Để câu khách, Tiki không ngừng tung "chiêu". Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường thương mại điện tử, liệu Tiki có thoát lỗ?
Tiki là doanh nghiệp thương mại điện tử phổ biến thứ 2 tại Việt Nam sau khi giành được vị trí này từ Lazada (do Alibaba hậu thuẫn) trong quý IV năm ngoái và tiếp tục theo sát đối thủ Shopee tại thị trường Việt Nam.
Không ngừng "chơi lớn"
Ở thị trường thương mại điện tử Việt Nam, Tiki ghi dấu ấn khi khơi màn cuộc chiến tốc độ giao hàng, với 'Tiki Now'. Với việc mở rộng nền tảng năng lực kho bãi, tốc độ dường như vẫn là "át chủ bài" để lôi kéo người mua hàng của trang này.
"Một phần chiến lược dài hạn của chúng tôi là nhanh hơn và nhiều hơn", ông Trần Ngọc Thái Sơn, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch hội đồng quản trị Tiki xác nhận. Hiện Tiki có hơn 100.000 sản phẩm được giao trong 2 giờ và đang mở rộng dịch vụ sang giao 3 giờ, giao trong ngày đến qua ngày để lượng sản phẩm tăng lên vài trăm nghìn đến triệu sản phẩm có thể cung cấp.
Tiki 2 giờ lần lượt kéo theo những dịch vụ như 'Shopee nhận hàng 4 giờ', 'Sendo giao hàng 3 giờ' hay thậm chí là Lotte.vn tung 'Giao nhanh chớp mắt' trong 1 giờ, 3 giờ và 24 giờ.
Không chỉ "khơi mào" cuộc đua giao nhanh, Tiki còn "chơi lớn" với sự đầu tư chỉn chu vào các sản phẩm âm nhạc của những ngôi sao hàng đầu Vpop.
Có thể kể đến như “Lửng lơ” (B-Ray và Masew), “Bạc phận” (K-ICM ft. Jack), “Đừng yêu nữa, em mệt rồi” (Min), “Anh ơi ở lại” (Chi Pu) và “Yêu được không?” (Đức Phúc)… Điểm chung của các MV này là có cảnh nhân viên giao kiện hàng đóng logo Tiki, cuối ca khúc là thông tin thương hiệu.
Trả lời về việc vì sao không đổ tiền làm khuyến mại trong lĩnh vực thương mại điện tử như các đối thủ khác, mà lại đầu tư cho âm nhạc, ông Trần Ngọc Thái Sơn nói công ty vẫn liên tục khuyến mại nhưng “vẫn chưa đủ vì còn thiếu một yếu tố quan trọng đó là tinh thần, mà âm nhạc chính là cách ‘chăm sóc’ tinh thần”.
Ông Sơn giải thích thêm, khuyến mại là cách thu hút với những người đã biết thương hiệu còn xuất hiện trong âm nhạc là cách làm quen với khách hàng mới.
Có thể thấy, việc đầu tư “mát tay” vào hàng trăm sản phẩm âm nhạc hẳn không chỉ là món quà mà còn là chiến lược quảng cáo, phát triển khách hàng mới trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của bán hàng trực tuyến.
Đốt tiền cũng chưa "chắc thắng"?
Tuy không tiết lộ số tiền sẽ đổ vào cho các sản phẩm âm nhạc vì nói rằng nó sẽ linh động, tùy vào lượng vốn mà các nghệ sỹ cần.
Tuy nhiên, theo giám đốc một công ty sản xuất trong ngành giải trí cho biết, một MV đầu tư cỡ “Anh ơi ở lại” của Chi Pu tiết kiệm nhất cũng tiêu tốn 400-500 triệu đồng. Một nhà sản xuất độc lập khác, thì cho rằng có thể tốn đến một tỷ đồng cho sản phẩm này.
Thông thường, nhãn hàng có nhiều cách đồng hành với những MV ca nhạc của nghệ sỹ, hoặc tài trợ toàn bộ chi phí sản xuất, hoặc đóng góp 100-200 triệu đồng là có thể xuất hiện logo.
Với quyết định đầu tư cho hàng trăm dự án giải trí thì con số bỏ ra của Tiki không phải nhỏ.
Thực tế, trong các MV có sự đầu tư của Tiki, các nghệ sỹ như Chi Pu, Đức Phúc hay Min sở hữu lượng người nghe trẻ, phần nhiều dao động từ cấp ba đến đại học, vốn là độ tuổi bắt đầu làm chủ tài chính và quan tâm đến việc chi tiêu, mua sắm. Đây chính là tập khách hàng mới tiềm năng để phát triển trong bối cảnh các hãng thương mại điện tử những năm qua chấp nhận lỗ liên tục để kéo khách.
Có thể bạn quan tâm
13:20, 07/05/2019
04:56, 05/05/2019
18:10, 18/04/2019
04:28, 22/11/2018
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh doanh không mấy khả quan năm 2018 khi Tiki lỗ 757 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên khoảng 1.300 tỷ đồng thì việc rót tiền cho các ngôi sao ca nhạc có thể là giải pháp ít tốn kém nhất nhưng cũng rất có thể sẽ “đốt” thêm tiền của Tiki trước các đối thủ.
Theo các chuyên gia, đầu tư vào các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam hiện nay được xem là “ngồi trên lưng cọp” và chấp nhận cái bẫy không thể rút ra được. Bởi nếu muốn rút ra trong khi sàn vẫn đang thua lỗ thì giá trị các khoản đầu tư trước đó có thể trở về con số 0. Chính vì thế, buộc nhà đầu tư phải tiếp tục rót vốn vào để bảo toàn giá trị đầu tư trước đó hoặc tìm mối bán lại với giá chấp nhận được.
Sau những năm “chinh chiến” trong “đấu trường” thương mại điện tử khốc liệt của Việt Nam, không ít người đã rút ra bài học là không thể nằm trong tốp dẫn đầu nếu không “đốt tiền”.
Trong giai đoạn này, các nhà đầu tư sẽ phải xem xét về thị phần, doanh số bán hàng của một trang thương mại điện tử để quyết định đầu tư tiếp.
Cho đến thời điểm hiện tại, rất khó để biết khi nào các trang như Tiki hết báo lỗ tại Việt Nam. Vì tuỳ vào chiến lược ưu tiên của từng doanh nghiệp khi đầu tư vào thị trường này mà họ sẽ có cách làm khác nhau. Có điều chắc chắn rằng, nếu đặt nặng mục tiêu giành khách hàng và thị phần, rất khó để các trang này có lợi nhuận trong một vài năm tới.