Phục hồi môi trường sau khai thác là nội dung bắt buộc khi xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các dự án khai thác khoáng sản nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện đúng.
Có rất nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản đã lặng lẽ rút lui sau khi khai thác hết tài nguyên, bỏ lại khai trường không thể phục hồi. Trong khi đó, người dân khu vực các mỏ đã khai thác vẫn đang phải chịu rất nhiều hệ lụy do ô nhiễm cùng những thiệt hại về tài sản bởi sự vô trách nhiệm của các doanh nghiệp.
Hết khoáng sản, "quên" hoàn thổ
Tại kỳ họp thứ 16, HĐND TP Hải Phòng khoá 15, cử tri huyện Thuỷ Nguyên có kiến nghị, trên địa bàn xã Lại Xuân có Công ty CP Thương mại Minh Phương khai thác khoáng sản tại khu vực núi Kẹm 2 và Công ty Vật liệu xây dựng số 9 khai thác đá tại khu vực núi Đá Mát đã hết giấy phép khai thác từ lâu. Tuy nhiên 2 công ty này vẫn chưa làm thủ tục đóng cửa mỏ. Đồng thời, đề nghị thành phố thu hồi giấy phép, đóng cửa mỏ của các công ty và bàn giao mặt bằng cho địa phương để thực hiện các công trình công cộng.
Được biết, Công ty CP Thương mại và Xây dựng Minh Phương, được UBND thành phố cấp Giấy phép khai thác khoáng sản sét, đất núi tại khu vực núi Kẹm 2, xã Lại Xuân, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với thời hạn 3 năm từ ngày 22/11/2011 đến hết ngày 22/11/2014.
Công ty CP Vật liệu xây dựng số 9 Hải Phòng được UBND thành phố đã cấp Giấy phép khai thác khoáng sản đất làm vật liệu xây dựng thông thường tại núi Hàn, Vang, Mát, xã Lại Xuân với thời hạn 3 năm từ ngày 28/6/2007 đến hết ngày 28/6/2010. Ngày 25/4/2019, UBND thành phố có Quyết định số 984/QĐUBND chấm dứt hiệu lực đối với Giấy phép khai thác khoáng sản của hai công ty này.
Theo báo cáo của Cục Thuế thành phố, Công an thành phố và UBND huyện Thủy Nguyên, các công ty này đã ngừng hoạt động và di chuyển phương tiện ra khỏi khu vực khai thác khoáng sản.
Liên quan đến đề nghị của người dân, UBND TP Hải Phòng đã có văn bản số 1326/UBND-KS ngày 4/3/2021, giao Sở TNMT thực hiện việc thu hồi đất, giao UBND huyện Thủy Nguyên căn cứ quy hoạch sử dụng đất đề xuất phương án sử dụng đất sau khi thu hồi. Hiện, Sở TNMT đang cùng các cơ quan liên quan và UBND huyện Thủy Nguyên kiểm tra, hoàn thiện hồ sơ theo quy định để thu hồi diện tích đất trên theo chỉ đạo của UBND thành phố.
Về việc đóng cửa mỏ khoáng sản, UBND Hải Phòng giao Sở TNMT nghiên cứu, đề xuất, báo cáo UBND thành phố.
Hiện, trên địa bàn TP Hải Phòng còn 10 mỏ khai thác đã hết hạn theo giấy phép nhưng doanh nghiệp chưa hoàn tất việc đóng cửa mỏ. Trong đó có cả những doanh nghiệp đã giải thể, không đủ năng lực hoàn thiện các dự án, hạng mục theo đề án đóng cửa mỏ đã được phê duyệt. Phần lớn số doanh nghiệp này đều được cấp phép khai thác khoáng sản trước năm 2014.
Luật có sao khó thực thi?
Theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010, trong thời gian 6 tháng kể từ ngày giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực, doanh nghiệp phải di chuyển tài sản còn lại của mình và của các bên liên quan ra khỏi khu vực khai thác khoáng sản và thực hiện nghĩa vụ liên quan đến đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường.
Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ TN&MT cũng quy định về việc doanh nghiệp phải tiến hành ký quỹ để phục hồi môi trường. Theo đó, tổ chức, cá nhân sau khi đã hoàn thành từng phần hoặc toàn bộ nội dung cải tạo, phục hồi môi trường theo Đề án hoặc Đề án bổ sung được phê duyệt thì lập Báo cáo hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận.
Đối với doanh nghiệp không hoàn thổ sau khai thác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể: Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ một trong các nội dung trong phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định; Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi không có xác nhận hoàn thành từng phần hoặc toàn bộ phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.
Bên cạnh đó cũng phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi không có phương án cải tạo, phục hồi môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kết thúc từng giai đoạn hoạt động hoặc khi kết thúc hoạt động khai thác khoáng sản theo phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt.
Ngoài ra cũng có hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản từ 6 tháng đến 12 tháng đối với các vi phạm.
Nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp không chấp hành quy định hoàn thổ vì mức xử phạt còn quá thấp. Doanh nghiệp không hoàn thổ sau khai thác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 100 - 250 triệu đồng, không đủ sức răn đe, trong khi nếu phải hoàn thổ thì chi phí bỏ ra còn lớn hơn nhiều.
Việc “đánh trống bỏ dùi” từ nhiều chủ mỏ đang đòi hỏi trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc thanh kiểm tra công tác hoàn thổ, phục hồi môi trường tại các điểm mỏ sau khai thác. Các quy định pháp luật cần được thực hiện và giám sát chặt chẽ, mạnh mẽ hơn.
Có thể bạn quan tâm
Vụ khai thác khoáng sản trái phép ở Quỳ Hợp, Nghệ An: Khởi tố thêm 03 bị can liên quan
15:35, 01/10/2021
Hải Phòng: Chủ mỏ “trốn” hoàn thổ sau khai thác khoáng sản
03:50, 19/09/2021
“Lỗ hổng” trong quản lý, khai thác khoáng sản
04:20, 05/09/2021
Hà Tĩnh: Gỡ vướng để đóng cửa mỏ khai thác khoáng sản
06:25, 21/08/2021