Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng tạo nhiều cơ hội nếu doanh nghiệp vận tải nhanh nhạy nắm bắt xu hướng. Liệu họ đã thực bắt nhịp được với làn sóng công nghệ 4.0?
Doanh nghiệp nhỏ loay hoay “tự bơi”
Là một trong 5 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được thành phố Hải Phòng hỗ trợ, phần mềm Smart Truck (Giải pháp tối ưu hóa vận tải đường bộ) của Công ty cổ phần Công nghệ Smart Truck đang trong quá trình chạy demo tiếp cận khách hàng.
Anh Giang Đức Hiếu, CEO của dự án cho biết: Ứng dụng Struck là nền tảng kết nối chủ hàng-chủ xe-lái xe, giúp các doanh nghiệp dễ dàng quản lý đơn hàng, quản lý lái xe tự động trên phần mềm, tự động tìm kiếm các đơn hàng phù hợp với điều kiện kinh doanh, tạo lập lưu trữ hồ sơ của nhà xe và chủ hàng. Hiện doanh nghiệp đang trong quá trình chạy thử và chỉnh sửa tính năng của sản phẩm nhằm phù hợp với thực tế của vận tải Hải Phòng.
Tuy nhiên hiện nay doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về thu hút vốn đầu tư, nguồn nhân sự phát triển và triển khai. Cùng với đó là tư duy của nhiều doanh nghiệp vận tải còn theo lối cũ, ngại đổi mới, công nợ cước vận tải kéo dài…khiến dự án chưa phát triển như kì vọng. “Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ kết nối với các quỹ đầu tư, tiếp cận nguồn vốn mồi đồng thời được đào tạo nâng cao trình độ quản lý” ông Hiếu cho biết thêm.
Đồng quan điểm, anh Vũ Thanh Sơn – Giám đốc Công ty CP Ứng dụng Công nghệ HPgo chia sẻ: Khó khăn lớn nhất hiện nay của những doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực công nghệ như anh chính là vốn. Phần mềm HPgo (Taxi online) do công ty xây dựng hướng tới cung cấp giải pháp cho các doanh nghiệp taxi truyền thống. “Các đơn vị kinh doanh vận tải hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa, họ không những yếu về tài chính, thiếu công nghệ mà còn thiếu sự liên kết, chưa sẵn sàng hòa nhập với môi trường kinh tế chia sẻ. Cùng với đó, việc thay đổi thói quen của khách hàng, trước mắt là thị trường Hải Phòng cần phải có thời gian”. Bởi vậy, dù ra mắt từ tháng 10/2018 nhưng đến nay sản phẩm của doanh nghiệp vẫn mang tính “địa phương”, chưa được cộng đồng biết đến rộng rãi.
Đánh giá về sự phát triển của công nghệ đối với GTVT, ông Trần Quang Hà – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ GTVT) khẳng định, ngành GTVT nước ta hiện nay có đầy đủ các biểu hiện của cả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2, thứ 3 và thứ 4. “Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn lực và chưa có mô hình tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin nên các ứng dụng trong phạm vi hẹp, mới đáp ứng được yêu cầu nghiệp vụ còn đơn lẻ, chưa hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung và chia sẻ trong phạm vi ngành GTVT, chưa có kết nối và chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành khác cũng như tại địa phương”, ông Hà nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
21:20, 27/06/2019
11:01, 24/04/2019
00:00, 15/02/2019
Cần “bệ đỡ” vững chắc
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh theo hướng phát triển vận tải đa phương thức, kết nối giữa các hình thức vận tải khác nhau, chú trọng áp dụng công nghệ thông tin để giảm thiểu chi phí vận tải tạo thuận lợi cho lưu thông, phân phối hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp”.
Mục tiêu tổng quát của Đề án là xây dựng thị trường vận tải đa phương thức; ứng dụng các công nghệ tiến tiến để tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Cùng với việc xây dựng hạ tầng logistics đồng bộ sẽ tăng cường kết nối dịch vụ vận tải giữa các phương thức thông qua việc kết nối hoạt động của các doanh nghiệp; khuyến khích, tạo điều kiện hình thành các doanh nghiệp vận tải có quy mô lớn...
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 là xu hướng tất yếu đối với tất cả các ngành, lĩnh vực và Bộ GTVT cũng đang chủ động để thích ứng với xu hướng mới này. “Bộ GTVT luôn khuyến khích các doanh nghiệp taxi truyền thống áp dụng công nghệ mới để kết nối với các khách hàng. Nếu có thể "phủ sóng" toàn bộ việc ứng dụng công nghệ đối với tất cả các doanh nghiệp taxi truyền thống, ngành vận tải sẽ phát triển nhanh chóng, vừa có thể quản lý chặt theo quy định pháp luật, vừa có lợi cho người tiêu dùng, giảm chi phí cho xã hội” - ông Thể nhấn mạnh.
Đánh giá về vai trò của cơ chế chính sách đối với sự phát triển của các doanh nghiệp vận tải, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Inter Bus Lines bày tỏ mong muốn: Cơ quan quản lý cần chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với các doanh nghiệp, đặt doanh nghiệp làm trung tâm trong xây dựng chính sách. Sự hậu thuẫn từ hệ thống quản lý nhà nước là điều vô cùng cần thiết. “Chúng tôi mong muốn cần có chính sách cụ thể để quản lý thuế, phương tiện, người lái, đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị cung cấp phần mềm và nhất là nhanh chóng thể chế hóa, công nhận hợp đồng vận tải điện tử là hợp pháp, bên cạnh hợp đồng giấy trong quy định về loại hình vận tải khách, hàng hóa theo hợp đồng để hình thành khung chính sách chung”.
Có thể nói, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 buộc các doanh nghiệp vận tải “chuyển động”. Để tồn tại, các doanh nghiệp phải tuân thủ những yêu cầu mới như nắm bắt xu hướng công nghệ mới, trang bị đủ năng lực và điều quan trọng là phải dũng cảm từ bỏ, cải cách mô hình cũ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, của người tiêu dùng.