh doanh và chính trị khác biệt tại các quốc gia láng giềng.
“Hầu hết doanh nghiệp Singapore đều hiểu được công thức của sự thành công khi vươn ra hoạt động ở nước ngoài thường bao gồm việc chọn lựa một đối tác hoặc nhà tư vấn phù hợp. Điều này mang đến nhiều cơ hội hợp tác cho các DNVVN tại Việt Nam và việc hình thành các mối quan hệ đối tác ngày nay còn diễn ra ở một tốc độ nhanh hơn”.
Do đó, để có thể nắm bắt trọn vẹn các cơ hội đầu tư này, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động kết nối với mạng lưới các thị trường quốc tế, tiếp cận các DNVVN tại Singapore đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh khi họ vừa vào thị trường, ông Wong nhấn mạnh.