DOANH NGHIỆP “THIẾU MÁU” VÌ TỒN KHO: Ngân hàng có thể hóa giải?

LÊ MỸ 19/07/2020 04:00

Việc tiếp vốn tín dụng cho các doanh nghiệp kẹt hàng tồn kho, là một trong những hướng “giải cứu” nhiều doanh nghiệp khỏi nguy cơ phá sản.

Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tồn kho tới 104,7%

Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tồn kho tới 104,7%

COVID-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng cả ở đầu vào (hàng hóa, nguyên liệu) lẫn đầu ra (tiêu thụ nội địa & xuất khẩu). Sự tham gia của hệ thống tín dụng trong nỗ lực giãn nợ, giảm lãi, khoanh nợ…góp sức cho các doanh nghiệp cầm cự qua dịch và bứt lên khi COVID-19 ở Việt Nam đang được kiểm soát sớm, hiệu quả.

“Chuẩn chung” cho giải cứu

Dù vậy, số doanh nghiệp khó khăn vẫn còn rất lớn do việc khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng chưa tạo “điểm vá” chắc chắn mà chỉ mang tính tạm thời. Ths. Tài chính Nguyễn Lê Ngọc Hoàn nhận định về trung hạn (6 tháng trở lên), đầu vào hàng hóa nguyên liệu ở một số các thị trường vẫn còn là nút thắt. Trong khi đó, đáng quan ngại phía đầu ra, các thị trường trọng điểm nhập khẩu hàng Việt Nam như Mỹ, Châu Âu… vẫn còn “căng thẳng” với COVID-19.

Thực tế, nhiều ngân hàng đã từng cho doanh nghiệp thế chấp hàng tồn kho để vay vốn. Tuy nhiên sau đó đã xảy ra không ít vụ việc doanh nghiệp khai khống giá trị, thậm chí là đánh tráo hàng tồn kho, gây thiệt hại không nhỏ khiến các ngân hàng mất niềm tin.

“Vòng quay hàng tồn kho của doanh nghiệp càng thấp, số ngày hàng tồn kho bình quân càng tăng cao, doanh nghiệp càng gặp khó khăn với chi phí tồn kho tăng. Trong đó, chi phí vốn là lớn nhất. Nếu chi phí vốn đầu tư tồn kho là vốn vay, thì tỷ suất sinh lời càng eo hẹp, phí tổn cơ hội về vốn càng lớn.

Khó khăn của các doanh nghiệp da giày, một bộ phận dệt may (do lĩnh vực này có sự dịch chuyển đơn hàng nhất định sang sản xuất áo quần bảo hộ, khẩu trang) và kể cả nhóm thủy hải sản đông lạnh…hiện nay là những ví dụ”, ông Hoàn nói.

Các ngân hàng có thể làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp lúc này, từ “chuẩn chung” của Thông tư 01/2020 đến sự linh hoạt phù hợp với đặc thù của từng đơn vị kinh doanh?

Câu trả lời là chuẩn chung đã có – ngành ngân hàng đã tiến hành giải ngân vốn với lãi suất thấp, góp phần hỗ trợ thanh khoản để doanh nghiệp sống sót qua mùa dịch. Việc cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm lãi, phí, khoanh nợ… cũng là cách để “tân trang” nợ cũ, giảm bớt áp lực chi phí tài chính với nguy cơ trở thành nợ “xấu” của nợ mới, giúp doanh nghiệp dễ thở hơn và có điều kiện phục hồi.

Đến “chuẩn riêng” của từng ngân hàng

Song các chuẩn chung không thể áp dụng chung cho tất cả, càng không thể “giải cứu” hết mọi doanh nghiệp hoặc “quá tay” làm méo mó chất lượng tín dụng. Dù rằng với nhiều ngân hàng, “chuẩn riêng” linh hoạt cũng đã được đặt ra nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, xưa nay là khách hàng có quan hệ tín dụng gắn bó và đủ điều kiện để ngân hàng hỗ trợ dựa trên định mức tín nhiệm cũ.

Lãnh đạo một tổ chức tín dụng chia sẻ: Trong bối cảnh đặc thù, sẽ có những chính sách đặc thù. Nhưng ngay cả những tổ chức doanh nghiệp có hạn mức tín dụng được ngân hàng “dành” sẵn lớn, thì vào lúc này, dư địa để được hỗ trợ thêm của ngân hàng đối với họ cũng đã khá hẹp.

Ông này nói rằng tại ngân hàng ông đang là Chủ tịch, hầu hết các doanh nghiệp này đều đã phát sinh dư nợ ngắn, trung, dài hạn từ năm trước đến năm nay.

Trong hạn mức cho năm tài khóa 2020, một phần cũng được ngân hàng thực hiện tiếp vốn giải ngân (khoanh nợ cũ, vay mới) ở những tháng đầu năm 2020. Và đó là nguồn vốn đủ giúp doanh nghiệp cầm cự qua giai đoạn căng thẳng bởi dịch. Còn nay, nếu doanh nghiệp tồn hàng lớn, không chứng minh được có đơn hàng mà muốn vay thêm, thì ngân hàng dù quan hệ tốt đến đâu cũng…bất khả kháng.

“Nhưng phải nói thẳng ra rằng khi tồn kho đã tới hạn không giải phóng, không có đầu ra, doanh nghiệp cũng không gõ cửa ngân hàng vay thêm làm gì ngoại trừ muốn đàm phá hạ lãi vay, giãn thời gian trả nợ”, vị này cho biết.

Để giảm thiểu rủi ro, các chuyên gia cho rằng ngân hàng cần phân loại hàng hóa tồn kho để đưa ra tỷ lệ cấp tín dụng hợp lý. Đặc biệt, ngân hàng phải có bộ phận chuyên trách có khả năng thẩm định giá trị hàng tồn kho, hoặc thuê đơn vị thẩm định độc lập. Về dài hạn Việt Nam cần sớm thành lập sàn giao dịch hàng tồn kho để tăng thêm tính thanh khoản cho loại tài sản này và ngân hàng cũng cởi mở hơn trong việc cho vay thế chấp bằng hàng tồn kho. 

Khơi thông thị trường

Linh hoạt tìm các thị trường tiêu thụ và chuyển đổi gấp là hướng đi mà nhiều doanh nghiệp đang cố gắng để tự khơi thông đầu ra cho mình.

Một doanh nghiệp xuất khẩu cho biết trong cao điểm của châu Âu, để đáp ứng bạn hàng, ông đã “bổ sung” danh mục xuất khẩu khẩu trang và phải “chiến đấu” với các quy định để hàng hóa được thông quan. Công ty ông cũng đẩy mạnh tăng cường bán hàng online và thậm chí chủ động nhảy vào “sân chơi” livestream mỗi ngày, mỗi nhân viên trở thành streamer “thứ thiệt” để bán nội địa. Nhờ đó, công ty vẫn đẩy nhanh số ngày hàng tồn kho bình quân thuyết phục được ngân hàng tiếp thêm vốn từ gói vay chuyên biệt dành cho tiêu dùng, lãi suất thấp.

Tương tự, để thuyết phục người mua nội địa, ông Phạm Minh Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Cỏ May cho biết đã tìm hiểu và đưa ra các sản phấm như cá cắt khúc, phi lê, cá còn da…nhằm phù hợp khẩu vị các bà các chị em nội trợ trong nước. Đây cũng là phương cách linh hoạt mà nhiều doanh nghiêp từ từ tháo nghẽn hàng tồn kho và “có chuyện” để đàm phán lại với ngân hàng.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, phát triển các gói tín dụng chuyên biệt có tính tài trợ hàng tồn kho, cho vay hỗ trợ xuất khẩu nhanh đang là phương thức giải vốn phù hợp của ngân hàng, vừa giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay “trong chuẩn” và linh hoạt. Tuy nhiên, bài toán giải phóng hàng tồn khó, tháo mọi điểm nghẽn”, không phải là chuyện một sớm một chiều hay chỉ cần dựa vào lực đẩy tín dụng. Chỉ khi thị trường hấp thụ được hàng hóa, mọi điểm nghẽn mới có thể được khơi thông.

Các chuyên gia cho rằng với thực trạng hiện nay, để tiếp tục tiếp sức cho doanh nghiệp cầm cự, thì những đơn vị nào suy yếu dòng tiền, không chứng minh được khả năng trả nợ ngắn hạn, vẫn khó thể tiếp cận được vốn vay. Doanh nghiệp cần được ngân hàng tính toán linh hoạt và nhanh hơn nữa để có các gói cứu trợ với tiêu chuẩn dễ dàng hơn, thời gian vay chưa trả lãi ngay được kéo dài hơn.

Và để nhà băng “dễ người dễ ta”mà không để lại hậu quả nợ xấu lớn trong tương lai, lại cần Nhà nước lên phương án dựa trên cơ sở thống kê, tính toán chi li, có chính sách hỗ trợ “đầu nguồn” đối với các tổ chức.

Có thể bạn quan tâm

  • DOANH NGHIỆP “THIẾU MÁU” VÌ TỒN KHO: Tăng sức cầu nội địa

    DOANH NGHIỆP “THIẾU MÁU” VÌ TỒN KHO: Tăng sức cầu nội địa

    05:42, 18/07/2020

  • DOANH NGHIỆPp/“THIẾU MÁU” VÌ TỒN KHO: Ngân hàng có thể hóa giải?

    DOANH NGHIỆP “THIẾU MÁU” VÌ TỒN KHO: Ngân hàng có thể hóa giải?

    21:49, 15/07/2020

  • Cho vay thế chấp bằng hàng tồn kho

    Cho vay thế chấp bằng hàng tồn kho

    11:30, 01/07/2020

  • Thị trường ô tô và nỗi lo tồn kho

    Thị trường ô tô và nỗi lo tồn kho

    04:00, 12/06/2020

  • Chủ tịch Hiệp hội hàng Việt Nam chất lượng cao:

    Chủ tịch Hiệp hội hàng Việt Nam chất lượng cao: "Lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp đang rất lớn"

    10:00, 04/04/2020

  • Ô tô tồn kho nhiều vô kể, đẩy hàng cũ ế, ém xe đời 2020

    Ô tô tồn kho nhiều vô kể, đẩy hàng cũ ế, ém xe đời 2020

    14:47, 02/01/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
DOANH NGHIỆP “THIẾU MÁU” VÌ TỒN KHO: Ngân hàng có thể hóa giải?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO