Thông tin trên được đại diện Trung tâm khuyến nông các địa phương trong vùng cho biết tại hội thảo “giới thiệu tiến bộ kỹ thuật lĩnh vực thủy sản” vừa diễn ra tại TP.Cần Thơ.
Theo kết quả nghiên cứu đề tài: “ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất giống một số loài các có giá trị kinh tế cao” được TS. Phan Phương Loan, Khoa Nông nghiệp & Tài nguyên, Thiên nhiên -Trường Đại học An Giang trình bày tại hội thảo cho biết: Hiện tại, vùng ĐBSCL có tổng số 109 trại sản xuất giống và hơn 1.800 cơ sở ương dưỡng giống cá tra, cung cấp 2,067 tỷ con giống, đáp ứng đủ nhu cầu nuôi thương phẩm; các tỉnh có số lượng giống thả cao như Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang, Cần Thơ.
Thành công trong kích thích sinh sản và sau đó là ương giống cá tra và cá basa năm 1997 là bước đi ban đầu quan trọng để giúp cá tra Việt Nam từ ao làng vươn ra thị trường thế giới.
Tiếp theo, có thể kể đến các kết quả nghiên cứu KH&CN của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2 như: Đề tài KH&CN cấp Bộ “Nâng cao chất lượng đàn cá tra bố mẹ về chỉ tiêu tăng trưởng bằng phương pháp chọn lọc cá thể” (2001 - 2005); Đề tài KH&CN trọng điểm cấp Bộ “Chọn giống cá tra nhằm nâng cao tỷ lệ philê bằng phương pháp chọn lọc gia đình” (2006 - 2008); Đề tài KH&CN thuộc Chương trình Công nghệ sinh học Thủy sản “Đánh giá hiệu quả chọn giống cá tra về tăng trưởng và tỷ lệ philê” (2010 - 2012) và “Ứng dụng di truyền số lượng và di truyền phân tử trong chọn giống nâng cao tốc độ tăng trưởng” (2013 - 2016). Qua đó đã đạt được một số kết quả nổi bật như: Giai đoạn 2001 - 2005, đã chọn lọc được đàn cá tra qua 3 thế hệ về tốc độ tăng trưởng, đây là đàn cá tra chọn giống duy nhất tại Việt Nam và trong khu vực dựa trên lý thuyết di truyền số lượng. Chương trình chọn giống cũng sử dụng các chỉ thị phân tử (microsatellies) để đánh giá mức độ đa dạng di truyền của các quần thể thành phần.
Giai đoạn 2006 - 2010, bằng nguồn vốn của Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản đã phát tán được 35.000 cá hậu bị đến 6 trại giống ở 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Chương trình phát tán đã được tiếp tục trong năm 2010 - 2012 với số lượng 101.000 cá hậu bị đến 63 trại sản xuất giống thuộc 9 tỉnh và thành phố Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Kiên Giang thông qua Dự án cấp Bộ “Chuyển giao công nghệ sản xuất giống cá tra có chất lượng di truyền cao về tính trạng tăng trưởng cho các tỉnh ĐBSCL”. Kết quả ban đầu áp dụng tại các cơ sở sản xuất giống cho thấy đàn cá hậu bị có tốc độ tăng trưởng nhanh, cá bố mẹ có kích thước lớn, các chỉ tiêu sinh sản của cá bố mẹ tương đương với cá chưa chọn giống, kích thước cá bột lớn, cá giống tăng trưởng nhanh và có sức chống chịu tốt hơn. Đề tài KH&CN “Sản xuất cá tra giống chất lượng cao” (2016 - 2020) nghiệm thu năm 2020 tiếp tục thu được những kết quả đáng kể như: sản xuất được 60.000 cá hậu bị 1 kg tăng trưởng đạt 3,5 kg trong 2 năm; sạch bệnh; Xây dựng được 02 mô hình về quy trình sinh sản nhân tạo và ương cá bột lên cá giống cá tra từ đàn cá chọn giống G4 cung cấp; Năng suất đạt 100.000 cá bột/kg cá cái, tỷ lệ sống lên cá giống đạt tỷ lệ 21%, sản xuất được 1.000.000 cá giống/mô hình x 2 mô hình.
Năm 2018, Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL đã được xây dựng và triển khai thực hiện tại hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Qua đó, đã hình thành được các chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp gồm Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II là cấp 1, Trung tâm Giống thủy sản và các cơ sở vệ tinh sản xuất cá tra bột là cấp 2; các Chi hội ương giống cá tra là cấp 3 đã sản xuất và cung ứng khoảng 4,6 tỷ cá tra bột và khoảng 1,2 tỷ cá tra giống; Bổ sung thay thế dần đàn cá bố mẹ hiện có bằng đàn cá tra cải thiện di truyền về tốc độ tăng trưởng, phi lê và kháng bệnh với số lượng khoảng 12.320 con; Đã mời gọi được 04 doanh nghiệp tham gia đầu tư các vùng ương nuôi.
Theo đánh giá của TS Loan thông qua đề tài nghiên cứu này: Tuy sản xuất cá tra giống vùng ĐBSCL cơ bản đáp ứng nhu cầu diện tích nuôi hiện tại nhưng điều đáng lo ngại là thiếu cá tra hậu bị chất lượng, chưa có sự hợp nhất giữa cơ sở sản xuất giống và các hộ nuôi để thực hiện nghiên cứu, thử nghiệm và xây dựng một quy trình ương cá tra một cách hợp lý và hiệu quả. Đồng thời, nhiều nơi cũng chưa có sự quan tâm đúng mức về các vấn đề trong việc cải tiến và xây dựng các giải pháp để kiểm soát môi trường, dịch bệnh, cải tiến dinh dưỡng. Vì thế, việc ương cá tra giống gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, cá có tỷ lệ sống thấp.
ĐBSCL có diện tích nuôi cá tra hàng năm lên đến 6.000 ha, sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn, đây là ngành giải quyết được nhiều việc làm và mang về kim ngạch xuất khẩu trên dưới 2 tỷ USD cho đất nước.
Có thể bạn quan tâm