Theo đà xuất khẩu tháng 2, dự báo kim ngạch xuất khẩu tháng 3/2021 sẽ đạt 640 triệu USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo phân tích từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), xuất khẩu sản phẩm thủy sản trong tháng 2/2021 tiếp tục bị chi phối bởi xu hướng tiêu thụ của các thị trường trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn nghiêm trọng. Nhu cầu các sản phẩm có giá trị vừa phải, dễ chế biến, có thời hạn bảo quản lâu, phù hợp với tiêu thụ tại nhà như tôm chân trắng cỡ nhỏ đông lạnh, chả cá, cá cơm khô, mực khô...
Số liệu từ Vasep cho thấy, xuất khẩu thủy sản của cả nước trong tháng 2 ước đạt trên 405 triệu USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước do trùng với kỳ nghỉ Tết nguyên đán nên thời gian sản xuất, chế biến ít hơn. Nhưng lũy kế cả 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản vẫn đạt hơn 1 tỉ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu cá tra có nhiều tín hiệu tích cực với kim ngạch 2 tháng đạt 214 triệu USD, tăng 1,7%. Đặc biệt trong tháng 1, xuất khẩu cá tra phile đông lạnh tăng 54%, cá tra nguyên con tăng 162%.
Ngoài khách hàng Trung Quốc, các đối tác từ Colombia cũng tăng mua cá tra nguyên con của Việt Nam. Xuất khẩu cá tra Việt Nam có chiều hướng hồi phục mạnh ở nhiều thị trường trong tháng đầu năm như sang Mỹ tăng 51%; sang các nước nằm trong Hiệp định CPTPP tăng 38% như Mexico tăng 73%, sang Úc tăng 45%, sang Canada tăng 42%; các thị trường khác gồm Brazil, Colombia, Anh, Nga cũng tăng từ 37 – 129%. Bên cạnh đó, xuất khẩu các mặt hàng hải sản sau 2 tháng đầu năm nay cũng đạt gần 420 triệu USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Vasep cũng dự báo, năm 2021, tình hình thương mại thủy sản sẽ vẫn bị tác động bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể duy trì thế mạnh cạnh tranh về nguồn cung nguyên liệu so với các nước khác... Dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2021 ước đạt 8,8 tỷ USD, tăng gần 5% so với năm 2020.
Theo dự báo của các chuyên gia, kinh tế thế giới có thể sẽ phục hồi với mức tăng khoảng 3,1% vào năm 2021. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế quốc tế, hậu quả của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế toàn cầu sẽ còn dai dẳng.
Đánh giá những cơ hội của ngành thủy sản trong 2021, các chuyên gia cho rằng ngành thủy sản vẫn có những cơ hội từ các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định EVFTA, và gần đây nhất là FTA giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA)… Các FTA này đều đang có tác động tốt đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, góp phần nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản trong thời gian tới.
Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Ðình Hòe phân tích, trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chỉ có thị trường Mỹ và Trung Quốc duy trì được tăng trưởng dương, mức tăng lần lượt là 13% và 5%. Riêng thị trường EU, dù sụt giảm nhưng lại ghi nhận sự bứt phá đáng kể sau khi EVFTA có hiệu lực.
Năm 2021, ngành thủy sản vẫn hưởng nhiều lợi thế từ các FTA, nhưng để có thể chinh phục được đa dạng thị trường thì cần tạo ra sự khác biệt rõ nét cho sản phẩm về cả chất lượng và hình thức. Cụ thể như sản phẩm chủ lực tôm xuất khẩu, khi khó giảm giá thành thì buộc phải tạo ra sự khác biệt về chất lượng để cạnh tranh với sản phẩm tương đồng đến từ các quốc gia khác như Ấn Ðộ, Indonesia… Hay như cá tra, cần đa dạng các sản phẩm chế biến sâu, phù hợp nhu cầu người tiêu dùng từng quốc gia, khu vực.
Có thể bạn quan tâm
NHẬN DIỆN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG (Bài VIII): 3 nhân tố ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của ngành thủy sản
05:00, 18/02/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phấn đấu giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 62 tỷ USD vào năm 2030
19:26, 08/02/2021
Ngành thủy sản năm 2021 và độ nhạy với dịch Covid-19
04:30, 18/01/2021
Thủy sản Vĩnh Hoàn “bất ngờ” với POR16
15:30, 09/01/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Đảm bảo không ảnh hưởng đến tháo gỡ “thẻ vàng” thủy sản
19:22, 22/12/2020
Doanh nghiệp thủy sản cần kiểm soát mối nguy khi xuất khẩu vào Trung Quốc
16:14, 08/12/2020
Khai mạc Tuần giới thiệu sản phẩm thủy sản, OCOP và xúc tiến du lịch Quảng Ninh tại Hà Nội
16:13, 05/12/2020