Trước việc hạn chế để đi đến ngừng sử dụng hoạt chất Glyphosate của Bộ NN&PTNT, Công ty TNHH Dalat Hasfarm đã phải kêu cứu vì nguy cơ đổ vỡ những đơn hàng xuất khẩu hoa sang Úc…
Phản ánh đến Diễn đàn Doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng cho biết, đơn vị vừa có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) về việc hạn chế để đi đến ngừng sử dụng hoạt chất Glyphosate đang đe dọa đến hoạt động xuất khẩu hoa của Công ty TNHH Dalat Hasfarm với đối tác Úc.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng, ngày 02/6/2021, Hiệp hội nhận được Công văn số 810/DLHF của Công ty TNHH Dalat Hasfarm về việc sử dụng hoạt chất Glyphosate để triệt mầm hoa xuất khẩu cho Úc (khi phía Úc chỉ chấp nhận sử dụng hoạt chất Glyphosate để triệt mầm hoa cắt cành nhập khẩu vào Úc) đang phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, nếu việc sử dụng hóa chất này không được tháo gỡ doanh nghiệp sẽ phải hứng chịu hàng loạt hệ lụy, khi không chỉ đánh mất thị trường, ảnh hưởng đến đầu ra, dẫn đến thiệt hại nặng nề về kinh tế, thực trạng này còn khiến hơn 350 lao động và 40 hộ nông dân hợp tác cùng chịu chung hoàn cảnh thiệt hại, nhất là trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.
Cũng theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng, Hiệp hội hoàn toàn ủng hộ việc hạn chế để đi đến ngừng sử dụng hoạt chất Glyphosate một cách thiếu kiểm soát như hiện nay, nhất là việc sử dụng hoạt chất này trong canh tác cà phê và lúa. Tuy nhiên, việc hạn chế hoặc cấm sử dụng cũng không nên áp dụng một cách máy móc mà cần có sự phân biệt về mục đích, đối tượng và phạm vi sử dụng. Hiện tại, Bộ NN&PTNT đang có cách đối xử rất thỏa đáng đối với hoạt chất Methyl Bromine khi cấm sử dụng hoạt chất này để xử lý đất thì vẫn cho phép để xông hơi khử trùng pha let gỗ và gần đây là cho các sản phẩm ớt, khoai lang tím để xuất khẩu.
“Với phương thức như vậy, đề nghị Bộ xem xét, áp dụng đối với trường hợp Công ty TNHH Dalat Hasfarm trong việc sử dụng một lượng hoạt chất Glyphosate hạn chế để triệt mầm hoa cắt cành xuất khẩu cho Úc, trong một môi trường được kiểm soát nghiêm ngặt và xử lý triệt để chất thải, không để thất thoát ra môi trường”, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng kiến nghị.
Cùng với kiến nghị đã nêu, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT thông báo cho phía Úc về quyết định ngừng sử dụng hoạt chất Glyphosate tại Việt Nam và đàm phán để phía Úc chấp nhận các loại hoạt chất khác để thay thế trong việc xử lý triệt để mầm các loại hoa cắt cành xuất khẩu cho Úc. Trong thời gian chờ đợi kết quả đàm phán, đề nghị Bộ cho phép Công ty TNHH Dalat Hasfarm được tiếp tục được sử dụng hoạt chất Glyphosate để triệt mầm hoa xuất khẩu cho Úc với lượng hạn chế (350 lít/năm).
Được biết, Công ty TNHH Dalat Hasfarm là doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực trồng hoa xuất khẩu tại tỉnh Lâm Đồng với diện tích canh tác 320 ha, đồng thời, doanh nghiệp còn hợp tác với hơn 200 hộ nông dân tại TP. Đà Lạt và huyện Đơn Dương (cung cấp giống hoa, tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, thu mua sản phẩm) tạo thành một chuỗi cung ứng, góp phần tích cực nâng cao kỹ năng canh tác và đưa sản phẩm của bà con nông dân Lâm Đồng đến với các thị trường quốc tế, trong đó có các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc,… với doanh số xuất khẩu gần 60 triệu USD/năm cho 15 thị trường nước ngoài, đóng góp tích cực vào tang trưởng của ngành xuất khẩu nông sản.
Trong các thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp này, thị trường Úc đóng vai trò vô cùng quan trọng với sản lượng gần 30 triệu cành hoa/lá trang trí với doanh thu ước đạt 5,2 triệu USD/năm.
Từ những kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng như đã nêu, Diễn đàn Doanh nghiệp kính đề nghị Bộ NN&PTNT vào cuộc xem xét và tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp kêu cứu tại Long An: Khi chính quyền bỏ doanh nghiệp lại phía sau
11:00, 05/04/2021
Vụ doanh nghiệp kêu cứu tại Long An (Kỳ 8): Vì sao chính quyền "làm ngơ" suốt 3 năm?
04:30, 10/01/2021
Vụ doanh nghiệp kêu cứu tại Long An (Kỳ 7): UBND tỉnh sẽ rà soát để hỗ trợ cho doanh nghiệp
04:40, 31/12/2020
Doanh nghiệp kêu cứu vì bị đòi nợ vô căn cứ
06:06, 18/02/2020
Doanh nghiệp kêu cứu vì “thuế chồng thuế”
05:20, 16/02/2020