Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Dự án công viên phần mềm số 2 tại Đà Nẵng với tổng kinh phí đầu tư gần 1.000 tỉ đồng vừa được gỡ vướng bằng việc bổ sung Điều 9a vào Nghị định số 144/2016/NĐ-CP ngày 1/11/2016.
>>Đà Nẵng trở thành điểm sáng trong phát triển thị trường khoa học công nghệ
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký ban hành Nghị định số 09/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 144/2016/NĐ-CP ngày 1/11/2016 của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng. Theo đó, Nghị định này bổ sung Điều 9a (xếp sau Điều 9 Nghị định số 144/2016/NĐ-CP ngày 1/11/2016 của Chính phủ) với nhiều nội dung mới.
Cụ thể, về đầu tư, quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thông tin là Khu Công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng thì Khu Công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng (Khu Công nghệ thông tin tập trung) do UBND thành phố đầu tư theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về đầu tư công là tài sản kết cấu hạ tầng thông tin.
Do đó, HĐND TP. Đà Nẵng được xem xét, quyết định việc đầu tư, nâng cấp, mở rộng, phát triển tài sản kết cấu hạ tầng thông tin đối với Khu Công nghệ thông tin tập trung từ nguồn ngân sách thành phố Đà Nẵng. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước về Khu Công nghệ thông tin tập trung là UBND TP. Đà Nẵng và đối tượng được giao công viên phần mềm là đơn vị sự nghiệp công lập của UBND TP Đà Nẵng (đơn vị quản lý).
Đơn vị quản lý Khu Công nghệ thông tin tập trung trực tiếp tổ chức khai thác tài sản. Việc tổ chức khai thác Khu công nghệ thông tin tập trung phải được lập thành Đề án và được UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt.
Việc lựa chọn đối tượng được cung cấp hạ tầng, cung ứng dịch vụ trong Khu Công nghệ thông tin tập trung (sử dụng tài sản) thực hiện theo hình thức đấu giá và giá khởi điểm để đấu giá lựa chọn đối tượng sử dụng tài sản phải tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý, hợp lệ.
Trong trường hợp không có đối tượng đề xuất nhu cầu khai thác Khu Công nghệ thông tin tập trung hoặc việc khai thác không hiệu quả thì đơn vị quản lý Khu Công nghệ thông tin tập trung xác định nguyên nhân, đề xuất phương án xử lý, báo cáo cơ quan chuyên môn về thông tin và truyền thông để báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Theo tìm hiểu, vào tháng 5/2020, UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt dự án đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 799 tỷ đồng. Sau đó dự án đã được bổ sung tổng mức đầu tư hơn 186 tỷ đồng, nâng tổng mức dự án lên gần 1000 tỷ đồng và được HĐND thành phố thống nhất tại Nghị quyết số 358 ngày 12/4/2021.
Về chi tiết dự án, tại đây có khối toà nhà văn phòng ICT 20 tầng, khối toà nhà văn phòng trụ sở ICT1 8 tầng, khối toà nhà văn phòng trụ sở kết hợp khu cà phê 8 tầng ICT2 cùng hệ thống sân bãi, giao thông nội bộ, cảnh quan cây xanh thảm cỏ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ,...
Vào tháng 6/2023 Bộ Tài chính đã có tờ trình Chính phủ về lấy ý kiến góp ý về dự thảo bổ sung một số điều của Nghị định số 144/2016/NĐ-CP ngày 1/11/2016 của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP. Đà Nẵng. Trong đó, Nghị định này bổ sung Điều 9a: “Về đầu tư, quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thông tin”.
Thông tin từ TP. Đà Nẵng, khi dự án hoàn thành sẽ đáp ứng cho khoảng 6.000 vị trí việc làm trực tiếp về công nghệ thông tin, công nghệ số. Đồng thời, việc đầu tư hạ tầng tại đây cũng sẽ tạo ra quỹ đất, giải quyết bố trí địa điểm sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông, doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo,...
Có thể bạn quan tâm