Dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc đang có xu hướng gia tăng trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc từ bùng nổ tới leo thang qua hình thức trực tiếp đến M&A.
Điều này được thể hiện ở những con số cụ thể như, trong 11 tháng của năm 2018, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố, đã có 922 lượt góp vốn mua cổ phần của các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc tại Việt Nam với tổng vốn trên 500 triệu USD.
Cụ thể, số lượt góp vốn và cả số dự án mua vào của các nhà đầu tư Trung Quốc đang gia tăng mạnh tại Việt Nam. Tính trung bình, có trên 80 dự án được thực hiện giao dịch mua bán sáp nhập, góp vốn bởi các nhà đầu tư Trung Quốc đang diễn ra tại Việt Nam.
Trong khi số lượt góp vốn, M&A của các doanh nghiệp Trung Quốc gia tăng thì ngược lại, lượng dự án đăng ký đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc thấp hơn nhiều.
Cùng khoảng thời gian 11 tháng, số dự án được bỏ vốn gián tiếp từ nhà đầu tư Trung Quốc cao gấp 3 lần số dự án được bỏ vốn trực tiếp cũng từ Trung Quốc. 11 tháng của năm 2018, có 922 lượt góp vốn và M&A từ Trung Quốc thì đầu tư trực tiếp từ quốc gia này chỉ đăng ký 335 dự án với tổng vốn hơn 890 triệu USD.
Đáng nói, không chỉ vốn gián tiếp từ Trung Quốc, vốn gián tiếp từ Hồng Kông, Đài Loan cũng đổ mạnh vào Việt Nam trong năm nay. Đã có 105 dự án tại Việt Nam được các nhà đầu tư Hồng Kông mua lại với số vốn hơn 220 triệu USD. Các nhà đầu tư từ Đài Loan có hơn 460 dự án, với số vốn hơn 365 triệu USD.
Trước những diễn biến này, không ít nhà phân tích, chuyên gia đã cho rằng, điều này đang tạo nên những cơ hội lẫn nguy cơ buộc doanh nghiệp trong nước và Chính phủ cần hành động. Bởi, việc chuyển dịch dòng vốn từ Trung Quốc sang Việt Nam có thể không chỉ để tránh thuế mà các doanh nghiệp nước láng giềng cũng muốn tranh thủ lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết.
Nhận định cụ thể hơn về những nguy cơ, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, trường Đại học Fulbright Việt Nam đã từng cho biết: “Một trong những tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đối với Việt Nam là hàng Trung Quốc sẽ chuyển sang Việt Nam để xuất đi Mỹ, tránh việc chịu thuế cao bằng cách thông qua một công ty tại Việt Nam”.
Theo đó, các mặt hàng có lợi thế xuất khẩu, thế chân hàng Trung Quốc như nội thất, thủy sản, da (vali, túi xách) ở thị trường Mỹ tiềm ẩn rủi ro bị chuyển tải hàng hóa nhiều nhất. Nếu để tình trạng này xảy ra thì các ngành hàng sẽ chịu hoàn cảnh tương tự ngành thép năm 2017 (bị trừng phạt thuế lên tới 450%). Hơn nữa, điều này sẽ tạo cớ để Việt Nam trở thành quốc gia cuối cùng trong số năm quốc gia đang có thặng dư thương mại với Mỹ bị “tấn công” bằng thuế.
Trước những nguy cơ như vậy, cũng theo ông Thành, rất cần phải lưu tâm, bởi hiện đã có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký đầu tư vào Việt Nam nhưng là dạng FDI “giả vờ” để đưa hàng vào, lấy xuất xứ. Về phía Mỹ, kể cả trong trường hợp là có chế biến, chế tạo nhưng không áp dụng công nghệ thì cũng bị coi là hàng chuyển tải. Vì vậy, các cơ quan quản lý như hải quan cần phải kiểm tra, kiểm soát chặt để tránh nguy cơ này cho Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
01:32, 29/11/2018
07:56, 28/11/2018
15:53, 27/11/2018
14:53, 27/11/2018
Bên cạnh đó, theo kết quả khảo sát mới đây của HSBC cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam đã có cái nhìn thực tế về những tác động mà chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc gây ra, khác với sự bình tĩnh với các FTA trước đây.
Theo đó, nỗi lo sợ của các doanh nghiệp là rủi ro hàng hóa của nước chịu thuế cao bởi bất ổn thương mại sẽ đi vòng qua Việt Nam, khiến tất cả hàng hóa xuất đi từ Việt Nam sẽ chịu chung mức thuế. Các doanh nghiệp lo rằng, sẽ có vài doanh nghiệp ham lợi trước mắt để ảnh hưởng đến cả ngành, cả nền kinh tế, làm những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng bị "vạ lây".
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lo ngại nguy cơ bị thâu tóm qua M&A. Những cuộc mua bán doanh nghiệp Việt Nam của các nhà đầu tư Trung Quốc vốn đã xảy ra trong một số lĩnh vực nhưng rất kín và thường không thể hiện trên các thông báo chính thức.
“Chuyện thâu tóm trong bối cảnh hiện nay rất phức tạp. Đằng trước là quỹ nhưng đằng sau là ai thì không rõ. Khó xác định được đâu là gốc của nguồn tiền. Họ đi vòng qua nhiều hình thức khác nhau”, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam phân tích.