Sáng nay (12/11), Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, nhiều ý kiến băn khoăn về giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 dự án.
Dự kiến chiều 26/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quan trọng quốc gia này.
Trước đó, tại phiên thảo luận tại Tổ, nhiều Đại biểu băn khoăn về vấn đề giải phóng mặt bằng cho giai đoạn một của dự án. “Cho đến thời điểm này việc thu hồi giải phóng mặt bằng rất chậm, không hiểu khó khăn ở đâu. Qua báo cáo Chính phủ cũng thấy phát sinh băn khoăn, có hơn 11.000 tỷ đồng nhưng mới giải ngân 1%, hết năm mới dự kiến giải ngân 15%”, Đại biểu Trương Anh Tuấn (Nam Định) cho ý kiến.
Cùng lo lắng, Đại biểu Trần Hoàng Ngân băn khoăn về tiến độ của dự án khi đặt mục tiêu hoàn thành chậm nhất vào năm 2025. Đại biểu Ngân nhấn mạnh muốn triển khai dự án ngay vào năm sau thì phải có đất sạch, trong khi tiến độ giải phóng mặt bằng đang rất chậm chạp.
Đến tháng 8, việc đền bù giải phóng mới giải ngân được 232 tỷ đồng, trong tổng số 11.400 tỷ đồng (giai đoạn 2018-2019). Theo báo cáo, nếu nỗ lực hết 2019, sẽ thực hiện giải ngân được thêm 176 tỷ đồng, như vậy mới đạt khoảng 15%.
“Việc chậm giải phóng dẫn đến giá cả đất đai đền bù, thu hồi gia tăng, ảnh hưởng kế hoạch giải phóng mặt bằng, có thể làm chậm dự án”, Đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.
Trước những khó khăn này, các Đại biểu cho rằng, khi thông qua dự án thu hồi đất cho dự án sân bay Long Thành cần phải để tránh khó khăn trong giải thích tuyên truyền và khiếu kiện, cũng như áp giá chung.
“Hiện những khó khăn do giai đoạn một là vậy, còn giai đoạn 2, giai đoạn 3 sẽ như thế nào? 22.000 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng còn đủ không? Do đó, cần giải trình cụ thể hơn cho việc triển khai dự án thu hồi, giải phóng mặt bằng cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành”, Đại biểu Trương Anh Tuấn nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
06:14, 12/11/2019
00:10, 02/11/2019
10:06, 31/10/2019
08:21, 31/10/2019
19:06, 24/10/2019
16:48, 24/10/2019
Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng cần quy định rõ ràng quy trình, thủ tục thu hồi thêm 136 ha bổ sung để làm 2 tuyến đường kết nối tới sân bay.
"Phần diện tích bổ sung sẽ được đưa vào dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 hay đưa vào dự án giải phóng mặt bằng đã được tách riêng trước đó", Đại biểu Võ Văn Thưởng đặt vấn đề. Thậm chí, nhiều Đại biểu cho rằng việc bổ sung 2 tuyến đường này cho thấy sơ xuất về quy hoạch của dự án, "vừa thi công vừa thiết kế".
“Rõ ràng đây là sơ xuất không nhỏ. Triển khai dự án cảng hàng không 5.000 ha nhưng lại không có con đường vào”, Đại biểu Trương Anh Tuấn nói, đồng thời kiến nghị việc triển khai các đường kết nối phải đưa vào dự án.
Đồng quan điểm, Đại biểu Dương Trung Quốc lấy ví dụ về việc đất đai vệ tinh của dự án đã bắt đầu lên giá để đưa ra đề xuất Chính phủ cần chú trọng vấn đề quy hoạch.
“Làm một con đường thi công cũng phải quy hoạch, xác định sau này là con đường dân sinh hay không, tránh gây hậu quả lãng phí”, Đại biểu Dương Trung Quốc nói.
Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án CHK quốc tế Long Thành, Chính phủ đề xuất bổ sung đầu tư 2 tuyến đường bộ kết nối.
Tuyến số 1 (dài 3,8 km) kết nối trục chính cảng (đầu phía Tây) với QL51. Giai đoạn 1 đầu tư với quy mô 6 làn xe. Thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh là 10 làn xe chạy chính và 6 làn đô thị song hành, bề rộng mặt cắt ngang thay đổi từ 85-120 m.
Tuyến số 2 (dài 3,5 km) kết nối tuyến số 1 với đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Quy mô mặt cắt ngang gồm 4 làn xe theo 2 nhánh chạy độc lập, song hành với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Chia sẻ về vấn đề này, Đại biểu Bùi Xuân Thống (Đồng Nai) cho biết, 136ha này chủ yếu là đất nông nghiệp nên tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị áp dụng khung chính sách bồi thường như đối với 5.000 ha được phê duyệt ban đầu. Qua thống kê, có khoảng 280 hộ dân bị ảnh hưởng khi tiến hành thu hồi, GPMB diện tích đất này.
“Việc áp dụng một mức bồi thường chung cho toàn bộ diện tích đất trong vùng dự án này sẽ khiến người dân không có cảm giác bị phân biệt, nếu có thu hồi đất thì không có khiếu nại”, Đại biểu đoàn Đồng Nai nêu quan điểm.
Nhiều Đại biểu Quốc hội đã đề nghị làm rõ việc đền bù, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích 136 ha, do công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án đã được tách riêng thành một dự án độc lập và giao UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện nên cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ làm rõ việc thu hồi diện tích đất này theo hướng sẽ được bổ sung, sửa đổi vào Nghị quyết số 53 của Quốc hội hay đưa vào Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1.
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi của Chính phủ, giai đoạn 1 của sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư 111.689 tỷ đồng (4,779 tỷ USD). Theo đó, sẽ đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh dài 4.000 m; 1 nhà ga hành khách với công suất 25 triệu hành khách/năm; nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm và các hạng mục phụ trợ. Chính phủ dự kiến giao VATM xây dựng khu bay, còn ACV xây dựng cảng và các công trình phụ trợ. Theo báo cáo, tổng số vốn ACV cần huy động là 4,194 tỷ USD , tương đương khoảng 98.014 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu mà ACV đã tích lũy được lượng tiền mặt trước ngày 31/12/2018 là 24.268 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2019-2025, ACV dự kiến tiếp tục tích lũy 12.339 tỷ đồng từ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, dự kiến ACV bố trí vốn chủ sở hữu được 36.607 tỷ đồng, tương đương 1,566 tỷ USD, chiếm 37% tổng vốn đầu tư. Số vốn còn lại ACV phải đi vay khoảng 2,628 tỷ USD. |