Kinh tế thế giới

Doanh nghiệp Trung Quốc xoay xở ứng phó thuế quan của Mỹ

Cẩm Anh 07/01/2025 11:09

Các nhà máy của Trung Quốc tìm cách chuẩn bị đối phó với mức thuế quan tiềm năng từ chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump bằng cách toàn cầu hóa.

a.jpg
Nhân viên làm việc tại nhà máy ở huyện Guanyun, Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: REUTERS

Trước khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng, các nhà máy của Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng sản xuất ra nước ngoài và tăng lượng khách hàng bên ngoài nước Mỹ khi họ chuẩn bị cho các khoản thuế mới tiềm năng từ Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Một nhà sản xuất đồ thể thao của Trung Quốc hiện đang hoàn thiện một nhà máy mới tại Việt Nam, với hy vọng sẽ tránh được bất kỳ biện pháp thuế quan mới nào nhắm vào hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc. Một nhà sản xuất mũ có kế hoạch bán nhiều sản phẩm hơn cho người châu Âu. Và một công ty đúc kim loại có thể chuyển sự chú ý trở lại thị trường Trung Quốc mặc dù nền kinh tế nước này đang tăng trưởng chậm lại.

Ông Heather Kuang, Phó chủ tịch Tập đoàn Dawang Metals cho biết: "Trước đây, chúng tôi chủ yếu đẩy mạnh xuất khẩu vì tìm kiếm lợi nhuận ở nước ngoài tốt hơn. Nhưng bây giờ tình hình ở nước ngoài không tốt, chúng tôi có thể tập trung trở lại vào những khách hàng Trung Quốc có năng lực đặt hàng lớn".

Hiện nay, doanh nghiệp này không có kế hoạch chuyển hoạt động ra bên ngoài vì quy trình sản xuất đòi hỏi nhiều năng lượng và cần nguyên liệu thô từ Trung Quốc, chẳng hạn như kim loại và cát đúc. Điều này nhấn mạnh những hạn chế đối với kế hoạch của ông Trump trong việc sử dụng thuế quan cao để thu hút các công ty thành lập cửa hàng và tạo việc làm tại Hoa Kỳ.

Thay vào đó, bất kỳ mức thuế bổ sung nào đối với hàng hóa Trung Quốc đều có thể gây tổn hại đến khả năng cạnh tranh của các công ty Hoa Kỳ phụ thuộc vào họ về đầu vào. Theo dữ liệu năm 2020, Trung Quốc sản xuất khoảng một nửa sản phẩm đúc kim loại của thế giới, nhiều hơn tổng sản lượng của 8 quốc gia tiếp theo cộng lại.

Ông Kuang cho biết thêm: “Nếu có thêm thuế quan, chi phí chắc chắn sẽ được chuyển sang người dân Mỹ. Sản lượng của chính các công ty Mỹ có thể sẽ phải giảm, cũng như không có cách nào để chi trả cho chi phí cao như vậy. Họ sẽ gặp khó khăn trong việc bán sản phẩm vì đối thủ cạnh tranh có thể đưa ra mức giá rẻ hơn.”

Nhưng, việc bán hàng trong nước có thể đồng nghĩa với biên lợi nhuận mỏng hơn. Sự cạnh tranh về giá khốc liệt đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của các nhà sản xuất trong những năm gần đây.

b.jpg

Trong lĩnh vực sản phẩm hóa chất và sức khỏe, các công ty làm đẹp, năng lượng, hóa chất và thực phẩm toàn cầu cho biết họ đã mất thị phần trong cuộc chiến thương mại đầu tiên, khi công ty duy trì giá và để các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ chịu gánh nặng thuế quan. Lần này, một số doanh nghiệp đang xây dựng một nhà máy mới ở Đông Âu, hy vọng hàng nhập khẩu từ đó sẽ không bị đánh thuế, hoặc ít nhất là không quá cao.

Một số nhà sản xuất hóa chất của Trung Quốc đang lập kế hoạch không chỉ cho 4 năm tới mà còn cho thập kỷ tới do khả năng Phó tổng thống đắc cử Mỹ JD Vance sẽ tiếp quản các chính sách của ông Trump sau năm 2028.

Thậm chí, nhiều công ty đang cân nhắc chuyển hoạt động sản xuất sang Hoa Kỳ, vì ông Trump đã đe dọa áp dụng mức thuế chung từ 10% đến 20% đối với các sản phẩm ngay cả khi chúng được sản xuất bên ngoài Trung Quốc.

Việc thành lập các nhà máy tại Hoa Kỳ có thể là một giải pháp "đôi bên cùng có lợi" vì nó tạo ra việc làm tại quốc gia này; đồng thời giúp công ty duy trì khả năng tiếp cận thị trường Hoa Kỳ. Nhưng các chủ doanh nghiệp vẫn đánh giá Trung Quốc là nơi sản xuất hiệu quả nhất.

Ông Cheng Li, Giám đốc bán hàng của Yunbang cho biết, mặc dù Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của công ty, nhưng Yunbang hiện đang đẩy nhanh việc mở rộng sang các thị trường khác bao gồm Châu Âu và Đông Nam Á.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường cho vay đối với khu vực công nghiệp để giúp các công ty như Yunbang tiến vào chuỗi giá trị, mặc dù một số khoản cho vay đó hiện đang giảm dần.

Mặc dù vậy, ông Cheng Li cũng lo ngại rằng các thị trường khác sẽ áp dụng chính sách bảo hộ tương tự mà ông Trump đã đe dọa sẽ đẩy mạnh. "Trong tương lai, các quốc gia lớn ở châu Âu như Pháp, Đức, Italia và Hà Lan sẽ trở nên cực hữu hơn. Điều đó có nghĩa họ sẽ đưa ra các chính sách bảo vệ ngành công nghiệp nội địa của mình", ông Cheng Li dự đoán.

Với Đông Nam Á, nhu cầu chuyển dịch dây chuyền sản xuất của các nhà đầu tư Trung Quốc sang Việt Nam đang ngày càng gia tăng. Trên thực tế, từ năm 2019, số lượng doanh nghiệp Trung Quốc có nhu cầu thuê đất và nhà xưởng tại Việt Nam để sản xuất rất lớn.

Việc các doanh nghiệp Trung Quốc dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam cũng góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, linh kiện, phụ tùng cho sản xuất công nghiệp, điện tử, ô tô, năng lượng xanh, xe điện... của Việt Nam phát triển mạnh trong những năm gần đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp Trung Quốc xoay xở ứng phó thuế quan của Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO