Phí hoa hồng thấp và đảm bảo doanh thu cho người bán là chiến lược giúp Temu tuy “sinh sau” nhưng “làm mưa làm gió” ở nhiều quốc gia, sắp tới có thể là Việt Nam.
Đấu với Amazon
Amazon đã trở thành ông lớn trong ngành thương mại điện tử toàn cầu bằng cách xây dựng nền tảng hiệu quả, đơn giản và giao hàng nhanh chóng, sau đó thuyết phục hàng triệu nhà bán sử dụng nền tảng của mình để kinh doanh. Giờ đây, để cạnh tranh với Amazon, nền tảng TMĐT với đặc trưng sản phẩm giá rẻ Temu đã và đang thực hiện các chiến lược nhằm lôi kéo những người bán này. Lợi ích họ đưa ra là phí hoa hồng thấp hơn và đảm đảm mức doanh thu.
Động thái này của Temu diễn ra trong bối cảnh cả Temu và hai đối thủ Shein, Amazon đang điều chỉnh các hoạt động TMĐT nhằm đối phó với nhiều thách thức khác nhau. Temu dự kiến đánh vào những chi phí mà Amazon tính cho mỗi nhà bán, chẳng hạn phí hậu cần, xử lý đơn hàng, giao hàng và chăm sóc khách hàng.
Cụ thể, Temu cho nhà bán đăng sản phẩm lên sàn của họ, sau đó tự Temu sẽ xử lý và giao hàng từ các kho tại Mỹ. Như vậy nhà bán sẽ tránh được khoản phí dịch vụ khổng lồ vốn dĩ họ phải trả nếu bán trên Amazon, cho phép họ vẫn có lợi nhuận dù bán hàng giá thấp hơn.
Trên thực tế, đây là điều kiện tiên quyết nếu muốn bán trên Temu. Cụ thể, Temu yêu cầu các nhà bán phải niêm yết giá thấp hơn 15 đến 30% so với Amazon. Khi ấy, Temu sẽ bảo đảm mức độ tăng trưởng và doanh thu cho nhà bán. Hay nói cách khác, Temu sẽ “bảo lãnh” mọi tổn thất mà các nhà bán gặp phải nếu bán giá thấp.
Temu thu hút doanh nghiệp có kho hàng tại Mỹ để giao hàng đến tay người tiêu dùng Mỹ sớm hơn. Sau đó họ tự chuẩn bị và vận chuyển đơn hàng với chi phí thấp hơn, không tính thêm phí dịch vụ như Amazon.
Chiến lược lôi kéo người bán Mỹ không chỉ là cách để Temu tấn công trực diện Amazon, mà còn là cách để họ “tự vệ”. Giống như Shein, mô hình của Temu kiếm lợi nhờ việc vận chuyển số lượng hạn chế hàng giá rẻ từ Trung Quốc, bởi vì quy tắc nhập khẩu tối thiểu cho phép họ không bị tính thuế hải quan đối với các bưu kiện giá trị dưới 800 đô. Tuy nhiên giờ đây quan hệ song phương Mỹ - Trung dần căng thẳng và chính quyền Mỹ rục rịch ban hành các quy định nhằm xóa bỏ lỗ hổng thuế quan để kiềm chế Shein và Temu, Điều này giáng một đòn nghiêm trọng vào mô hình của cả hai. Do đó có vẻ như Temu đang muốn tăng lượng vận chuyển hàng hóa nội địa tại Mỹ để bảo đảm hoạt động trong tương lai.
Ngoài ra vẫn có những nguyên nhân khác đằng sau chiến lược của Temu. Các thông tin cho thấy mặc dù thị phần của Temu sẽ tăng gấp 3 lần vào năm tới, từ 0,7% (2023) lên 2,3%, thế nhưng nó vẫn chẳng thấm vào đâu với thị phần 40% của Amazon. Chưa kịp tăng ga hết cỡ để đuổi theo Amazon, Temu đã phải đối mặt với tình trạng số lượng hàng bán ra bị chững lại, ít thu hút được khách hàng mới và cũng khó thuyết phục khách hàng cũ mua lại. Tình trạng sẽ càng tồi tệ hơn nếu ưu đãi thuế quan bị hủy bỏ và Temu buộc phải tăng giá để bù đắp. Vậy nên ngay từ bây giờ họ đã cố gắng lôi kéo người bán của Amazon.
Dĩ nhiên Amazon sẽ không chịu ngồi yên nhìn Temu hành sự. Ngoài việc triển khai giao hàng trực tiếp từ Trung Quốc, Amazon còn hợp tác với các mạng xã hội nổi tiếng, cho phép người dùng mua sắm hàng hóa trực tiếp trên các mạng xã hội. Đồng thời họ cũng liên tục quảng cáo với nhà bán rằng dịch vụ giao hàng nhanh Fulfillment By Amazon có giả rẻ bằng 2/3 mức phí của các bên khác. Đây là một dịch vụ rất có ích cho những người mua muốn nhận được hàng hóa nhanh chóng. Nhưng trước mắt thì Temu cho thấy vẫn đang rất hấp dẫn với người bán của Amazon.
Đối thủ Shopee
Có thể thấy, cách Temu lôi kéo người bán về sàn của mình khá giống với cách của Shopee lôi kéo người bán Việt Nam thuở ban đầu. Khi bước chân vào Việt Nam, thị trường thương mại điện tử nơi đây đã có sẵn một số đối thủ đáng gờm như Tiki hay Lazada. Shopee dùng chiêu bài miễn phí mở gian hàng, giản lược quy trình sao cho mở gian hàng trên sàn thật đơn giản. Ưu đãi đến nỗi, thời đó, mỗi người bán có nửa tá gian hàng trên Shopee là chuyện bình thường.
Sau khi có đông người bán, Shopee mới xiết chặt dần quy định hoạt động, nâng dần phí. Hiện Shopee là sàn chiếm thị phần số 1 ở Việt Nam. Song song với đó, Shopee nâng dần dần phí người bán và theo các nhà phân tích, Shopee sẽ dựa vào phí thu của người bán này làm động lực tăng trưởng.
Với cách Temu thu phí thật thấp đã dùng để hút người bán từ Amazon, có thể dự đoán họ sẽ tiếp tục dùng cách này để “quyến rũ” người bán Việt Nam. Lúc đó người bị ảnh hưởng đầu tiên sẽ là Shopee, sàn chiếm thị phần nhiều nhất Việt Nam. Nếu Temu thành công thì trớ trêu thay, Shopee bị đánh bởi chính chiêu thức của mình.
Có thể dự đoán sẽ lại nổ ra cuộc chiến “đốt tiền”, “mưa ưu đãi” để giành giật người bán giữa Shopee và Temu trong thời gian tới. Hãy cùng chờ xem.