Cùng với cổ phiếu ngân hàng, dệt may, thuỷ sản, nhóm cổ phiếu bất động sản (BĐS) đang tạo sức lan toả cao. Tuy nhiên, không phải cổ phiếu BĐS nào cũng tạo được lực hút dòng tiền.
Không chỉ tăng mạnh về giá, nhóm cổ phiếu BĐS có vốn hoá lớn cũng thu hút rất mạnh dòng tiền của cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Cụ thể, trong top cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất trên thị trường, có sự góp mặt của nhiều cổ phiếu BĐS như VIC, VRE, VHM HBC …
Có thể bạn quan tâm
10:06, 22/01/2019
00:56, 01/12/2018
09:00, 01/12/2017
12:24, 24/11/2017
Trong phiên giao dịch ngày 12/2, cổ phiếu VIC tiếp tục hút dòng tiền với 527 triệu đơn vị cổ phiếu được khớp lệnh với tổng giá trị chuyển nhượng lên tới 53,9 tỷ đồng.
Năm 2018 VIC chiếm ngôi vương với doanh thu hợp nhất lần đầu vượt mức 100.000 tỷ đồng, đạt 122.575 tỷ đồng - tăng 37% so với năm 2017. Đóng góp lớn nhất vào tổng doanh thu của VIC vẫn là chuyển nhượng BĐS, đạt 83.600 tỷ đồng - tăng hơn 21.000 tỷ so với năm 2017 và chiếm 68% tổng doanh thu toàn tập đoàn.
Với mức lãi trước thuế 19.600 tỷ đồng, VHM ngay lập tức trở thành quán quân lợi nhuận trên sàn. Doanh nghiệp này mới chỉ được tái cấu trúc thành công ty chủ chốt trong mảng phát triển nhà ở mang thương hiệu VinHomes và VinCity của tập đoàn Vingroup từ đầu năm 2018. Trong phiên giao dịch ngày 11/2, hơn 353 ngàn đơn vị cổ phiếu được khớp lệnh với tổng giá trị mỗi phiên 44 tỷ đồng…
Việc Đất Xanh Group (DXG) lọt vào danh sách thành viên CLB lãi nghìn tỷ là điều hoàn hoàn bất ngờ. Năm 2018 DXG đã công bố doanh thu tăng 61% so với cùng kỳ, đạt 4.645 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.723 tỷ đồng, tăng trưởng 58,7% so với năm 2017. Nguyên nhân chủ yếu do doanh thu từ bán căn hộ và đất nền tăng gần 43%, cùng với đó doanh thu từ hợp đồng xây dựng đạt mức tăng trưởng gấp 4 lần. Nhờ lãi đột biến mà cổ phiếu DXG cũng là tâm điểm hút dòng tiền của nhà đầu tư. Trong hiên ngày 11/2, hơn 1,8 triệu đơn vị cổ phiếu DXG được khớp lệnh giá trị chuyển nhượng lên tới 43 tỷ đồng mỗi phiên.
Tuy nhiên, bức tranh của các doanh nghiệp BĐS niêm yết năm 2018 không chỉ toàn màu hồng. Ngoài 32 doanh nghiệp công bố có tăng trưởng lợi nhuận, thì cũng còn 13 doanh nghiệp có lợi nhuận sụt giảm và số lượng tương tự thua lỗ.
Trong danh sách các doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2018 có sự góp mặt của các ông lớn BĐS. Địa ốc Hòa Bình (HBC) dự tính sẽ gia nhập câu lạc bộ lãi nghìn tỷ trong năm 2018, nhưng cũng chỉ báo lãi 627 tỷ đồng, giảm 27% so với năm trước đó. So với kế hoạch lãi sau thuế 1.068 tỷ đồng, HBC chỉ mới hoàn thành 60% chỉ tiêu đề ra.
Tiếp đó là Tập đoàn FLC, mặc dù báo lãi ròng 398 tỷ đồng, tăng trưởng 5% so với 2017 nhưng với mục tiêu lãi 560 tỷ đồng nên FLC cũng mới chỉ hoàn thành được hơn 70% kế hoạch đề ra. Cùng với FLC thì một doanh nghiệp khác của bầu Quyết là FLC Faros (ROS) kết thúc năm 2018 mà mới chỉ hoàn thành được 53% mục tiêu kinh doanh.
Tập đoàn DLG (DLG) đặt mục tiêu lãi 140 tỷ đồng cao gấp hơn 2 lần mức lãi của năm 2017 nhưng kết quả cũng chỉ lãi gần 34 tỷ đồng, tương đương hoàn thành 24% kế hoạch.
Giới chuyên gia nhận định trong năm 2019, thị trường BĐS tăng trưởng không quá đột biến, nhưng sẽ đi sâu theo hướng bền vững và chất lượng. Diễn biến này sẽ tiếp tục tạo ưu thế cho những doanh nghiệp BĐS có quy mô lớn, đầu tư bài bản, sở hữu quỹ đất sạch và có đa dạng các sản phẩm cung cấp cho thị trường.
Vì vậy, nhóm cổ phiếu BĐS tiếp tục được đánh giá cao trong năm 2019, nhất là chỉ số P/E của nhóm cổ phiếu này đang dao động trong khoảng 10 lần, thấp hơn so với mức bình quân của thị trường là 15.
Ông Dương Văn Chung-Giám đốc Công ty CK MBS khu vực miền Bắc cho rằng, cùng với sự lan toả của nhóm cổ phiếu ngân hàng, dệt may, thuỷ sản, năm 2019 cổ phiếu BĐS tiếp tục hút dòng tiền, tuy nhiên nhóm này tiếp tục bị phân hoá, chỉ có các nhóm cổ phiếu lớn, kinh doanh có lãi mới thu hút được dòng tiền của nhà đầu tư…