Sau 15/8, dù áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo hướng nào, thì doanh nghiệp trên địa bàn Đồng Tháp cần phải đảm bảo nguyên tắc “4 tại chỗ”.
Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, hiện nay, tỉnh Đồng Tháp có 3 việc lớn phải thực hiện là tích cực tầm soát, mở rộng “vùng xanh”, nâng cao hiệu quả điều trị bệnh nhân COVID-19 (F0). Đây là 3 vấn đề lớn nhất mà Đồng Tháp phải tập trung làm quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch.
Những ngày gần đây, công tác phòng, chống dịch của tỉnh Đồng Tháp đạt những kết quả tích cực như số lượng mẫu lấy xét nghiệm tầm soát, người hoàn thành cách ly, người xuất viện... đều tăng. Đặc biệt, 12 huyện, thành phố tích cực đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng COVID-19 đợt 6.
Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, thời gian thực hiện Chỉ thị số 16 (giai đoạn 2) trên địa bàn tỉnh không còn nhiều. Do vậy, các địa phương, các tiểu ban cần chủ động đánh giá tình hình và có giải pháp phòng, chống dịch thời gian tới. Đồng thời yêu cầu, các huyện, thành phố chú trọng tầm soát COVID-19 trên diện rộng để dần mở rộng “vùng xanh”, thu hẹp “vùng đỏ”; rà soát lại địa bàn và tính toán phương thức thực hiện xét nghiệm tầm soát phù hợp. Các ngành chức năng cần theo dõi, phản bác những thông tin sai sự thật liên quan đến dịch COVID-19; quan tâm hỗ trợ những người gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch...
Về thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các địa phương phải siết chặt, không buông lỏng, cố gắng thực hiện đạt mục tiêu đề ra, đồng thời có phương án tiếp tục thực hiện tối đa đến ngày 25/8 theo Nghị quyết số 86/NQ-CP của Chính phủ và cố gắng đạt mục tiêu kiểm soát tình hình sớm nhất có thể.
Nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch, vừa tháo gỡ khó khăn để phát triển kinh tế”, chuẩn bị phương án sản xuất công nghiệp và cung ứng hàng hoá thiết yếu ứng phó với dịch COVID-19 trong giai đoạn mới, Đồng Tháp đã đưa ra 03 kịch bản sau ngày 15/8.
Cụ thể,: Kịch bản 1: Tình hình dịch diễn biến còn phức tạp, tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị số 16/CT-TTg; Kịch bản 2: Thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh trên mức Chỉ thị số 15/CT-TTg, trong điều kiện còn một số địa phương dịch diễn biến khá phức tạp; Kịch bản 3: Giãn cách xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị số 15/CT-TTg.
Ông Phạm Thiện Nghĩa cho biết, việc lựa chọn 01 trong 03 kịch bản đưa ra sẽ dựa trên cơ sở diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn và nhu cầu của doanh nghiệp. Lãnh đạo tỉnh sẽ thống nhất và cho chủ trương áp dụng biện pháp giãn cách xã hội sau ngày 15/8.
“Sau 15/8, dù áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo hướng nào, thì doanh nghiệp muốn hoạt động phải đảm bảo nguyên tắc “4 tại chỗ”: Sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, ở tại chỗ và y tế tại chỗ” - ông Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh.
Đối với y tế tại chỗ, nếu không đủ điều kiện tổ chức thì doanh nghiệp ký hợp đồng với cơ quan y tế, đảm bảo việc chăm sóc sức khoẻ, xét nghiệm định kỳ cho công nhân, tiến tới tiêm vắc xin cho toàn bộ công nhân lao động; cam kết thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch của ngành chức năng.
Ngoài ra, đối với doanh nghiệp bổ sung lao động có thể linh hoạt áp dụng “1 cung đường 2 điểm đến”; người lao động sẽ được quản lý từ nhà máy đến nơi ở, được xét nghiệm tầm soát COVID-19 trước khi vào làm việc.
Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 105/431 doanh nghiệp đang hoạt động theo nguyên tắc 03 tại chỗ với 14.893/54.116 lao động làm việc. Có 102/182 chợ truyền thống đang hoạt động; 01 Trung tâm thương mại; 7/7 siêu thị tổng hợp và 44/53 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động, các kênh bán hàng online tăng mạnh.
Chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp mong muốn các doanh nghiệp cùng nỗ lực vượt qua khó khăn với tinh thần lạc quan, tập trung thực hiện mục tiêu kép: vừa khôi phục kinh tế, vừa tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch.
UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đã thành lập Ban Nghiên cứu đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Bên cạnh việc nghiên cứu, đánh giá tác động của tình hình dịch bệnh đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, xây dựng kịch bản ngắn hạn và dài hạn ứng phó với đại dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Ban Nghiên cứu cũng đề xuất các giải pháp, biện pháp cụ thể nhằm thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”: bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân; duy trì, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân...
Có thể bạn quan tâm
Cảm động hình ảnh các bác sĩ từ Huế hỗ trợ Đồng Tháp điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng
11:00, 12/08/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Đồng Tháp bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép”
20:24, 20/07/2021
Đồng Tháp: Nỗ lực vì môi trường đầu tư, kinh doanh hiệu quả
04:48, 27/12/2020
Đồng Tháp: Đề xuất giải pháp chuyển đổi số và liên kết chuỗi trong nông nghiệp
17:12, 21/12/2020