Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long sẽ tiếp tục được thuê đất để thực hiện Dự án xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Sông Khoai theo hình thức thuê đất trả tiền hàng năm.
>>>Quảng Ninh: Không để xảy ra điểm nóng và vụ việc nổi cộm buôn lậu trên địa bàn
>>>Quảng Ninh: Quyết tâm đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế từ “nâu” sang “xanh”
Theo đó, tỉnh Quảng Ninh vừa có quyết định về việc chuyển mục đích sử dụng đất, cho Công ty cổ phẩn Đô thị Amata Hạ Long thuê đất (đợt 2 - giai đoạn 2) để thực hiện Dự án xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Sông Khoai.
Cụ thể, Công ty cổ phần Đô thị Amata Hạ Long sẽ tiếp tục được thuê hơn 371.528 m2 đất (trong đó có hơn 344.922 m2 đất công nghiệp) để thực hiện dự án tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh theo hình thức thuê đất trả tiền hàng năm. Thời hạn sử dụng đất kể từ ngày có quyết định thuê đất đến ngày 29/3/2068.
Theo đại diện UBND tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức bàn giao đất tại thực địa cho Công ty cổ phần Đô thị Amata Hạ Long, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai, theo dõi và chỉnh lý hồ sơ địa chính theo quy định của pháp luật hiện hành.
Về phía UBND thị xã Quảng Yên, UBND xã Sông Khoai sẽ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, môi trường... theo quy định; giám sát, đôn đốc Công ty cổ phần Đô thị Amata Hạ Long triển khai thực hiện Dự án theo đúng quy hoạch, tiến độ và chủ trương đầu tư đã được phê duyệt và kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm. Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long khẩn trương thực hiện xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch.
Theo tìm hiểu của Diễn đàn Doanh nghiệp, dự án đầu tư, kinh doanh hạ tầng KCN Sông Khoai, do Công ty cổ phần Đô thị Amata Hạ Long (thuộc Tập đoàn Amata) làm chủ đầu tư, được phân kỳ thành 5 giai đoạn với tổng diện tích 714 ha, tổng mức đầu tư trên 3.500 tỷ đồng. Ngay sau khi được tỉnh Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2018, Tập đoàn Amata (Thái Lan) đã khẩn trương triển khai đầu tư KCN Sông Khoai theo đúng nội dung đã được cam kết.
Đến nay, KCN Sông Khoai được tỉnh Quảng Ninh xác định là một trong những KCN trọng điểm, chiến lượng về phát triển công nghiệp công nghệ cao, chế biến chế tạo. Đây cũng là KCN được nhiều nhà đầu tư thứ cấp quan tâm nghiên cứu, đầu tư.
Hiện KCN Sông Khoai đã thực hiện thi công san lấp diện tích 116,5 ha; hoàn thành 2 làn đường gom với chiều dài 1,5 km thuộc đường trục chính Đông - Tây, tuyến đường trục chính còn lại dài 4,5 km đang tiếp tục thực hiện đầu tư. Chủ đầu tư cũng đã hoàn thiện, đóng điện trạm biến áp 110 kV, đưa vào sử dụng trạm cấp nước và trạm xử lý nước thải... đảm bảo việc cung cấp điện, nước và xử lý nước thải cho các nhà đầu tư thứ cấp.
Giai đoạn I của KCN Sông Khoai đã cơ bản được lấp đầy bởi 3 dự án của Tập đoàn Jinko Solar đến từ Hồng Kông với tổng mức đầu tư là 1,1 tỷ USD. Nối tiếp nhà đầu tư lớn Jinko Solar, KCN Sông Khoai đến nay đã đón được 7 nhà đầu tư mới, như Autoliv, Samsong Vina, Castem, Renli... Tổng mức đầu tư vào KCN Sông Khoai đến nay đạt hơn 1,7 tỷ USD. Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ thu hút được thêm 600 triệu USD nữa từ các nhà đầu tư thứ cấp. Các dự án thứ cấp mà Tập đoàn Amata thu thú hút được vào KCN Sông Khoai đều thuộc lĩnh vực công nghệ chế biến - chế tạo, công nghiệp phụ trợ, theo đúng định hướng thu hút của Quảng Ninh.
Theo đại diện Công ty cổ phần Đô thị Amata Hạ Long, phía doanh nghiệp luôn nhất quán với định hướng áp dụng công nghệ hiện đại, chọn lọc thu hút ngành nghề đầu tư công nghệ cao, xanh sạch vào KCN. Đặc biệt, phía doanh nghiệp sẽ chú trọng cung cấp dịch vụ tốt nhất cho nhà đầu tư và hạn chế ảnh hưởng đến môi trường.
Còn theo đại diện Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam, KCN Sông Khoai có những điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, chính sách thu hút đầu tư, tiềm năng, thế mạnh, hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển của Tập đoàn. Để đưa ra lựa chọn này, trước đó, phía doanh nghiệp cũng đã khảo sát hơn 20 KCN ở các tỉnh, thành khác nhau.
Được biết, liên quan đến thu hút đầu tư vào các KKT, KCN của tỉnh Quảng Ninh, hiện các KKT, KCN này có 118 dự án trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt trên 160.000 tỷ đồng. Trong đó, có 82 dự án có vốn FDI với tổng vốn đăng ký hơn 4,2 tỷ USD (tương đương hơn 100.000 tỷ đồng), 36 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư là gần 57.000 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp hoạt động tại các KKT, KCN tuy có số lượng không nhiều nhưng hầu hết đều là các doanh nghiệp đầu tư có đóng góp lớn trong GRDP của tỉnh Quảng Ninh. Cụ thể, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 01 về phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến chế tạo giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, đến nay, các dự án trong KKT, KCN đã đóng góp gần 2.900 tỷ đồng vào ngân sách.
Riêng đối với KCN Sông Khoai, hiện Amata Hạ Long cùng Tập đoàn Amata đang đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư tại các thị trường như Nhật Bản, Hong Kong, Đài Loan...; tham gia chương trình xúc tiến đầu tư của tỉnh Quảng Ninh và các hiệp hội kinh tế thương mại của các quốc gia. Mục tiêu của nhà đầu tư là có thể thu hút được các dự án thứ cấp chất lượng, có hàm lượng công nghệ cao đầu tư vào KCN Sông Khoai, tham gia và đóng góp cao vào chuỗi giá trị sản xuất của KKT ven biển Quảng Yên và của tỉnh Quảng Ninh.
Có thể bạn quan tâm