Luôn có cơ hội trên thị trường chứng khoán với các thời điểm mua tốt nhất, kể cả khi VN-Index vượt 1.300 điểm.
Đây là quan điểm của ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích Ngành và Cổ phiếu Chứng khoán VPBank (VPBankS).
Trả lời câu hỏi về việc "Chúng ta có nên chờ một lớp nhà đầu tư F0 mới thị trường mới rực rỡ hay lượng tiền hiện nay đã đủ để chứng kiến thị trường vượt 1.300? Và đâu là thời điểm mua tốt nhất", ông Đào Hồng Dương cho rằng, tính sôi động của thị trường rất quan trọng. Năm 2021, giai đoạn thị trường tăng mạnh nhất về mặt chỉ số, 3 ngành ngân hàng, chứng khoán, thép đồng loạt lên. Nhà đầu tư có tiền chỉ nắm giữ một trong 3 ngành, hoặc giàn trải ra 3 ngành, cơ hội rất ít. Còn khoảng thời gian từ 1.100 – 1.300 kéo dài rất lâu, tạo nhiều cơ hội cho nhà đầu tư có thể kiếm tiền, chiến thắng được chỉ số.
"Tôi cho rằng tính sôi động của thị trường có lẽ là sẽ khiến nhà đầu tư hạnh phúc hơn là việc bứt phá một mạch về mặt chỉ số, chưa chắc đã là chỉ báo tốt. Tuy nhiên, thị trường vượt 1.300 như pháo hiệu để nhà đầu tư tham gia thị trường ở góc nhìn tích cực hơn, ông Dương chia sẻ trong chương trình "Khớp lệnh – Tài chính thịnh vượng".
Chuyên gia VPBankS cũng nhận định: "Thị trường có nhiều cơ hội, VN-Index vượt 1.300 chưa mua kịp thì sau đó vẫn có thể có cơ hội có khi tốt hơn. Tôi cho rằng nhà đầu tư nên cập nhật thông tin, diễn biến thị trường và có hành động phù hợp. Mọi hành động tại mỗi thời điểm chỉ cần đúng thôi đã luôn có thành quả tốt".
Chia sẻ về tình hình vĩ mô quý cuối năm và cơ hội đầu tư cuối năm, ông Đào Hồng Dương cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất là yếu tố ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán, đồng thời cũng phải theo dõi diễn biến nền kinh tế Mỹ có rời vào suy thoái hay không.
Đối với nền kinh tế trong nước, trong 8 tháng đầu năm có nhiều điểm tích cực và đáng mừng. GDP tăng 6,42% trong 6 tháng đầu năm. Trong cấu phần GDP tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đây là động lực rất tốt. Bên cạnh đó, bão Yagi đi qua và theo đánh giá của nhiều tổ chức phân tích ảnh hưởng đến GDP không đáng kể, chỉ khoảng 0,15%.
Lạm phát 8 tháng đầu năm khoảng 3,45%, vẫn trong tầm kiểm soát theo mục tiêu Chính phủ đề ra, tạo dư địa cho chính sách tiền tệ. Cán cân thương mại thặng dư 19 tỷ USD, riêng tháng 8 có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. FDI đăng ký đạt 21 tỷ USD, thực hiện khoảng hơn 14 tỷ USD. Với những số liệu như vậy, áp lực tỷ giá cũng có căn cứ để tiếp tục xu hướng giảm dần.
Tổng bán lẻ tăng 8,5%, có thể không cao so với hằng năm nhưng so với nền cao của 2023 và ghi dấu phục hồi tốt của ngành du lịch, đã vượt xa trước Covid. Cuối cùng là đầu tư công đã đạt hơn 40% kế hoạch cho đến tháng 8, ước tính khoảng 275.000 tỷ đồng được giải ngân. Giải ngân đầu tư công thường được đẩy mạnh vào quý IV nên tôi cho rằng năm nay sẽ đạt được kế hoạch 90 – 100%.
Nhìn chung, bức tranh vĩ mô Việt Nam chưa thấy rủi ro quan ngại thị trường phản ứng xấu theo.
Áp lực tỷ giá là một trong yếu tố quan trọng, hàng đầu ảnh hưởng đến xu hướng chính sách tiền tệ Việt Nam. Tỷ giá đang hạ nhiệt rất nhanh và mạnh.
Chênh lệch lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ và Việt Nam cùng tỷ giá có mối tương quan. Vào khoảng tháng 7/2023, tỷ giá bắt đầu tương đối căng thẳng. Ở thời điểm đó, với nền lãi suất cao của Mỹ khiến lợi tức trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng cao ở tất cả kỳ hạn, trong đó kỳ hạn 10 năm vượt 5%, đỉnh cao nhiều năm.
Morgan Stanley ra báo cáo đánh giá tầm ảnh hưởng của sự kiện này, ảnh hưởng đến TTCK nhiều quốc gia. Họ dựa trên 2 yếu tố chính là nền lãi suất và cán cân vãng lai của các quốc gia khu vực châu Á để đánh giá mức độ ảnh hưởng nặng, nhẹ của lợi tức trái phiếu Mỹ lên đỉnh điểm. Từ đó, nhóm bị ảnh hưởng lớn là các nền kinh tế có độ mở cao, có dự trữ ngoại hối ở mức khiêm tốn và nền lãi suất thấp hơn Mỹ. Theo đó, Phillippines, Thái Lan là những quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh.
Việt Nam không nằm trong diện báo cáo của Morgan Stanley. Việt Nam sẽ chỉ bị ảnh hưởng dưới trung bình nhưng vẫn chịu sức ép tỷ giá lớn, chuyên gia nhận định.
Tháng 7/2023 đến tháng 3/2024, tỷ giá Việt Nam thực sự chịu áp lực lớn, có thời điểm chênh lệch lãi suất lên đến hơn 2%. Ở thời điểm đó, ngân hàng đã có động thái đưa lãi suất thị trường mở ở các kỳ hạn ngắn lên để kéo giãn chênh lệch lãi suất, qua đó kéo lãi suất liên ngân hàng vọt lên hơn 4%.
Ở thời điểm hiện tại, áp lực tỷ giá đã hạ khá nhanh. Thứ 2 là chênh lệch lợi tức giữa trái phiếu chính phủ 10 năm của Việt Nam và Mỹ có xu hướng thu hẹp nhanh. Yếu tố này giảm áp lực lên tỷ giá và tạo dư địa cho chính sách tiền tệ ở mức linh hoạt để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.
Tiếp theo, câu hỏi khối ngoại bao giờ trở lại? Chúng ta chứng kiến khối ngoại đã bán ròng rã thời gian qua. Nếu xem mối liên quan giữa chênh lệch lợi tức trái phiếu chính phủ của Mỹ và Việt Nam với việc khối ngoại bán ròng thì sẽ thấy có sự tương quan. Nếu gap nở ra thì bán ròng mạnh, mạnh nhất ở giai đoạn lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ lên đỉnh 5%. Đến hiện tại, khi chênh lệch thu hẹp về 1% thì đà bán ròng giảm đáng kể.
Sự chênh lệch lãi suất giữa 2 bên giảm đi thì sức hút của TTCK Việt Nam đang dần tăng lên trong mắt của nhà đầu tư nước ngoài. Ở đây, tôi kỳ vọng gap này tiếp tục thu hẹp nữa thì theo một chu kỳ khối ngoại sẽ quay trở lại thị trường Việt Nam trong thời gian ngắn tới, ông Đào Hồng Dương nói.
Nền lãi suất Việt Nam tiếp tục duy trì mức thấp. Trong đó, nền lãi suất tiết kiệm bắt đầu hạ từ tháng 9/2023 đến tháng 4/2024 nhích nhẹ trở lại. Tuy nhiên, trong trường hợp so sánh lãi suất tiết kiệm của ngân hàng quốc dân gần như không thay đổi trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6, các ngân hàng thương mại nhích nhẹ nhưng không đáng kể.
Đại diện VPBankS cũng nhấn mạnh, các nhà phân tích CTCK này có thống kê danh sách ngân hàng thương mại và quốc dân để thấy mức lãi suất cho vay giảm đáng kể. Lãi suất cho vay của các ngân hàng tại quý II/2024 đã giảm rất nhiều so với 2024, từ 9,84%/năm xuống 8,68%/năm.
Chênh lệch giữa lãi suất cho vay đầu ra bình quân và trái phiếu Chính phủ 10 năm giảm từ 7%/năm về 6%/năm và đang trong xu hướng tiếp tục giảm. Điều này thể hiện sự cải thiện rất mạnh trong môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng như niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam. Đây là chỉ báo để đánh giá mức độ hấp dẫn của TTCK Việt Nam với nước ngoài.
"Trong thị trường lình xình 1.300 thì thị trường có nhiều cơ hội không? Thống kê cho thấy, VN-Index tăng khoảng 14% từ đầu năm đến nay, nhưng số mã đánh bại VN-Index là 145 mã trên tổng số 391 mã trên HoSE. Đây là con số cho thấy thị trường lình xình nhưng số mã có mức tăng vượt trội hơn VN-Index lớn, tỷ trọng đến 40%. Như vậy, cơ hội cho nhà đầu tư tham gia thị trường trong giai đoạn này là có. Tôi cho rằng thị trường sẽ tích cực hơn và cơ hội đã xuất hiện rồi", ông dự báo.
Nhóm có lợi nhuận tạo đáy cuối 2023 và phục hồi nửa đầu năm 2024 thì cổ phiếu tăng giá vượt trội so với thị trường như bán lẻ, du lịch giải trí, hàng không, thép. Do đã tăng mạnh rồi nên cơ hội tiếp theo của nhóm ngành này dựa trên đà phục hồi lợi nhuận tiếp theo ra sao, theo chuyên gia phân tích.
Tiếp theo, nhóm đi ngang và ổn định gồm nhóm thực phẩm, đồ uống, hàng cá nhân và gia dụng, biến động không bao nhiêu so với VN-Index.
Nhóm thứ 3 là nhóm tăng trưởng ổn định gồm ngân hàng, dịch vụ tài chính, công nghệ thông tin.
Ngoài ra, cụ thể hơn với nhóm ngân hàng, theo đại diện VPBankS, ngành ngân hàng luôn là lựa chọn hàng đầu của nhà đầu tư trong một "big trend" (xu hướng lớn). Về mặt vốn hóa, ngành ngân hàng chiếm trên 60% tổng vốn hóa thị trường.
Về mặt giao dịch, ngành ngân hàng thường dẫn sóng, rất khó để có được biểu đồ phân tích kỹ thuật đẹp để đi vào big trend nếu ngành ngân hàng không tăng.
Về thanh khoản, ngành ngân hàng chiếm từ 28 – 42% tổng khớp lệnh thị trường. Đây là lựa chọn tốt cho các quỹ đầu tư lớn, bởi họ sẽ rót tiền vào nhóm có thanh khoản lớn.
Cuối cùng, kết quả kinh doanh, ngành ngân hàng chiếm khoảng 52% tổng lợi nhuận trước thuế của sàn niêm yết. Cho nên ngành ngân hàng là hàn thử biểu quan trọng cho thị trường chứng khoán.
Với ngành bất động sản (BĐS), dữ liệu cho thấy thị trường bất động sản và chứng khoán khá đồng pha, do liên quan đến kinh tế vĩ mô. Nhìn lượng giao dịch của thị trường BĐS nửa đầu năm 2024 cũng không thực sự sôi động, tập trung ở Hà Nội và TP.HCM tại phân khúc căn hộ chung cư.
Với dòng tiền vào bất động sản, bên cạnh tiết kiệm của người dân thì phải xem đến dòng tiền tín dụng. Tính đến tháng 5 và 6, tín dụng bất động sản khoảng 21% tổng dư nợ Việt Nam, trong đó tín dụng tiêu dùng 1,8 lần so với kinh doanh. Năm 2023 ghi dấu sự giảm của tín dụng tiêu dùng BĐS. Tôi kỳ vọng tín dụng BĐS năm 2024 sẽ tăng lên nhờ 2 động lực gồm nhu cầu và nền lãi suất thấp.
Ở góc nhìn của chuyên gia, thị trường bất động sản phục hồi nhưng không phải yếu tố kéo dòng tiền đi. 2 thị trường này sẽ có biến động tích cực song song, liên quan đến thị trường tiền tệ.
Tóm lại, dựa trên bức tranh chung về vĩ mô khả quan, dư địa chính sách tiền tệ, nền lãi suất rẻ và sức hút thị trường chứng khoán với nhà đầu tư nước ngoài cải thiện, tôi cho rằng những rủi ro về ngắn hạn đang tạm thời hạn chế, ông Dương nêu.
Mặt khác, so sánh E/P của VN-Index hiện đang ở mức khoảng trên dưới 7%, so với lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng hấp dẫn để đầu tư.
Trên cơ sở đó, theo chuyên gia, chiến lược đầu tư cuối năm trong mọi trường hợp, nhà đầu tư nên chia thành nhiều giỏ khác nhau. Bởi việc lựa chọn danh mục tăng trưởng tốt cũng phải đối mặt rủi ro đà phục hồi có tích cực hay không. Bù lại, nhóm tăng trưởng ổn định tỷ suất lợi nhuận không tệ nhưng khi so với mức độ rủi ro thì cũng tương đối ở mức độ hợp lý.
"Tôi cho rằng xây dựng danh mục phù hợp khẩu vị rủi ro ở hiện tại và có thể điều chỉnh cho khẩu vị thay đổi trong tương lai là phương án tốt nhất đối với nhà đầu tư. Chia rổ danh mục phù hợp với năng lực tài chính phù hợp và có thể điều chỉnh cho phù hợp với năng lực tài chính tương lai", Giám đốc Phân tích Ngành và Cổ phiếu VPBankS chia sẻ.
.