Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ tại Đông Nam Á.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Và để có được những kết quả như hiện tại, hệ thống chính sách pháp luật đóng vai trò động lực…
Đây là chia sẻ của Doanh nhân Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CNC Tech, Chủ tịch CLB Đầu tư và Khởi nghiệp Doanh nhân trẻ Việt Nam với Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu. Việt Nam hiện đang đứng đâu trên bản đồ toàn cầu, thưa ông?
Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ tại Đông Nam Á. Chúng ta đứng thứ 58 trên toàn cầu và tự hào lọt vào top 3 của khu vực, chỉ sau Singapore và Indonesia.
Với hơn 3.800 startup đang hoạt động, và trong năm 2022, các doanh nghiệp này đã thu hút tới 1,4 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm, một con số tăng gấp 4 lần so với năm 2020. Điều này chứng tỏ sức hấp dẫn và tiềm năng không ngừng của Việt Nam trên bản đồ khởi nghiệp thế giới.
- Để có những kết quả đã nêu, theo ông, đâu là động lực tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam?
Chính sách của Chính phủ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ và phát triển bền vững. Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến hàng loạt các văn bản pháp luật được ban hành nhằm hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt là Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, và các Nghị định chi tiết. Những chính sách này không chỉ giúp các doanh nghiệp tháo gỡ các rào cản pháp lý, mà còn tạo điều kiện cho họ tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn, thông qua các quỹ hỗ trợ, bảo lãnh tín dụng, và các chương trình ươm tạo.
Đặc biệt, Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2030 là một bước tiến chiến lược, giúp định hướng dài hạn cho việc đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu, chính sách này khuyến khích các doanh nghiệp tập trung vào nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới, tạo ra sản phẩm và dịch vụ có giá trị cao. Những nỗ lực này sẽ không chỉ thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển mà còn giúp Việt Nam gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, các chính sách khuyến khích đầu tư và hỗ trợ về thuế cũng đang góp phần không nhỏ vào việc tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi hơn cho các startup. Chính phủ đã đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp khởi nghiệp đối với nền kinh tế và không ngừng cải tiến cơ chế để tạo động lực cho sự phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì hiện nay, quá trình khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo, các startup vẫn còn gặp nhiều áp lực, khó khăn xuất phát từ cơ chế chính sách cũng như thiếu vốn, kinh nghiệm…
- Là một trong những Doanh nhân thành công từ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, để tăng hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong hệ sinh thái này, ông có đề xuất, khuyến nghị gì?
Để tăng hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ phía Chính phủ thông qua việc đơn giản hóa các thủ tục pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư và phát triển các chính sách hỗ trợ tài chính cụ thể cho các startup. Đặc biệt, việc đầu tư vào giáo dục và đào tạo để nâng cao trình độ nhân lực trong lĩnh vực công nghệ cũng là yếu tố then chốt.
Bên cạnh đó, khi xây dựng chính sách về khởi nghiệp sáng tạo cần thống nhất, đồng bộ hóa các cơ chế, chính sách hiện đang quy định phân tán trong các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau.
Đặc biệt, cần phải sớm có cơ chế, chính sách chung, có trọng điểm về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo theo thông lệ quốc tế, nhất là các chính sách chấp nhận mức rủi ro cao, hình thành các trung tâm về đổi mới sáng tạo, cơ chế chia sẻ và dùng chung hạ tầng nghiên cứu và phát triển.
- Trân trọng cảm ơn ông
Chính sách thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo
Trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo như ngày 16/5/2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, với mục tiêu đến năm 2020 xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững. Và để cụ thể hóa Nghị quyết này, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTg, ngày 18/5/2016 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” với mục tiêu: Khẩn trương hoàn thiện cơ sở pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, xác định những hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo… đặc biệt, đến ngày 12/6/2017, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành đã chính thức xác lập địa vị pháp lý của các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Tiếp sau Luật này là hàng loạt các văn bản pháp lý liên quan đến khởi nghiệp, như: Nghị định số 39/2018/NĐ-CP, ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nghị định số 34/2018/NĐ-CP, ngày 08/3/2018 về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ... Chỉ thị số 09/CT-TTg về việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; Nghị định số 80/2021/NĐ-CP, ngày 26/8/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đặc biệt, ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 569/QĐ- TTg ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.