ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP: Doanh nghiệp gặp khó trong duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh

KHÁNH HÀ 08/10/2021 12:54

Báo cáo tình hình hoạt động của VCCI và cộng đồng doanh nghiệp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết nhiều doanh nghiệp gặp khó trong duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Báo cáo của VCCI chỉ ra, việc vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất và xuất khẩu đang bị gián đoạn. Quy định về các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế lưu thông, vận chuyển hàng hóa của các địa phương không thống nhất, gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, từ đó làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hậu quả là các doanh nghiệp bị chậm tiến độ giao hàng/nhập hàng, đơn hàng bị hủy.

Đơn cử, Tập đoàn Foxconn cho biết, tập đoàn này đã mua lại công ty con của tập đoàn Sharp tại Việt Nam (tên chính thức là SAIGON Stec Co.,ltd trụ sở tại Bình Dương) chủ yếu sản xuất camera module thông minh cho sản phẩm iphone (hiện nay sản phẩm này chiếm 60-70% sản lượng camera iphone trên toàn cầu). Hiện nay, nhà máy này đang cần gấp khoảng 6.000 lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất iphone 13 trên toàn cầu, nhưng nhà máy đang bị phong tỏa để phòng chống dịch, các lao động hiện tại (khoảng 2000 người) không được đi làm. Khách hàng của Foxconn thông báo, nếu không hoạt động trở lại, các đơn hàng này sẽ chuyển về Trung Quốc, tác động lớn đến kế hoạch phát triển Foxconn tại Việt Nam.

Tập đoàn Foxconn đề nghị tỉnh Bình Dương hỗ trợ Cty SAIGON Stec Co.,ltd (S-STEC) một số biện pháp duy trì sản xuất: (1) hỗ trợ cty thiết lập khu nhà ở dã chiến gần nhà máy đủ cho 2.000 lao động theo các quy định về giãn cách của Chính phủ Việt Nam (kiến nghị giao cho S-STEC chịu trách nhiệm kiểm soát, quản lý nhân viên ra vào, ở cố định chứ không đi lại giữa nhà máy và nơi ở theo phương án “một cung đường, hai điểm đến”; (2) hỗ trợ S-STEC tuyển dụng thêm 6.000 lao động mới.

Tập đoàn Foxconn đề nghị tỉnh Bình Dương hỗ trợ Cty SAIGON Stec Co.,ltd (S-STEC) một số biện pháp duy trì sản xuất

Tập đoàn Foxconn đề nghị tỉnh Bình Dương hỗ trợ Cty SAIGON Stec Co.,ltd (S-STEC) một số biện pháp duy trì sản xuất

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn do chi phí sử dụng lao động của doanh nghiệp bao gồm các khoản chi trả tiền lương, thưởng, phúc lợi, đóng BHXH, bảo hộ lao động, đào tạo, tuyển dụng… là một cấu phần quan trọng trong tổng chi phí của doanh nghiệp. Do phải hoạt động trong điều kiện của đại dịch, nên chi phí lao động đã tăng lên đột biến khi phải chi thêm phúc lợi xã hội, cho lao động nghỉ việc có hưởng lương, chi phí thêm về ăn ở cho người lao động.

Đặc biệt, các doanh nghiệp áp dụng “3 tại chỗ”, chi phí lao động đơnvị (tính bình quân trên 1 lao động đang làm việc) đã tăng lên rất nhiều, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Một số nguyên nhân tác động năng suất làm việc từ xa do COVID-19 chưa có tiền lệ, doanh nghiệp và người lao động chưa được chuẩn bị. Doanh nghiệp và lao động chưa được đào tạo, làm quen với làm việc từ xa, chưa được cung cấp kiến thức, cơ sở vật chất tương ứng. Cả doanh nghiệp và người lao động hiện coi làm việc từ xa là giải pháp tạm thời, tình thế nên chưa có chính sách, chiến lược dài hạn hơn, hướng tới gắn với năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh của làm việc từ xa. Đồng thời, chưa có khung pháp lý, văn bản Luật pháp liên quan đến năng suất, chất lượng việc làm, đảm bảo an toàn sức khỏe nghề nghiệp, vệ sinh nơi làm việc…cho làm việc từ xa.

Mức độ tăng chi phí an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cũng đáng kể với các doanh nghiệp. Ví dụ, với nhóm các doanh nghiệp trên 500 lao động, có 44,44% số doanh nghiệp tăng chi phí ATVSLĐ từ 10-20% và có 5,56% số DN tăng chi phí ATVSLĐ từ 20- 30%14. Trong bối cảnh sản xuất khó khăn, thậm chí phải thu hẹp sản xuất, việc tăng thêm các chi chí ATVSLĐ, đặc biệt là chi cho các biện pháp phòng dịch như chi phí test vi rút, đảm bảo vệ sinh an toàn lao động khi thực hiện mô hình “3 tại chỗ”, “2 điểm đến 1 cung đường”, “luồng xanh”,... lại đang là gánh nặng đối với nhiều DN. Theo các Hiệp hội doanh nghiệp, nguồn lực của các doanh nghiệp đang cạn kiệt do phải chi phí rất nhiều cho phòng chống dịch.

Chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, đội chi phí giá thành sản xuất. Tình trạng thiếu nghiêm trọng container rỗng, giá thuê container tăng 5-10 lần, chi phí vận chuyển logistics tăng từ 2-4 lần, có thời điểm lên đến thậm chí gấp 7-8 lần so với thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát và chưa hạ nhiệt đang trở thành một trong những thách thức rất lớn với doanh nghiệp cả ở chiều xuất lẫn nhập khẩu. Nhiều khoản chi phí mới phát sinh liên quan đến công tác phòng, chống dịch như: chi phí xét nghiệm (đối với các doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp có nhiều lao động chi phí này có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng); chi đầu tư để đáp ứng các điều kiện về kiểm soát an toàn dịch bệnh tại doanh nghiệp. Chi phí lưu kho, lưu bãi tăng, cước vận chuyển tăng, tình hình sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ.

Dòng tiền của doanh nghiệp bị thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến gặp khó khăn để có thể trang trải các khoản chi phí để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh như: các khoản chi phí cho người lao động (trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn…). Do thiếu hụt dòng tiền nên hầu hết các doanh nghiệp rất khó khăn trong việc trả lãi vay đúng hạn, dẫn đến tình trạng nợ xấu, khó có thể tiếp cận các khoản vay mới. Ngoài ra, các doanh nghiệp vẫn phải chi trả tiền thuê mặt bằng, cửa hàng, nhà xưởng trong khi phải tạm ngưng hoạt động.

Chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng, nếu đợt dịch bùng phát kéo dài có thể bị mất thị trường do bạn hàng thay đổi chuỗi cung ứng. Nhiều doanh nghiệp quy mô lớn với hàng trăm, hàng nghìn lao động đã phải tạm ngừng sản xuất, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và người lao động; một số tập đoàn FDI lớn có các nhà máy vệ tinh trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam (OEM) đang xem xét tìm nhà cung ứng thay thế từ các cơ sở sản xuất khác.

Khó khăn về lao động và nhập cảnh cho chuyên gia. Để cầm cự trước dịch bệnh nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động. Điều này sẽ gây khó khăn rất lớn cho việc tìm kiếm nguồn lao động trở lại của các doanh nghiệp khi phục hồi sản xuất sau dịch bệnh, đặc biệt là đối với các ngành nghề yêu cầu lao động có tay nghề, chuyên môn nhất định như cơ khí, điện tử… Các doanh nghiệp FDI còn gặp khó khăn với vấn đề nhập cảnh và việc gia hạn hoặc cấp giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài.

Do ảnh hưởng của dịch covid 19 nặng nề và thời gian giãn cách kéo dài (nhất là đợt dịch bùng phát vào tháng 7-2021), nhiều doanh nghiệp khó có thể duy trì, buộc phải dừng sản xuất và đóng cửa, người lao động mất việc và dẫn đến xuất hiện làn sóng người lao động di chuyển khỏi tỉnh, thành phố lớn (Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…). Điều này có nguy cơ cao là ngay khi hết thời gian giãn cách, tình hình dịch Covid-19 giảm thì doanh nghiệp khó có thể phục hồi ngay năng lực sản xuất do thiếu hụt lao động, đặc biệt lao động có kỹ năng, tay nghề cao.

Nhìn chung, đại dịch Covid-19 đang tác động nghiêm trọng đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp và thấm sâu vào nền kinh tế, đặc biệt trong quý III/202115. Về sức chịu đựng của doanh nghiệp Việt Nam trước tình trạng kéo dài của dịch bệnh, kết quả khảo sát cho thấy một doanh nghiệp điển hình chỉ có thể cầm cự thêm tối đa 6 tháng.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê về tình hình doanh nghiệp quý III và 9 tháng năm 2021, bình quân một tháng có khoảng 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Con số này cho thấy nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng như thế nào từ đại dịch.

Tuy vậy, mặc dù chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19 trong hai năm qua nhưng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung đã và đang nỗ lực hết khả năng để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh không bị gián đoạn, chủ động điều chỉnh mô hình sản xuất, có phương án điều tiết nhân sự để đảm bảo vận hành sản xuất an toàn, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, xã hội, đồng hành cùng Đảng và Nhà nước trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Có thể bạn quan tâm

  • ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP: Doanh nghiệp gặp khó với công tác y tế, phòng chống dịch bệnh Covid-19

    ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP: Doanh nghiệp gặp khó với công tác y tế, phòng chống dịch bệnh Covid-19

    10:11, 08/10/2021

  • QUỐC HỘI VỚI DOANH NHÂN, DOANH NGHIỆP: Để Luật không có “màu xám”...

    QUỐC HỘI VỚI DOANH NHÂN, DOANH NGHIỆP: Để Luật không có “màu xám”...

    11:20, 08/10/2021

  • QUỐC HỘI VỚI DOANH NHÂN, DOANH NGHIỆP: Ngân hàng cần được hoàn thiện môi trường pháp lý

    QUỐC HỘI VỚI DOANH NHÂN, DOANH NGHIỆP: Ngân hàng cần được hoàn thiện môi trường pháp lý

    11:00, 08/10/2021

  • QUỐC HỘI VỚI DOANH NHÂN, DOANH NGHIỆP: Ba kiến nghị của BIDV

    QUỐC HỘI VỚI DOANH NHÂN, DOANH NGHIỆP: Ba kiến nghị của BIDV

    05:15, 08/10/2021

  • QUỐC HỘI VỚI DOANH NHÂN, DOANH NGHIỆP: Công nhân cần được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine

    QUỐC HỘI VỚI DOANH NHÂN, DOANH NGHIỆP: Công nhân cần được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine

    00:05, 08/10/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP: Doanh nghiệp gặp khó trong duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO