Doanh nghiệp

“Đòn bẩy” đưa Việt Nam vào tương lai thu nhập cao

Thy Hằng 23/05/2025 11:00

Chuyên gia đánh giá, cải cách thể chế là yếu tố then chốt còn tăng trưởng xanh là "chìa khoá" tạo "đòn bẩy" cho Việt Nam tiến vào tương lai thu nhập cao năm 2045.

Báo cáo “Việt Nam 2045 - Đột phá: Thể chế cho một tương lai thu nhập cao” và “Việt Nam 2045 - Tăng trưởng xanh hơn: Con đường hướng tới tương lai bền vững” được công bố mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra nhận định, để hiện thực hóa mục tiêu đầy tham vọng trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế và chuyển đổi sang mô hình phát triển xanh, bao trùm và bền vững.

image.daidoanket.vn-images-upload-nghipm-05042023-_anh-bai-tren.jpg
Việt Nam cần chuyển đổi sang mô hình phát triển xanh, bao trùm và bền vững.

Cụ thể, trong báo cáo “Việt Nam 2045 - Đột phá: Thể chế cho một tương lai thu nhập cao”, WB nhận định để duy trì tốc độ tăng trưởng cao, Việt Nam cần củng cố hệ thống pháp luật và môi trường pháp lý, đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư công cả về quy mô lẫn chất lượng. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy những quốc gia vượt qua bẫy thu nhập trung bình để trở thành nước thu nhập cao đều có điểm chung là “liên tục cải thiện chất lượng thể chế”.

Đặc biệt, một số cải cách sẽ mang tính quyết định đối với chặng đường phát triển tiếp theo của Việt Nam. Trong đó, quản lý đầu tư công cần được cải thiện rõ nét từ khâu lựa chọn dự án, triển khai đến giám sát thực hiện.

Đồng thời, việc hoàn thiện khung pháp lý và quy định sẽ góp phần xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định và dễ dự đoán hơn. Quản trị địa phương cũng cần được nâng cao thông qua việc tăng cường quyền tự chủ, nâng trách nhiệm giải trình và đẩy mạnh phối hợp giữa các địa phương.

Để trở thành quốc gia thu nhập cao, Việt Nam cũngcần xây dựng một bộ máy công vụ hiệu quả, có trách nhiệm giải trình rõ ràng, với quy mô hợp lý, chế độ đãi ngộ phù hợp, và được hỗ trợ bởi các thể chế bảo đảm “quy trình tố tụng hợp pháp, tính minh bạch và cơ chế giám sát độc lập.

Theo bà Mariam J. Sherman, Giám đốc Quốc gia của Văn phòng Ngân hàng Thế giới (WB) khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia, quá trình hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 đã cho thấy rõ vai trò quan trọng của thể chế trong việc đảm báo tăng trưởng bền vững của Việt Nam.

“Những nỗ lực cải cách gần đây thể hiện quyết tâm của Việt Nam, song để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần thực hiện những cải cách quyết liệt hơn nữa, đó chính là “một cú hích thể chế mang tính đột phá”, nhằm phát huy tối đa tiềm năng của khu vực tư nhân trong thúc đẩy tăng trưởng và tạo ra việc làm chất lượng cho người dân”, bà Sherman nhấn mạnh.

dn (1)
Đột phá thể chế được cho là đòn bẩy cho một tương lai thu nhập cao vào năm 2045.

Trong khi đó, báo cáo “Việt Nam 2045 - Tăng trưởng xanh hơn: Con đường hướng tới tương lai bền vững” thì chỉ rõ, đầu tư vào thích ứng khí hậu là “chìa khóa” để giảm thiểu rủi ro từ các cú sốc thời tiết đối với nông nghiệp, doanh nghiệp và hạ tầng sản xuất tại Việt Nam.

Bà Sherman khuyến nghị ngay từ bây giờ, Việt Nam có thể thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ đất đai, cộng đồng và cơ sở hạ tầng trước những cú sốc do biến đổi khí hậu gây ra. Theo bà, điều quan trọng là xây dựng các cơ chế và chính sách phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp và người dân chủ động thích ứng, đồng thời lồng ghép quản lý rủi ro khí hậu vào mọi lĩnh vực của nền kinh té.

Báo cáo cũng nhấn mạnh Việt Nam cần phải phát huy tiềm năng kinh tế biển để thúc đẩy một tương lai xanh và thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững kinh tế biển là yêu cầu cấp thiết.

Không chỉ WB, giới chuyên gia cũng nhận định, Việt Nam đã và đang hưởng ứng mạnh mẽ xu hướng chuyển đổi xanh của thế giới và nỗ lực lớn trong chuyển dịch năng lượng để đạt được mức giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết tại COP26. Tuy nhiên, các giải pháp và khung khổ pháp lý hiện nay mới chỉ đủ để đảm bảo phát thải không có xu hướng tăng thêm, nhưng không giúp giảm phát thải ròng về 0.

Do đó, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0, TS. Nguyễn Quốc Trường, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Kinh tế - Tài chính, Bộ Tài chính cho rằng, Việt Nam cần có những thay đổi rất lớn mang tính đột phá, nhất là về thể chế.

Bên cạnh đó, chuyển đổi xanh trong lĩnh vực năng lượng đòi hỏi huy động nguồn vốn đầu tư rất lớn. Theo mục tiêu đề ra tại Quy hoạch điện 8, đến năm 2045, tỷ lệ năng lượng tái tạo của nước ta sẽ chiếm 2/3 tổng công suất toàn hệ thống. Để đạt mục tiêu này, ước tính Việt Nam sẽ cần trên 500 tỷ USD để đầu tư phát triển mới cho cả nguồn và lưới điện, qua đó sẽ đảm bảo thực hiện lộ trình tăng trưởng xanh, thích ứng với khí hậu và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Như vậy, chuyển đổi xanh nói chung, chuyển đổi năng lượng nói riêng cùng với xác định các mục tiêu tham vọng đang đòi hỏi hành động quyết liệt, trong đó, yếu tố then chốt vẫn là cải cách thể chế. Các trọng tâm chính sách chuyển đổi xanh cần tập trung vào là xây dựng lộ trình giảm sâu phát thải carbon trong dài hạn cho ngành năng lượng Việt Nam; Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; Hoàn thiện khung pháp lý cho chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh; Phát triển cơ sở hạ tầng cho năng lượng xanh; Thúc đẩy tiêu dùng xanh…

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Đòn bẩy” đưa Việt Nam vào tương lai thu nhập cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO