Động lực chính giúp ngành hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục bay cao

Linh Nga 19/02/2019 00:45

Năm 2019, ngành hàng không được dự báo sẽ tiếp tục bay cao nhờ tăng trưởng hành khách ổn định, lợi nhuận của các hãng vận tải hàng không, cảng hàng không và dịch vụ.

Ngành hàng không thực tế bao gồm các nhóm ngành: sản xuất máy bay, cho thuê máy bay, cảng hàng không, vận tải hàng không và dịch vụ/nhà ga hàng hóa. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có doanh nghiệp sản xuất máy bay, các hãng hàng không đặt mua từ các doanh nghiệp sản xuất máy bay lớn trên thế giới: Boeing, Airbus, ATR.

Chỉ có duy nhất Công ty cổ phần cho thuê máy bay Việt Nam (VALC – HVN sở hữu 32,5%) xếp thứ 46 trong số những doanh nghiệp cho thuê máy bay trên thế giới tính trên giá trị của tài sản cho thuê (theo thống kê của Airfinance Journal).

Dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) cho biết ngành hàng không Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh nhất, trở thành thị trường lớn thứ 15 trong năm 2035.

Theo phân tích của FPT Securities, trong năm 2019, lượng hành khách của ngành hàng không sẽ tăng trưởng ổn định với sự trợ lực từ du lịch. Sản lượng hành khách thông qua cảng trong 9 tháng đầu năm 2018 đạt 79,3 triệu khách, 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái, với tỷ trọng hành khách quốc tế tăng dần đạt 34% năm 2018. Lượng hành khách thông qua cảng hàng không có thể đạt 127 triệu khách vào năm 2021và 185 triệu khách vào năm 2025.

Với kỳ vọng tỷ lệ hành khách quốc tế tăng lên từ các hãng hàng không Việt Nam mở các chuyến bay sang các thị trường mới, đặc biệt ở khu vực Đông Bắc Á và động lực từ việc phát triển ngành du lịch, lợi nhuận của các hãng vận tải hàng không, cảng hàng không và dịch vụ đều được kỳ vọng tăng trưởng lớn trong năm 2019.

Bên cạnh đó, ngành hàng không cũng sẽ được hưởng lợi từ việc tăng tỷ trọng khách quốc tế. Cụ thể, với vận tải hàng không: Doanh thu phụ trợ gồm hành lý, chỗ ngồi của khách quốc tế cao hơn nội địa. Với cảng hàng không: giá dịch vụ hành khách quốc tế cao gấp 7 lần so với khách nội địa.

Còn với dịch vụ, bao gồm: dịch vụ mặt đất, đảm bảo an toàn bay, dịch vụ suất ăn hàng không, bán hàng miễn thuế, các cửa hàng tại khu vực cách ly đều tăng trưởng nhờ khách quốc tế.

Cũng theo nhóm phân tích FPT Securities, giá dầu trong xu hướng giảm và ổn định trong năm 2019 cũng là một tin tốt lành đối với hàng không. Theo đó, sau khi tăng vọt lên ở mức 86 USD/thùng tại thời điểm tháng 10/2018, hiện tại giá dầu brent xoay quanh mức 60 USD/thùng (giảm hơn 30%).

Dự báo của một số tổ chức như Worlbank, OECD hay EIA cũng cho thấy giá dầu trong năm 2019 sẽ ổn định ở mức 72 USD/thùng. Với cơ cấu chi phí hơn 30% từ giá nhiên liệu, việc giá dầu ổn định trong năm 2019 sẽ là yếu tố hỗ trợ cho đà tăng trưởng của các hãng vận tải hàng không.

Tuy nhiên nhóm phân tích cũng cho rằng ngày càng có sự cạnh tranh cao ở nhóm doanh nghiệp nhà ga, hàng hoá dịch vụ. Nếu như trước đây, các doanh nghiệp tham gia trong mảng cung cấp suất ăn hàng không đều là công ty con hoặc công ty liên kết của HVN. Năm 2017, công ty Dịch vụ Suất ăn hàng không (VINACS) tham gia thị trường, cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp Suất ăn Hàng không Nội Bài - Nội Bài Catering Services (NCS), Công ty TNHH MTV Suất ăn hàng không Việt Nam (VACS) và Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (MAS).

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Động lực chính giúp ngành hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục bay cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO