Quảng Ninh bứt tốc phát triển mạnh mẽ. Dù có không ít xung đột xảy ra, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, nhưng cách mà tỉnh này đối diện và xử lý vấn đề luôn là những bài học kinh nghiệm đáng quý.
Ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, lãnh đạo được giao phụ trách mảng đơn thư khiếu nại và đối thoại với công dân đã có cuộc trao đổi với báo Diễn đàn doanh nghiệp.
Hóa giải sức ỳ của chính quyền cơ sở
- Là lãnh đạo phụ trách đơn thư khiếu nại của người dân trong tỉnh, theo quan sát của ông, đâu là nguyên nhân khiến việc gia tăng số lượng đơn thư khiếu nại của tỉnh tăng trong thời gian qua?
Trên thực tế, số đơn thư khiếu nại tại Quảng Ninh thời gian qua đúng là có tăng lên, do nhiều nguyên nhân. Các hạng mục công việc triển khai khá nhiều, không chỉ tập trung một vài địa điểm trung tâm như trước mà đã mở rộng ra nhiều nơi từ Đông Triều, Quảng Yên, Uông Bí, Hạ Long, Hoành Bồ, Móng Cái, Vân Đồn...
Nhà đầu tư đến nhiều, dự án trong và ngoài ngân sách triển khai cũng nhiều dẫn đến việc phải thu hồi đất nhiều. Do chính sách đất đai, quản lý đất đai và xây dựng không được đồng bộ nên trong quá trình giải phóng mặt bằng thu hồi đất làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân.
Tôi lấy ví dụ, nếu như trước đây, theo Luật Đất đai 2003, đối với đất nông nghiệp trong đô thị, chính sách ban hành người dân được hỗ trợ từ 30-35%, nhưng Luật 2013 thì gần như xóa bỏ sự hỗ trợ, mức hỗ trợ chỉ còn đáng “một bát phở” nên mới dẫn đến chuyện khiếu nại của người dân.
Trước đây, do viết đơn bằng tay, người dân chỉ gửi đơn đến một nơi nhưng nay, với cùng một nội dung đơn nhưng lại được gửi đến nhiều nơi, nhiều cấp. Rồi khi gửi một thời gian mà thấy chưa xử lý được, dân lại tiếp tục gửi.
Trong hai năm vừa qua, Quảng Ninh cũng thực hiện nhiều chính sách khác liên quan đến môi trường như cấm việc đánh bắt hủy hoại nguồn lợi thủy sản, cấm đánh bắt trong vùng lõi của vịnh Hạ Long. Việc này cũng góp phần đẩy số lượng đơn từ khiếu nại tăng lên.
Một thực trạng nữa, đó là trước đây khi Quảng Ninh đưa người dân đi di cư đến vùng kinh tế mới, nhưng do khó khăn quá nên người dân bỏ về. Lúc đó, cơ quan quản lý nhà nước lại tắc trách không lập hồ sơ thu hồi đất, sau lại giao cho người khác. Khi đất đai khu vực Vân Đồn, Cô Tô có giá trị, người dân quay lại đòi đất của mình thì đã được cấp sổ đỏ cho người khác nên dẫn đến việc tranh chấp đất đai, kiện tụng xảy ra.
Đội ngũ cán bộ cơ sở giải quyết đơn thư khiếu nại không đồng đều về trình độ, có người còn non hoặc chưa có kinh nghiệm cũng là một trong những yếu tố khiến tình trạng đơn thư tăng lên. Trên thực tế có những cán bộ địa chính lần đầu tiên làm công tác giải phóng mặt bằng, có những vị Chủ tịch xã lần đầu tiên được tiếp xúc với đông công dân trong tình huống công dân bức xúc…
- Sức ỳ của cơ sở trong giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo là thực trạng nhức nhối trên toàn quốc. Quảng Ninh có tồn tại thực trạng này không và đã có biện pháp nào để cải thiện tình trạng này, thưa ông?
Đúng là có sức ỳ ở cơ sở. Do không đủ năng lực nên cán bộ cơ sở chỉ giải quyết xê xoa rồi đẩy công việc lên trên giải quyết. Thực trạng này phổ biến trên toàn quốc và Quảng Ninh cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng giải quyết đơn thư thực sự là một việc khó, bởi nó không chỉ liên quan đến Luật Tiếp Công dân, Luật Khiếu nại tố cáo mà còn liên quan đến cả Luật Đất đai, thậm chí cả Luật Xây dựng và nhiều luật khác. Để giải quyết một vụ việc thôi cũng phải tìm hiểu cả một hệ thống văn bản, nên đội ngũ cán bộ cơ sở hay bị lúng túng, nhiều người không đủ năng lực giải quyết.
Có một kẽ hở đó là Luật lại không quy định Chủ tịch xã, phường tiếp công dân vào ngày nào. Thế nên mới có chuyện Chủ tịch xã, phường ngày nào cũng tiếp công dân nhưng có khi lại chẳng tiếp ngày nào cả rồi viện lý do bận họp hành này nọ.
Trong Luật Tiếp công dân quy định rõ là bắt buộc ngày 1 và 15 hàng tháng, Chủ tịch huyện phải có mặt tại trụ sở tiếp công dân; ngày 15 hàng tháng chủ tịch tỉnh tiếp công dân; hàng ngày, tỉnh vẫn có ban tiếp công dân thường xuyên. Tuy nhiên, có một kẽ hở đó là Luật lại không quy định Chủ tịch xã, phường tiếp công dân vào ngày nào. Thế nên mới có chuyện Chủ tịch xã, phường ngày nào cũng tiếp công dân nhưng có khi lại chẳng tiếp ngày nào cả rồi viện lý do bận họp hành này nọ. Người dân đến trụ sở không có lịch cố định nên cũng rất khó để gặp được người đứng đầu địa phương.
Trước thực tế này, từ năm 2017, tỉnh Quảng ninh đã quy định bắt buộc thứ năm hàng tuần Chủ tịch UBND cấp xã, phường phải tiếp công dân. Thứ năm hàng tuần tỉnh Quảng Ninh nghiêm cấm tất cả các cuộc họp có liên quan đến Chủ tịch UBND xã phường để họ toàn tâm toàn ý vào việc tiếp công dân và nắm bắt tình hình cơ sở, giải quyết những kiến nghị của nhân dân.
Trong quá trình giải quyết đơn từ, với những việc vượt thẩm quyền, chậm nhất thứ 2 hàng tuần chủ tịch xã phải báo cáo lên huyện. Chủ tịch huyện ngoài tiếp dân thường kỳ vào ngày 1, 15 mỗi tháng, phải dành ít nhất một ngày để giải quyết những vướng mắc tồn tại ở cơ sở trên địa bàn vượt thẩm quyền cấp xã. Mỗi quý, cấp ủy phải nghe cấp huyện và ủy ban Mặt trận tổ quốc huyện báo cáo về tình hình tồn đọng đơn thư trên địa bàn.
Còn UBND tỉnh sẽ đưa vào lịch cố định mỗi tháng một ngày để xem xét. Tỉnh tiếp công dân hàng tháng định kỳ là tiếp trực tuyến luôn. Vụ việc cần thiết sẽ yêu cầu ông chủ tịch xã phường, huyện đối chất trực tiếp với công dân, coi như “bốn mặt một lời”. Nếu tỉnh thấy nhiều vụ việc nổi cộm trên một địa phương thì sẽ bố trí làm việc ngay.
Với việc giải quyết đơn thư một cách đồng bộ ở 3 cấp như vậy, Quảng Ninh đã hạn chế tối đa sức ỳ ở cơ sở. Cấp nào chậm sẽ bị phê bình nên không cấp nào dám để công việc sang tuần sau.
Có thể bạn quan tâm
12:05, 14/11/2018
22:22, 18/06/2018
18:36, 07/11/2017
16:27, 07/11/2017
21:18, 30/03/2017
09:31, 20/01/2017
08:51, 11/12/2016
16:51, 17/11/2016
Tâm- Tầm của người lãnh đạo
- Theo ông, việc tiếp dân, lắng nghe ý kiến của dân, đối thoại trực tiếp với dân có tác dụng ra sao? Ông đánh giá thế nào về hiệu quả sau mỗi cuộc đối thoại của ông với người dân và doanh nghiệp?
Theo tôi, lắng nghe và đối thoại không có nghĩa là việc gì cũng giải quyết được theo đúng nguyện vọng của người dân vì nó liên quan đến chính sách pháp luật. Nhưng lắng nghe thể hiện sự tôn trọng với người dân, thể hiện sự nhất quán về mặt chính sách. Việc đối thoại sẽ giúp tháo gỡ được vướng mắc mà cấp cơ sở không hình dung ra hết được.
Quảng Ninh thường chọn hình thức đối thoại toàn thể vì với hình thức này, người dân sẽ được nghe và đối thoại trực tiếp với người có trách nhiệm giải quyết. Tuy đối thoại toàn thể rất hiệu quả nhưng không phải ai cũng có thể cầm trịch được cuộc đối thoại mà phải phụ thuộc vào năng lực của người lãnh đạo được cử đối thoại. Bất cứ câu hỏi nào cũng có thể được người dân đặt ra mà người lãnh đạo không có sự chuẩn bị trước. Nên nếu người được giao đối thoại với dân mà không có năng lực, không có khả năng ứng xử linh hoạt, khéo léo sẽ rất dễ sẽ đẩy cuộc đối thoại thành cuộc đối đầu bức xúc.
Trong những cuộc đối thoại, chúng tôi vừa được nghe cấp dưới báo cáo, vừa được nghe người dân phản biện luôn.
Đối thoại có nhiều tác dụng lắm. Nó giúp lãnh đạo nắm bắt được tình hình cơ sở ngay trong cuộc đối thoại. Có những cuộc đối thoại tôi để cho người dân phát biểu thoải mái, phát biểu thật nhiều nhưng yêu cầu thời gian có giới hạn nên vấn đề phát biểu không được trùng lặp. Trong cuộc đối thoại đó, chúng tôi không chỉ giải quyết được nội dung trong đơn thư nêu mà giải quyết cả nội dung khác một cách có phương pháp.
Qua đối thoại tạo ra cuộc giám sát trực diện ông cán bộ cơ sở. Nếu như hàng ngày trong các cuộc họp lãnh đạo chỉ nghe cấp dưới báo cáo một chiều thì trong những cuộc đối thoại như thế này, chúng tôi vừa được nghe cấp dưới báo cáo, vừa được nghe người dân phản biện luôn. Đó là hiệu quả rất lớn từ đối thoại mà các tỉnh thành nên khai thác triệt để.
- Xin ông cho biết, trước khi chính thức bước vào một cuộc đối thoại với công dân, ông thường làm gì?
Với cách đối thoại truyền thống, cán bộ văn phòng chuẩn bị tài liệu rất cẩn thận, một tập dầy cộp để ông lãnh đạo ngồi làm việc với dân. Nhưng tôi thậm chí chỉ đi người không. Tuy nhiên, trước khi tham gia một cuộc đối thoại, tôi phải đọc hồ sơ rất kỹ, thậm chí phải đóng giả dân thường xuống dân cư, gặp cả người đang đứng về phía chính quyền cũng như những người đang đối đầu với chính quyền, phải nghe hết sẽ phát hiện ra vì sao người ta đẩy sự việc lên căng thẳng như thế. Kinh nghiệm cho thấy, đôi khi chỉ vì mâu thuẫn cá nhân mà ra.
- Ông có thể chia sẻ những “ca khó” mà ông đã giải quyết thành công?
Tôi vẫn không quên vụ việc đối thoại với 400 người dân liên quan đến vụ việc giải phóng mặt bằng mở rộng quốc lộ 18 đi qua Uông Bí.
Vụ việc đó theo kịch bản ban đầu chỉ có 20 người tham gia đối thoại nhưng hôm đó, số lượng người dân lại đến rất đông, con số lên tới 400 người (318 hộ gia đình). Lực lượng công an cản trở không cho mọi người vào trừ 20 người đăng ký trước đó. Công an dường như ở trong tình thế trở thành đối đầu với người dân. Lúc đó, dù được can ngăn, tôi vẫn yêu cầu chọn một hội trường đủ rộng để mời cả 400 người cùng vào đối thoại. Tôi nói rõ với những người tham gia, do hạn chế thời gian nên mỗi người phát biểu ngắn gọn và không trùng lặp các chủ đề. Tôi cũng nói rõ và giải thích với người dân về những bất cập của chính sách, sau đó, từng bước, biến cuộc đối thoại thành việc bàn phương hướng giải quyết. Kết quả là cả lãnh đạo lẫn người dân cùng thống nhất được phương án giải quyết vấn đề.
Cụ thể của vụ việc giải phóng mặt bằng mở rộng quốc lộ 18 là như thế này. Trước đây người dân cũng của khu vực này được đền bù hơn 700,000/m2, nhưng nay cũng khu vực đó họ được đền bù mà giá trị chỉ đúng bằng… một bát phở. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này chính là bất cập của Luật Đất đai 2003 với năm 2013 về hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng đã gây ra nỗi bức xúc trong lòng người dân.
Tại cuộc đối thoại, tôi đã tuyên truyền giải thích cho người dân hiểu, cũng giải thích rõ cho bà con là Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu ngay sau cuộc đối thoại này nếu người dân không đồng thuận tôi vẫn phải ký quyết định cưỡng chế. Tuy nhiên, nếu bà con nào đồng thuận thì tôi sẽ thu hồi quyết định cưỡng chế.
Cuộc đối thoại kết thúc lúc 1h30. Người dân đến bắt tay tôi và nói “chưa biết sau này giải quyết được đến đâu nhưng phải nói đúng là các anh vì dân. Tuy nhiên chúng tôi sẽ không để các anh phải cưỡng chế chúng tôi đâu, nhưng chúng tôi vẫn còn phải đi tiếp đấu tranh để đòi hỏi chính sách công bằng với người trước”.
Đấy, người dân ta rất đơn giản và thẳng thắn, họ chỉ cần công bằng như những người khác mà thôi.
Ngoài việc thống nhất giải pháp cùng với bà con, vụ việc này về sau chúng tôi phải báo cáo lên Bộ Tài Nguyên môi trường, xin phép cho Quảng Ninh vận dụng để bổ sung chính sách. Nhiều vụ việc khác cũng vậy, khi tiếp công dân, ngoài việc người lãnh đạo giải quyết tình huống, anh ta phải tìm ra được biện pháp để tháo gỡ cho người dân hợp tình, hợp lý.
Một kỷ niệm đáng nhớ nữa là vụ việc năm 2016, liên quan đến giải phóng mặt bằng tòa nhà 4 chung cư 3 tầng của TP Hạ Long. Đây là nhà tập thể của ngành than bàn giao cho tỉnh nhưng vì vướng mắc là trước đây ngành than có chủ trương cải tạo sửa chữa nên không thanh lý theo Nghị định 61, vì vậy nhà cho đến thời điểm cải tạo chung cư cũ vẫn là nhà mượn, nhà thuê hàng tháng của nhà nước. Về lý mà nói, nếu vẫn là nhà thuê thì cứ khi chấm dứt hợp đồng thuê là hết. Tuy nhiên đây là công nhân của ngành than nên câu hỏi đặt ra là phải giải quyết đời sống của công nhân thế nào. Trong khi đó theo chính sách đền bù là không thể đền bù được. Sau khi bàn bạc, tỉnh Quảng Ninh thống nhất là sẽ hỗ trợ công nhân bằng căn hộ. Tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo, ngoài diện tích kinh doanh, nhà đầu tư phải xây một tòa nhà có các căn hộ trả cho công nhân đúng bằng diện tích mà họ sở hữu. Ngoài diện tích căn hộ theo nhà ở cũ, nếu vượt lên thì các công nhân phải mua.
Vụ việc này lúc đầu đã được đẩy lên rất căng. Người dân đã mang cờ tổ quốc cắm đầy đường và 7 quan tài cũng được mang ra xếp một hàng trên vỉa hè uy hiếp chính quyền. Trong tình huống đó, nếu lúc đó lực lượng chức năng tự do ra khiêng quan tài đi thì thế nào cũng sẽ có cuộc giằng co, thậm chí xô xát xảy ra. Tỉnh Quảng Ninh quyết định cho loa truyền thông ra thông báo: “Những hộ có tài sản để trên vỉa hè, thu dọn về phạm vi căn hộ nhà mình để. Nếu dân không thu hồi, thành phố sẽ thu hồi và xử lý”. Tuyên truyền 3 vòng không thấy người dân có động tĩnh gì thì xe đi sau của lực lượng chức năng được nhiệm vụ đưa quan tài lên xe ra khỏi vị trí nhạy cảm đó.
Sau khi xử lý xong việc mang quan tài ra vỉa hè, Bí thư tỉnh ủy, chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh bắt tay và đối thoại, bàn phương án giải quyết với người dân và kết quả như trước đó tôi đã đề cập. Đối thoại xong, ngày hôm sau người dân căng biển nhiệt liệt cám ơn ông bí thư, chủ tịch hội đồng nhân dân (cười).
- Vậy, bài học mà ông rút ra sau mỗi sự vụ đó là gì?
Cần nghiên cứu thật kỹ đơn thư và hồ sơ, trình tự quy trình giải quyết, những bất cập trong quá trình xử lý hồ sơ để phát hiện lỗi ở đâu. Từng khâu, từng giai đoạn nhà nước đã làm hết trách nhiệm của mình chưa, quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng ở giai đoạn nào. Đặc biệt, chúng ta phải xem xét sự việc ở đúng thời điểm xảy ra.
- Chắc hẳn ông rất bận rộn, có khi nào ông từ chối khi công dân có yêu cầu được gặp gỡ tiếp xúc để trình bày vấn đề của họ không?
Tôi không bao giờ từ chối tiếp công dân. Nếu bận họp mà có cuộc điện thoại gọi đến thì sau đó sẽ tôi gọi lại, xin địa chỉ của các trường hợp và giao cho anh em tìm hiểu. Không ít trường hợp tỉnh đã chấm dứt nhận đơn thư thì cũng phải có lời nói cho hợp lý với người dân.
Vâng. Xin cảm ơn ông!