Nhu cầu tại các thị trường tiêu thụ chính chưa thể cải thiện, kế hoạch cắt giảm lãi suất tại các thị trường này chưa rõ ràng, trong khi các quốc gia cạnh tranh dự kiến sẽ phá giá mạnh đồng tiền...
>>>Doanh nghiệp dệt may mong mỏi gói tín dụng xanh
Theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Vinatex, mặc dù năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam giảm 11,3%, chỉ đạt 33,9 tỷ USD, tuy vậy những tháng đầu năm 2024, thị trường đã khởi sắc hơn.
Theo đó, hầu hết các doanh nghiệp May của Vinatex đã ký được đơn hàng đến hết tháng 9 và tháng 10/2024.
Thực tế cho thấy, 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt gần 16 tỷ USD, tăng 5% so cùng kỳ năm trước, trong đó điểm sáng xuất khẩu ở thị trường Mỹ khi dệt may Việt Nam vươn lên đứng đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc, vượt qua Trung Quốc và đứng đầu về tốc độ tăng trưởng trong 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu dệt may Trung Quốc giảm 2%, đạt 66 tỷ USD; Bangladesh chỉ tăng 3,9%, đạt 21,7 tỷ USD (Bangladesh tháng 5/2024 suy giảm mạnh 16%).
Tại Tổng Công ty May 10, đơn hàng chính vụ cũng đã có đến tháng 8. Công ty Dệt may, Đầu tư, Thương mại Thành Công cũng cho biết có hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều khả quan khi đơn hàng quý I/2024 đã vượt kế hoạch và đơn hàng quý II/2024 gần đạt kế hoạch đề ra.
Tín hiệu vui là vậy, song các chuyên gia vẫn khuyến cáo, bài học kinh nghiệm từ năm 2023 cho thấy, thị trường thế giới hiện nay biến động rất khó lường. Đặc biệt, những căng thẳng ở Biển Đỏ, hay tỷ giá neo ở mức cao là thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp dệt may.
Cụ thể, theo đại diện Vinatex, cần nhìn nhận sự khởi sắc xuất khẩu dệt may Việt Nam 5 tháng đầu năm không xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may của thế giới cải thiện mà có sự dịch chuyển nhất định đơn hàng từ các quốc gia khác sang Việt Nam...
Bên cạnh đó, dù đã ký được đơn hàng đến hết quý 3/2024 và tiếp tục đàm phán ký kết cho quý 4/2024 - mùa cao điểm sản xuất cho các đơn hàng dịp Noel và Tết, nhưng đơn giá vẫn thấp hơn 20%, thậm chí là 50% so với thời điểm năm 2019 - năm trước đại dịch COVID-19.
“So với năm 2023, các nhà cung cấp, đặt hàng đã thiết lập mặt bằng giá mới và bây giờ doanh nghiệp đang phải làm theo mặt bằng giá đó nên rất thấp. Tuy vậy, trong điều kiện khó khăn, với ngành May đã có sự khởi sắc rất tốt,” ông Cao Hữu Hiếu nói.
Đồng quan điểm, nhiều ý kiến doanh nghiệp cũng nhận định, nhu cầu dệt may tại các thị trường tiêu thụ chính chưa thể cải thiện, kế hoạch cắt giảm lãi suất tại các thị trường này chưa rõ ràng, trong khi các quốc gia cạnh tranh dự kiến sẽ phá giá mạnh đồng tiền từ 15%-20% để hỗ trợ xuất khẩu, giành lại thị phần, do đó các doanh nghiệp sẽ chịu áp lực cạnh tranh về đơn giá trong bối cảnh đơn giá vốn đã thấp của 2 năm qua chưa cải thiện.
Mặt khác, cước vận tải biển, tiền lương, tiền điện, lãi suất ngân hàng… được dự báo tiếp tục tăng sẽ tác động trực tiếp đến hiệu suất sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp.
>>>Chọn cổ phiếu nào để đón sóng dệt may phục hồi?
Bên cạnh xu hướng phục hồi chậm, còn một xu hướng cần được chú ý, nhận định về triển vọng ngành dệt may mới đây của Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, ngành dệt may Việt Nam mất dần lợi thế cạnh tranh ở thị trường Mỹ.
Theo khảo sát của Hiệp hội thời trang Hoa Kỳ (USFIA) về so sánh lợi thế cạnh tranh giữa các nước tại Mỹ với điểm số càng cao càng tốt. Hiện tại, Việt Nam có tổng điểm số cao hơn Trung Quốc và Bangladesh cho thấy Việt Nam có lợi thế cạnh tranh cao hơn. Tuy nhiên, so sánh với năm 2020, chỉ có Việt Nam và Trung Quốc giảm điểm trong khi các nước đang tăng dần báo hiệu Việt Nam đang mất dần lợi thế cạnh tranh.
So với Trung Quốc, Việt Nam được đánh giá cao hơn nhờ ít rủi ro về xã hội. Điểm số sau điều chỉnh tỷ trọng cũng cho thấy Việt Nam chiếm ưu thế cao hơn. Bên cạnh đó, khảo sát các nhà cung cấp ở Mỹ cũng cho thấy Mỹ có xu hướng chuyển đổi nhà cung cấp khỏi Trung Quốc. Vì vậy, trong dài hạn, ngành dệt may Việt Nam sẽ chiếm dần thị phần của Trung Quốc.
So với Bangladesh, Việt Nam có lợi thế về hệ thống cảng lớn, vị trí địa lý và khả năng sản xuất đa dạng nhờ sản xuất sản phẩm giá trị cao và đa dạng như áo vest, áo khoác mùa đông, đồ bơi trong khi Bangladesh chủ yếu sản xuất đại trà sản phẩm áo thun mẫu mã cơ bản. Tuy nhiên, điểm số tại Bangladesh ngày càng cải thiện nhờ ngày càng sản xuất đa dạng. Giá trị xuất khẩu của Bangladesh sang Mỹ cũng đang tăng dần cho thấy sự cải thiện tại thị trường Mỹ.
Đối với các nước khác như Ấn Độ, Indo và Sri Lanka thì Việt Nam đang có tốc độ giao hàng nhanh hơn cùng với khả năng sản xuất linh hoạt. Tuy nhiên, trong dài hạn, nếu các nước trên bắt kịp khả năng sản xuất đa dạng thì Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn.
So với Mexico, Việt Nam đang có mức điểm thấp hơn do vị trị địa lý ở xa. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của Mexico trong ngắn hạn thấp do Việt Nam có lợi thế về nhân công giá rẻ và tay nghề sản xuất cao.
So với khối Cộng hòa Dominica – Trung Mỹ (CAFTA-DR) gồm 6 nước Trung Mỹ là Costa Rica, El Salvador, Guatemala, Honduras, Nicaragua và Dominican Republic đang có điểm số cao hơn Việt Nam nhờ lợi thế về vị trí địa lý cũng như được miễn thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, khả năng cạnh tranh của khối này thấp do quy mô dệt may nhỏ, chi phí công nhân cao cũng như phải nhập khẩu sợi, vải đầu vào từ Châu Á làm khả năng sản xuất nhanh chóng thấp.
Nhìn chung, Việt Nam đang đứng đầu về khả năng sản xuất sản phẩm đa dạng và nhanh chóng nhờ đầu tư máy móc và tay nghề cao. Tuy nhiên, về dài hạn, các nước khác có khả năng bắt kịp và lợi thế trên sẽ giảm dần. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh đầu tư công nghệ, tối ưu quy trình sản xuất và cung ứng cũng như tham gia sâu vào chuỗi giá trị OBM hoặc ODM để tạo lợi thế cạnh tranh so với các nước khác.
Có thể bạn quan tâm
02:30, 14/06/2024
04:53, 13/06/2024
11:30, 12/06/2024
11:40, 18/05/2024
17:54, 01/05/2024